Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự Lễ khai giảng năm học 2019-2020 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khai giảng.

Dự Lễ khai giảng có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu khai giảng năm học 2019-2020, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết, năm học 2018-2019, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, hiệu quả”, thi đua lập thành tích hướng tới kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện (1949-2019), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã quyết liệt tiến hành đổi mới với phương pháp và lộ trình khoa học, hợp lý tất cả các mặt trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từ công tác tuyển sinh, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, xây dựng đội ngũ giảng viên… cho đến cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.

Các chương trình, giáo trình tiếp tục được cập nhật, bổ sung những nội dung mới, nhất là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đang tác động đến sự phát triển của đất nước. Nhìn chung, Học viện đã đạt được những kết quả tích cực: Tiếp tục đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô hợp lý, phù hợp với các nguồn lực của toàn hệ thống; đẩy mạnh đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới phương pháp đào tạo và đánh giá kết quả học tập; tiếp tục đổi mới công tác tổ chức quản lý dạy và học; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; hoạt động nghiên cứu khoa học không ngừng được đẩy mạnh phục vụ công tác giảng dạy; công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý, hướng dẫn chuyên môn của Học viện đối với các trường chính trị có bước phát triển đột phá, khẳng định rõ vai trò của Học viện.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong năm học 2019-2020, với phương châm “Dân chủ, kỷ cương, gương mẫu, sáng tạo, hiệu quả”, Học viện xác định các nhiệm vụ chính về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như sau: Thứ nhất, tiếp tục mở rộng quy mô gắn liền với nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở phát huy sức mạnh của toàn hệ thống Học viện, và đặc biệt, Học viện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương và các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII. Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, giáo trình các hệ lớp; tích cực, chủ động xây dựng mới chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tiếp tục chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo, tăng cường tương tác giữa học viên và giảng viên, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Thứ ba, tiếp tục chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên, triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5-2019. Thứ tư, tiếp tục kiện toàn, đổi mới công tác quản lý đào tạo; thực hiện công khai, minh bạch các quy trình thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác quản lý đào tạo; tăng cường tính ứng dụng công nghệ thông tin và bước đầu triển khai mô hình quản trị thông minh; tiếp tục siết chặt kỷ cương, đồng thời phát huy vai trò tự quản của học viên và tinh thần trách nhiệm của giảng viên, hướng tới bảo đảm ở mức cao nhất sự công bằng, khách quan, hiệu quả và thực chất trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Với tinh thần đó, tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã tuyên bố khai giảng năm học mới và phát động phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2019-2020 trong toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và kết quả mà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được trong năm học vừa qua, có những tiến bộ trưởng thành cao hơn trong sự nghiệp trồng người của Đảng, xứng đáng là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Những kết quả đó đã tiếp tục củng cố vai trò, vị thế của Học viện – mái trường của Đảng vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Minh Chính tin tưởng rằng, với truyền thống 70 năm vẻ vang, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí Phạm Minh Chính cũng mong muốn và đề nghị các cấp ủy đảng, các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để Học viện, hệ thống các trường chính trị của Đảng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó trong tình hình hiện nay.

Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019-2020 của Học viện, đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu Học viện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện các mặt hoạt động, phát triển Học viện theo tinh thần của Quyết định số 145 ngày 8-8-2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Học viện. Các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và tham mưu tư vấn chủ trương, chính sách của Học viện phải thể hiện rõ tầm vóc, trí tuệ, bản sắc, vai trò, vị thế, tầm quan trọng của ngôi trường có bề dày và cao cấp nhất của Đảng ta; xây dựng phát triển Học viện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay, nhất là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về góp phần khắc phục căn bệnh ngại học, lười học tập lý luận chính trị hiện nay; tạo môi trường thúc đẩy khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu trên toàn hệ thống Học viện; tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên biết làm việc trong môi trường quốc tế.

Cùng với đó, Học viện cần đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ tập trung vào những phương hướng, nhiệm vụ sau: 1) Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần bám sát Cương lĩnh, Điều lệ, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, hết sức chú trọng việc rèn luyện, lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng; đồng thời rất thiết thực dạy những điều mà Đảng cần, Học viện cần, lý luận và thực tiễn cần, gắn với quá trình công tác trước mắt, lâu dài và xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong thực tiễn địa phương, cơ quan đơn vị và của đất nước. 2) Bám sát vào 2 trọng tâm, 5 đột phá của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất nâng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; gắn kết chặt chẽ với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Năm học này, Học viện được giao nhiệm vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng. Hai lớp đầu tiên đã được khai giảng vào tháng 8-2019 và sau 1 tháng triển khai, bước đầu được đánh giá rất tốt; đề nghị Học viện tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ này. 3) Cùng với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan, Học viện cần chủ động, tích cực tham mưu về nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; bồi dưỡng chức danh, cập nhật kiến thức, khung năng lực, vị trí việc làm theo yêu cầu trình độ và tính chất công việc, cần khẩn trương hoàn thiện khung chương trình và tài liệu học tập của từng lớp học. 4) Tiếp tục hoàn thiện nội dung, phương pháp đào tạo với phương châm “lấy học viên là trung tâm, giảng viên là động lực, nhà trường là nền tảng”. 5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm minh, bảo đảm tuyển sinh học lý luận chính trị nói chung, cao cấp lý luận chính trị nói riêng đúng đối tượng, đủ điều kiện, tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Với lợi thế là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học và lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, Học viện cần đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng gắn với các chương trình nghiên cứu về những giải pháp, nhằm góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, thực hiện hiệu quả các chủ trương lớn của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nghiên cứu về tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Học viện cũng phải đóng góp vai trò tích cực, hiệu quả trong việc tham gia chuẩn bị nội dung các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu có các công trình nghiên cứu mang tầm quốc gia, có sức lan tỏa lớn trong xã hội, ngang tầm với vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển nhân lực, nguồn lực cho Học viện chính là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Học viện cần đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, có tính đảng cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về lý luận, cập nhật kiến thức, có trình độ và phương pháp sư phạm; có kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời có kế hoạch đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài cho nhà trường. Đồng thời, là mái trường cao cấp nhất của Đảng, Học viện phải gương mẫu chăm lo công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng bộ Học viện thật sự đoàn kết, có sức chiến đấu cao.

Nhân dịp này, đồng chí Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các học viên phải ý thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ của mình, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về lý tưởng cách mạng, xác định học tập vừa là vinh dự, vừa là nghĩa vụ, quyền lợi, vừa là trách nhiệm; thực hiện tốt phương châm: gắn lý luận với thực tiễn, biến quá trình học thành quá trình tự học, tự nghiên cứu, chủ động, sáng tạo theo gợi mở và định hướng của giảng viên; tự chủ động đẩy mạnh học tập theo nhóm; đẩy mạnh các nghiên cứu liên quan đến tự tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra./.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất