Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự Hội nghị có: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long; các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành BHXH Việt Nam tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ.
Chuyển đổi số - xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia. Chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người", kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cũng dành thời gian phân tích về vai trò, tác động tích cực, mạnh mẽ của chuyển đổi số đối với việc thay đổi phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Mặt khác, thực tiễn thời gian qua cho thấy bài học kinh nghiệm rất quan trọng là việc chuyển đổi số nhanh, mạnh, hiệu quả có vai trò đặc biệt, mang tính quyết định của người đứng đầu ở các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình chuyển đổi số thời gian qua, kết quả, thành tựu, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp; có văn bản chỉ đạo, điều hành phù hợp sau Hội nghị để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Ngành BHXH Việt Nam: "Điểm sáng" trong công tác chuyển đổi số
Là một trong các bộ, ngành đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số thời gian qua, tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có báo cáo về công tác đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ trong thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đây là một trong những “điểm sáng” của Ngành trong công tác chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp để tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng, đảm bảo an toàn, kịp thời.
Hiện nay, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 97,6 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý; trong đó có khoảng 87,4 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 98% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư. Đặc biệt, gần 3,4 triệu người nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng được đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư (đạt gần 100%).
Vì vậy, trong bối cảnh Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024 và Thủ tướng ký ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, BHXH Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện cần thiết về dữ liệu, công tác truyền thông... để sẵn sàng chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng. Do đó, ngày 1-7, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan bưu điện, ngân hàng, các địa phương thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng cho người hưởng đồng loạt trên phạm vi cả nước (trong ngày 1-7 đã chi trả cho hơn 70% người hưởng qua tài khoản và trực tiếp). Qua đó, tạo dư luận tốt, tâm lý phấn khởi cho người hưởng, đảm bảo việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo Nghị định mới ban hành kịp thời, chính xác, thuận tiện, an toàn nhất cho người hưởng.
|
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị.
|
Về việc mở tài khoản cá nhân cho người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, thực hiện nhiệm vụ mục tiêu tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Kết quả, đến ngày 31-12-2023, tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng qua việc chi trả không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị đạt 64% (vượt 4%, về đích trước 2 năm so với kế hoạch Thủ tướng giao).
Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 11-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an xác thực dữ liệu người hưởng với CSDL quốc gia về dân cư. Ngày 22-3-2024, BHXH Việt Nam đã ký Quy trình phối hợp số 2286/C06-TCKT với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an về việc triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về dân cư nhằm tăng tỷ lệ người nhận các chế độ BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời rà soát, xác thực người hưởng tình trạng của người hưởng tại nơi cư trú. Để đảm bảo thực hiện đồng bộ, rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố phối hợp với Ngành Công an để tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện, đồng thời phối hợp với bưu điện, ngân hàng đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin đến người dân, đặc biệt, cơ quan BHXH đã phối hợp với cơ quan công an tại địa phương, xuống tận cơ sở, từng nhà người dân để tiếp cận, vận động, tuyên truyền, khuyến khích người hưởng mở, đăng ký nhận chế độ qua tài khoản cá nhân.
Tính đến ngày 9-7-2024, toàn quốc có 74% người nhận hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt 12% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều địa phương đã đạt trên 75% số người hưởng nhận các chế độ BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân, như: Hà Tĩnh 99%, Hà Nội 95%, Bình Dương 89%, Bắc Ninh 80%, Tiền Giang 78% TP. Hồ Chí Minh 75%,...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân mang lại nhiều lợi ích. Đối với người hưởng đảm bảo nhanh gọn, an toàn, thuận tiện. Đối với cơ quan BHXH: Tiết kiệm chi phí quản lý, thời gian, tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng công tác quản lý người hưởng, đảm bảo chặt chẽ.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc chi trả này, thời gian tới, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp với Ngành BHXH Việt Nam trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, kịp thời. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường mạng lưới điểm rút tiền để người hưởng thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ của ngân hàng; nâng cấp hệ thống công nghệ, phương thức thanh toán đảm bảo việc chuyển tiền nhanh chóng, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người hưởng tiếp cận các dịch vụ.
Phạm Chính