Mấy ý kiến về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ chuyên đề
Buổi sinh hoạt chuyên đề về trật tự đô thị tại Chi bộ 18, phường Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội).

Sinh hoạt chuyên đề của chi bộ Đảng thường diễn ra sôi động, cuốn hút hơn sinh hoạt thường kỳ. Tất nhiên 2 loại sinh hoạt này không thay thế được cho nhau. Sinh hoạt thường kỳ diễn ra hằng tháng. Sinh hoạt chuyên đề được tổ chức ít nhất một lần mỗi quý. Nội dung sinh hoạt chuyên đề rất phong phú, đa dạng, như: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ; phòng, chống, khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, chi bộ... 

Các chi bộ và cá nhân các đồng chí bí thư, phó bí thư và chi ủy đều mong muốn thường xuyên tổ chức được các buổi sinh hoạt chuyên đề chất lượng, hiệu quả, cuốn hút, có tác dụng tích cực với từng đảng viên trong chi bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, có lúc, có nơi, việc tổ chức còn gặp khó khăn nên nội dung sinh hoạt chuyên đề khô khan, nhàm chán, nhiều lúc miễn cưỡng, lấy lệ, làm theo kiểu cho xong. Đảng viên tham dự ít hăng hái phát biểu, đồng ý suông. Kết thúc sinh hoạt, đảng viên không được truyền thêm cảm hứng, lúng túng trong việc cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, hành động có tác dụng tích cực cho bản thân, cho tổ chức. Nguyên nhân chủ yếu có thể là đồng chí bí thư, phó bí thư chưa dành đủ thời gian cho công tác chuẩn bị sinh hoạt chuyên đề. Việc chuẩn bị nội dung còn nguyên tắc, máy móc, thiếu linh hoạt, chưa sát với thực tiễn, thiếu sự gần gũi, thiết thực với đảng viên hoặc ham bàn về những vấn đề lý luận quá trừu tượng, khó hiểu hoặc có lúc lại sa vào các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể đơn thuần, làm thay chính quyền...

Để sinh hoạt chuyên đề của chi bộ đảng đảm bảo hiệu quả, có chất lượng, thu hút sự tương tác tích cực, thực chất của từng đảng viên, bên cạnh việc duy trì thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của cấp trên, chi bộ có thể tham khảo thực hiện thêm các giải pháp sau: 

Một là, thời sự hóa nội dung sinh hoạt. Ví dụ về chuyên đề Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị: khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành, các chi bộ tại cơ quan hành chính có chức năng, nhiệm vụ tham mưu phục vụ điều hành hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội có thể cụ thể hóa thành chuyên đề: Một số thay đổi của pháp luật đất đai, nhà ở và việc áp dụng khi tham mưu thực hiện tại cơ quan. Việc này giúp chi bộ thảo luận và ban hành nghị quyết để giao nhiệm vụ cho từng đảng viên đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm hiểu biết sâu về pháp luật, chuyên môn, tra cứu nhanh và tham mưu áp dụng pháp luật chính xác trong công tác hằng ngày. Hoặc về chuyên đề Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh: khi tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” vừa ban hành, chi bộ có thể sử dụng ngay những bài báo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để làm tài liệu sinh hoạt chuyên đề, như bài Bệnh sợ trách nhiệm (đăng trên Tạp chí Cộng sản, số tháng11 năm 1973). Đảng viên sẽ thấy rất thú vị và hữu ích vì bài báo dù viết cách đây cả nửa thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. 

Như vậy, chi bộ đã bám sát các sự kiện thời sự đang diễn ra trong cuộc sống và đảng viên có điều kiện để trao đổi, thảo luận ngay về những sự kiện đó, vừa kịp thời nắm được dòng chảy xã hội vừa hiểu sâu sắc vấn đề, có ý nghĩa thiết thực cho công tác của tổ chức, của cá nhân.

Hai là, cụ thể hóa nội dung sinh hoạt thành những vấn đề gần gũi, thiết thực với nhiệm vụ hằng ngày của đảng viên trong công tác. Tại mỗi buổi sinh hoạt, đảng viên có nhu cầu biết thêm thông tin, tri thức có ích cho công việc. Từ đó, đảng viên chuyển hóa thành các hành động cụ thể để phát triển bản thân, làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, lan tỏa trong nhân dân. Ví dụ như về chuyên đề Giải pháp nâng cao trình độ lý luận chính trị: tại cuộc sinh hoạt chi bộ, đảng viên được cung cấp thông tin về những nội dung lý luận cơ bản của Đảng ta, như đường lối đổi mới, mục tiêu chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường; các mối quan hệ lớn cần giải quyết trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội... Nhưng kết thúc buổi sinh hoạt vẫn phải có câu trả lời cho câu hỏi: biện pháp cụ thể hơn nữa để nâng cao trình độ lý luận chính trị cho mỗi đảng viên trong chi bộ là gì?. Một số giải pháp thường được đưa ra là: tăng cường nghiên cứu, học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, mở các lớp ngắn hạn để bồi dưỡng, nâng cao nhận thức hoặc cử đi học các lớp trung, cao cấp chính trị... Giải pháp này luôn đúng nhưng nhiều khi khá chung chung hoặc phải chờ đến khi mở lớp học tập. Trong khi đó, yêu cầu, nhu cầu nâng cao trình độ lý luận chính trị của đảng viên là thường xuyên, nhiều lúc là cấp bách. Vì vậy, tại buổi sinh hoạt chuyên đề này, việc trang bị, củng cố thêm kiến thức của đảng viên là quan trọng. Có thể đề cập đến việc hiện nay, có blog ca ngợi các cuộc “cách mạng màu” đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia khác, coi đây là biện pháp giành lại “dân chủ, nhân quyền”, để đem lại giàu sang cho nhân dân, đồng thời “lập lờ” gợi ý, khuyến nghị thực hiện. Không ít người dân đã tiếp cận các thông tin trên và băn khoăn, nhiều khi còn dao động. Tình huống này đòi hỏi từng đảng viên phải thực hiện trách nhiệm của mình theo đúng Điều lệ Đảng. Đó là: liên hệ chặt chẽ với nhân dân; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng. Như vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, từng đảng viên phải hiểu rõ về vấn đề “cách mạng màu” thực chất là một bộ phận hợp thành của chiến lược “diễn biến hòa bình” với mục tiêu phá hoại nền độc lập của các quốc gia, dân tộc... Kết cục của các cuộc “cách mạng màu” là sự chia rẽ, khủng hoảng xã hội, nền kinh tế suy sụp, mất an ninh, trật tự, bạo loạn, chiến tranh, người dân lâm vào cảnh nghèo đói cùng cực... Tại nơi cư trú, trong sinh hoạt gia đình, họ hàng, khi giao tiếp với bạn bè, người quen..., từng đảng viên cần sử dụng ngay những lý luận trên để phân tích, bình luận, cung cấp thêm ví dụ cụ thể, thông tin đa chiều nhằm làm cho người dân hiểu sâu sắc từ đó cảnh giác và hành động đúng pháp luật. 

Như vậy, đảng viên đã được nâng trình độ lý luận chính trị ở tình huống cụ thể này. Việc đưa những nội dung thực tiễn vào sinh hoạt chuyên đề vừa giúp đảng viên thực hành ngay được trong cuộc sống vừa củng cố, mở rộng thêm vốn lý luận chính trị. 

Ba là, nghiên cứu lý luận chính trị không chỉ từ những cuốn sách, giáo trình dày. Toàn tập C.Mác, Ph.Ăng-ghen, Lê-nin, Hồ Chí Minh là những cuốn sách gối đầu giường của các nhà nghiên cứu, giảng dạy về lý luận chính trị. Đảng viên có điều kiện cũng cần đọc, nghiên cứu để nâng cao trình độ, nhận thức. Tuy nhiên, các bài báo, nội dung ngắn về lý luận chính trị thường xuyên đăng trên các báo, tạp chí, như: Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng,... rất hữu ích và phù hợp hơn cho đa số đảng viên vì ngắn gọn, dễ hiểu, theo chuyên đề, sinh động, hấp dẫn, bám sát dòng chảy đời sống xã hội. Ví dụ như muốn nghiên cứu về vấn đề nhân dân làm chủ, đảng viên tìm kiếm trên mạng và có thể thấy ngay bài báo với tiêu đề “Tư tưởng Dân là chủ và dân làm chủ qua bài báo Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của PGS, TS Nguyễn Chí Hiếu đăng trên Tạp chí Cộng sản. Đây là một bài báo không dài nhưng đã khái quát một cách sâu sắc, sinh động về lý luận dân chủ. Hoặc bài “Luận bàn về vấn đề dân chủ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của Ths Đỗ Quang Huy đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng. Đây là một bài viết chuyên sâu có thể cung cấp cho đảng viên những kiến thức cơ bản về nền dân chủ XHCN ở nước ta và các giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Bốn là, cần phát huy được trí tuệ tập thể của đảng viên trong quá trình xây dựng nội dung sinh hoạt chuyên đề . Bí thư, phó bí thư chi bộ có trách nhiệm chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề. Tuy nhiên, để nội dung sinh hoạt thu hút, hấp dẫn đảng viên thì cần làm cho đảng viên trở thành “người trong cuộc”, nghĩa là đảng viên phải thấy bản thân có trách nhiệm tham gia chuẩn bị nội dung sinh hoạt chuyên đề, coi đây là nhiệm vụ của chính mình, không phải chỉ là nhiệm vụ của bí thư, phó bí thư. Từ đó, đảng viên dành lượng thời gian phù hợp, nghiêm túc nghiên cứu chủ đề, nội dung gợi ý và tra cứu, tìm hiểu các nội dung liên quan để đóng góp ý kiến cho quá trình chuẩn bị nội dung cũng như tích cực tham luận trong buổi sinh hoạt. Bí thư, phó bí thư chi bộ có vai trò gợi mở, điều hành theo hướng khuyến khích và dành chủ yếu thời gian cho đảng viên phát biểu. Trên cơ sở đó, bí thư, phó bí thư tổng hợp đầy đủ, chính xác các ý kiến, kết hợp với những nội dung đã chuẩn bị trước để tổng hợp, kết luận, ban hành nghị quyết. Khi thấy nội dung nghị quyết có sự đóng góp công sức, vai trò của mình, từng đảng viên càng tích cực hơn trong quá trình thực hiện, chuyển hóa thành các hành động thiết thực, cụ thể. Ví dụ như chuyên đề Nâng cao năng lực công tác của cán bộ, đảng viên là một nội dung rất thiết thực, thường thu hút sự tham gia tích cực của đảng viên trong quá trình xây dựng nội dung, tham gia góp ý, đề xuất giải pháp và tích cực khi phát biểu, thảo luận tại buổi sinh hoạt chi bộ ở các cơ quan hành chính nhà nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất