Buổi làm việc ngày 1-8-2019 và sáng 2-8-2019 là hội nghị trực tuyến góp ý của 63 tỉnh, thành ủy vào 2 dự thảo. Buổi làm việc chiều ngày 2-8-2019 là hội nghị lấy ý kiến đóng góp có sự tham dự của các đại biểu đến từ Văn phòng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, đại diện một số đảng đoàn, ban cán sự đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản. Cùng tham dự hội thảo còn có các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương: Thành viên Tổ Biên tập, lãnh đạo Vụ Tổ chức – Điều lệ, Vụ Cơ sở đảng, đảng viên, Vụ V, Viện Khoa học tổ chức cán bộ và Văn phòng Ban.
Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu kết luận hội thảo chiều ngày 2-8-2019.
Đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, đại diện Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Trong 2 ngày làm việc, hội thảo đã nhận được 65 ý kiến tham gia phát biểu thảo luận, góp ý và là những ý kiến tích cực, xây dựng, giúp Tổ Biên tập có cái nhìn đa chiều hơn để tổng hợp, sửa đổi phù hợp. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất cao với 2 dự thảo mà Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị. Các ý kiến chủ yếu đóng góp về mặt câu chữ, diễn đạt, sử dụng từ ngữ của văn bản hành chính, đề nghị một số nội dung diễn đạt sao cho rõ nghĩa hơn, tránh gây hiểu nhầm trong thực hiện... Một số đại biểu thuộc Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Trung ương Đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ... góp ý về quy định tối đa số lượng đầu mối trực thuộc cơ quan cấp tỉnh; số lượng cấp phó của mỗi đầu mối; khi có yêu cầu số lượng cấp phó cấp huyện cao hơn quy định không cần phải xin ý kiến của Ban Bí thư mà chỉ cần xin ý kiến của ban thường vụ tỉnh, thành ủy; nên có quy định cho cấp huyện khi cần thêm 1 cấp phó thì nên quy định 1 phó chuyên trách và 1 phó kiêm nhiệm...
Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội phát biểu thảo luận.
“Dựa vào dân để đánh giá cán bộ, công chức, để nhân dân đánh giá cán bộ” – đó là ý kiến của TS. Phan Hữu Tích, đại biểu thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đồng chí, chúng ta dựa vào dân để xây dựng Đảng nên càng cần phải dựa vào dân để đánh giá cán bộ. Cần dựa vào dân để chúng ta có những đánh giá thực chất hơn về cán bộ. Đánh giá cán bộ, người đánh giá thực chất nhất chính là người đứng đầu trực tiếp giao việc cho cán bộ. Thế nhưng, trong dự thảo Hướng dẫn kiểm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đều chưa nêu rõ vai trò của người đứng đầu và chưa thấy vai trò, giải pháp để nhân dân tham gia đánh giá cán bộ. Đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương nêu ý kiến làm thế nào để sử dụng hiệu quả các phát hiện của các cơ quan thông tấn báo chí, của người dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Trong dự thảo Hướng dẫn cần đưa ra các định lượng để đánh giá cán bộ, đảng viên.
Kết luận hội thảo, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cảm ơn sự đóng góp ý kiến quý báu của các địa phương, các đảng đoàn, ban cán sự đảng. Đối với ý kiến cần phải dựa vào dân, vào trách nhiệm của người đứng đầu để đánh giá cán bộ; người đứng đầu nếu làm đúng nguyên tắc, nghiêm túc thì sẽ có những đánh giá chất lượng nhất về cán bộ - đồng chí khẳng định đó là những ý kiến góp ý chất lượng. Ban Tổ chức Trung ương sẽ chắt lọc các ý kiến của các địa phương, các đảng đoàn, ban cán sự đảng và tiếp thu để 2 dự thảo hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn.
Minh Anh