Thi hành kỷ luật 18 tổ chức đảng và 442 đảng viên
Báo cáo về công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm 2019, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, với nhiều việc lớn, việc khó, tiến độ khẩn trương song với tinh thần quyết tâm chính trị cao; phương thức lãnh đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy có nhiều đổi mới nên Đảng bộ thành phố đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra và giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Nổi bật là đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng đảng và bước đầu đạt kết quả tích cực. Báo cáo Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị bảo đảm chất lượng, tiến độ. Chỉ đạo sớm công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU gắn với Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ. Triển khai lựa chọn 5 quận, huyện (Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm, Chương Mỹ) xây dựng và triển khai các đề án thí điểm về sắp xếp tổ chức bộ máy người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố, đảm bảo đúng quy định.
Ban Thường vụ Thành ủy điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử 60 đồng chí; kết nạp 6 chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng và kết nạp lại10 trường hợp. 15/77 tổ chức cơ sở đảng đã củng cố xong, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, nhất là ở những nơi có các vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đáng chú ý, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) các cấp đã thi hành kỷ luật 18 tổ chức đảng và 442 đảng viên. Cá biệt đã xử lý kỷ luật một đồng chí bí thư huyện ủy bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, UBKT các cấp giải quyết tố cáo đối với 1 tổ chức đảng và 29 đảng viên. Nội dung tố cáo chủ yếu về vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống… Đề xuất xử lý 13 đơn thư khiếu nại, phản ánh đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và qua đó góp phần ổn định tình hình trên địa bàn….
Bên cạnh kết quả đạt được, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm như công tác nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số cấp ủy cơ sở, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp, có nơi, có lúc chưa kịp thời. Công tác quản lý đảng viên có nơi thiếu chặt chẽ, cá biệt để cán bộ vi phạm pháp luật phải xử lý…
Trên tinh thần đó, Thành ủy Hà Nội xác định một số nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2019, trong đó nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Thành ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định; chỉ đạo thực hiện kế hoạch tuyển dụng công chức, viên chức bảo đảm nghiêm túc, minh bạch và đúng quy định…
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị
Sau khi nghe ý kiến đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện phát biểu thảo luận, góp ý kiến về công tác xây dựng đảng, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã trao đổi, làm rõ hơn một số ý kiến mà các đại biểu quan tâm. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, có thể tóm lược 5 kết quả nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy 6 tháng đầu năm 2019, với điểm nhấn quan trọng là công tác chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, gắn với chủ đề của năm mà thành phố đã chọn là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị”. Điều này được thể hiện rõ qua sự đánh giá cao từ đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị khi kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương tại Hà Nội, trong đó khẳng định Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt, có bước đi thận trọng và đạt được kết quả bước đầu.
Về những kiến nghị chung quanh thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP. Hà Nội” và thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất phê duyệt đề án để 5 quận, huyện thực hiện thí điểm. Kỳ họp HĐND thành phố diễn ra trong tuần tới sẽ thông qua nghị quyết chuyên đề về việc thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Sau khi có nghị quyết của HĐND, đồng loạt 584 xã, phường, thị trấn sẽ triển khai thực hiện theo nội dung tinh thần chỉ đạo của Nghị định 34/2019/NĐ-CP.
Riêng việc sắp xếp, sáp nhập các xã, phường, TP. Hà Nội đã rà soát và có văn bản báo cáo Chính phủ và Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ thống nhất với đề nghị của Hà Nội trình Chính phủ về việc sắp xếp, sáp nhập các xã, phường ở Hà Nội, do tính chất đặc thù, sẽ làm thận trọng và chưa triển khai thực hiện đại trà trong giai đoạn đầu. Về chủ trương bí thư kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho biết sẽ thực hiện ở những nơi có đủ điều kiện cả về điều kiện địa giới tự nhiên lẫn cán bộ, chưa thực hiện đồng loạt, đại trà.
Thu Hà/ĐCSVN