Tây Nguyên khắc ghi lời Bác Hồ dạy, vững bước vào kỷ nguyên mới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, tháng 8-2023. Ảnh: TL

Thủy chung, son sắt thực hiện lời Bác Hồ dạy

Trong bức thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku, ngày 19-4-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xơ Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Vậy nên, tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”(1).

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tầm vóc, tư duy nhìn xa, sâu rộng của Bác về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc của Đảng ta. Bức thư ngắn gọn, lời thư mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu nhưng chứa đựng vô vàn tình yêu thương, tình đoàn kết dân tộc, là ngọn đuốc soi đường làm nên sức mạnh lòng dân trong suốt gần 80 năm qua. Người bày tỏ tình cảm tha thiết đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vạch ra những quan điểm rất mới, rất cơ bản của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào các dân tộc thiểu số; những nguyên tắc để củng cố và phát triển mối quan hệ anh em ruột thịt giữa các dân tộc và trách nhiệm của các dân tộc đối với đất nước, với Chính phủ, nhất là vào thời điểm Tổ quốc bị lâm nguy.

Thực hiện lời dạy của Người, ngay sau Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, các đại biểu nhanh chóng trở về các buôn, làng, vận động quần chúng, tổ chức các lễ hội cộng đồng, ăn thề theo phong tục, bày tỏ niềm tin tuyệt đối, thủy chung, son sắt của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ; quyết tâm thực hiện đoàn kết các dân tộc, đoàn kết giữa người Kinh và người Thượng, sát cánh cùng nhau chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, mặc dù đói cơm, lạt muối, ăn lá, măng rừng vô cùng gian khổ nhưng hàng vạn đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hăng hái gia nhập Quân đội cách mạng, tham gia du kích, xây dựng làng kháng chiến hoặc xung phong ra chiến trường, cầm súng bảo vệ buôn, làng.

Trong hai cuộc kháng chiến, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, kề vai, sát cánh, anh dũng cầm súng chiến đấu chống giặc, lập nên những chiến công vang dội, cống hiến cho đất nước những người con ưu tú, xả thân vì Tổ quốc và vun đắp cho mối tình đoàn kết, keo sơn giữa các dân tộc. Tiêu biểu như các anh hùng: Đinh Núp (dân tộc Ba Na), Kpă Klơng, Kpă Ó (dân tộc Gia Rai), Y Buông, A Tranh (dân tộc Xơ Đăng), A Mét (dân tộc Giẻ Triêng), N’Trang Lơng (dân tộc M’Nông) hoặc các vị cách mạng tiền bối tiêu biểu như: Y Ngông Niê Kđăm, Y Bih Alêô (dân tộc Ê Đê), Nay Đer (dân tộc Gia Rai), Bi Năng Tắc (dân tộc Ra Glai), Điểu Ong (dân tộc Xtiêng)… Cùng với đó, hàng vạn đồng bào, chiến sĩ trên mọi miền đất nước đã ngã xuống trên mảnh đất Tây Nguyên để đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày 30-11-1968, trong Điện gửi đồng bào, chiến sĩ Tây Nguyên, Bác Hồ khen ngợi: “Quân và dân Tây Nguyên, già, trẻ, gái, trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua giết giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Người căn dặn: “Ðồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên đã đoàn kết càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng không ngừng, phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, ra sức củng cố và phát triển vùng giải phóng và phục vụ tiền tuyến”(2).

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong mọi giai đoạn của cách mạng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn phấn đấu kiên cường, bền bỉ, kề vai sát cánh, đấu tranh cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, làm nên những kỳ tích anh hùng, hiển hách, làm cho Tây Nguyên có cuộc sống bình yên và ngày càng tươi đẹp. Điều đó được khẳng định trong phát biểu của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại cuộc mít-tinh lớn ở Tây Nguyên ngày 11-4-1978, tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: “Khi còn sống, Bác Hồ vô cùng nhớ Tây Nguyên. Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân cả nước đánh giá cao sự hy sinh vô bờ bến và lòng dũng cảm tuyệt vời của đồng bào Tây Nguyên. Tổ quốc ta, Nhân dân ta và các thế hệ mai sau đời đời nhớ ơn các liệt sỹ từ mọi miền đất nước đã ngã xuống trên chiến trường Tây Nguyên, mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã cùng cả nước viết nên những trang sử chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”(3).

Đi lên cùng cả nước

Sau ngày đất nước thống nhất, tiếp tục thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước có sự đầu tư lớn cả về sức người, sức của; sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của đồng bào cả nước, tập trung khai thác vùng đất giàu truyền thống cách mạng; giàu tiềm năng, thế mạnh, đầu tư xây dựng để Tây Nguyên phát triển, vững bước đi lên cùng cả nước.

Trong 5 năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005), mặc dù các thế lực thù địch liên tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, gây ra 2 cuộc biểu tình, bạo loạn (tháng 2-2001 và tháng 4-2004), hòng làm cho Tây Nguyên khó khăn, bất ổn. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là từ khi có Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên”, tình hình kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên tiếp tục ổn định và phát triển. Cuộc sống của đồng bào chuyển biến tích cực, không còn tình trạng thiếu đói, ốm đau, bệnh tật không có thuốc chữa như trước, từng bước hạn chế du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy... Hàng nghìn buôn, làng “thay da đổi thịt”; đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa ngày càng phong phú, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Khắc ghi và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, tại nhiều buôn, làng ở Tây Nguyên cứ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần, bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, không ai bảo ai, bà con lại tập trung ở nhà rông để chào cờ với ảnh Bác Hồ được đặt ở nơi trang nghiêm nhất. Với đồng bào, đi chào cờ là để thể hiện lòng yêu Tổ quốc và sự kính yêu đối với Bác Hồ. Sau mỗi buổi chào cờ, mọi người có dịp trao đổi về những điều hay, lẽ phải, kinh nghiệm làm ăn. Cũng nhờ vậy, đời sống của bà con được cải thiện, nhiều gia đình có của ăn, của để. Một người con dân tộc Gia Rai là bà Hơ Duyên, Trưởng Đoàn Nghệ nhân huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy đồng bào là phải đoàn kết, phải chăm lo lao động, sản xuất để có cái ăn, cái mặc, bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt của người dân; ngoài sự đoàn kết, gắn bó trong buôn, làng, phải biết đoàn kết với các dân tộc anh em trong đất nước mình.

Sau 22 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị, Tây Nguyên đã có sự phát triển ngoạn mục. Tăng trưởng bình quân của vùng Tây Nguyên đạt 6,55%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt 55,6 triệu đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ. Tỷ trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, thuế trợ cấp sản phẩm năm 2020 tương ứng là: 33,51%, 21%, 40,83% và 14,66% (4).

Năm 2023, năm đầu thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khu vực Tây Nguyên có bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng của các tỉnh trong khu vực đạt từ 7,6% đến trên 12%, cao hơn bình quân chung của cả nước.

Có thể nhận thấy, vấn đề cấp bách của Tây Nguyên là giao thông. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Nhà nước huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển mạng lưới giao thông khu vực. Hiện nay, đường bộ toàn vùng có độ dài gần 40.000km đã kết nối các tỉnh Tây Nguyên, mở rộng cơ hội giao thương với các trung tâm lớn cả nước và các nước trong khu vực. Trong đó, các quốc lộ qua Tây Nguyên có tổng chiều dài 2.517km; đường liên tỉnh gần 2.035km và hệ thống giao thông liên cửa khẩu đã nối Tây Nguyên với Căm-pu-chia và Lào, qua các cửa khẩu quốc tế: Đắk Ruê (Đắk Lắk), Lệ Thanh (Gia Lai), Bờ Y (Kon Tum). Đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Tây Nguyên làm thay đổi diện mạo những buôn, làng trước đây là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được kết nối thuận tiện, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

Vận hội để bứt phá, phát triển bền vững, xứng tầm

Tây Nguyên có diện tích tự nhiên trên 54.600km2, chiếm 1/6 diện tích cả nước, gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng với dân số hiện nay gần 6 triệu người, trong đó trên 2,2 triệu là đồng bào các dân tộc thiểu số; có đường biên giới dài trên 600km giáp với Lào và Căm-pu-chia; có vị trí địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái đa dạng, với rừng đại ngàn có tổng diện tích hơn 2,5 triệu héc-ta, chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước, được xem như là “mái nhà” của Đông Dương, có chức năng phòng hộ, đồng thời là địa bàn chiến lược phòng thủ quan trọng. Đây cũng là nơi có đông thành phần dân tộc nhất nước ta và là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ - dân tộc của Việt Nam.

Để đạt mục tiêu xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, giàu bản sắc văn hóa, tiến tới trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tập trung phát triển kinh tế, trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

 Đẩy mạnh phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo; khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại; phát huy vai trò của các nông, lâm trường, các doanh nghiệp nhà nước để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát triển toàn diện nông thôn, đưa nông thôn Tây Nguyên ra khỏi tình trạng lạc hậu, xây dựng vững chắc mô hình: “Buôn, làng no đủ, an toàn, vững mạnh”. Từng bước tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông - lâm, ngư nghiệp trong GDP nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế là nhiệm vụ hàng đầu, có tính chiến lược trước mắt và lâu dài đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Thứ hai, đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo.

Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền để đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có nhận thức đúng đắn về vai trò của giáo dục - đào tạo đối với công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao tri thức, chất lượng cuộc sống. Đồng thời, tập trung đầu tư nguồn lực kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp ở tất cả các cấp học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhà giáo phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nâng số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là người dân tộc thiểu số ở các cấp quản lý giáo dục và trong các cơ sở giáo dục; làm tốt công tác cử tuyển; gắn đào tạo với sử dụng, bảo đảm đúng số lượng, cơ cấu, ngành, nghề, trình độ, chức danh theo địa chỉ, yêu cầu công tác.

Thứ ba, bảo đảm an sinh xã hội; giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa.

Tập trung cải thiện, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ. Thực hiện có hiệu quả, thực chất chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đất ở; đồng bào được dùng nước sạch, được chăm sóc sức khỏe ban đầu; khống chế và tiến tới loại trừ các dịch bệnh thường gặp như: sốt rét, lao, bướu cổ và thanh toán bệnh bại liệt trẻ em. Phát triển các tổ chức và xây dựng công trình khoa học, phục vụ công tác nghiên cứu, giữ gìn bản sắc, bảo tồn các di sản văn hóa đặc trưng, đặc hữu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; xóa bỏ các hủ tục mê tín, lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa tại các buôn, làng.

Thứ tư, tăng cường quốc phòng - an ninh; xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”.

Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược này. Trong đó, chú trọng giải quyết các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữa đấu tranh bảo vệ chủ quyền với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, “thế trận lòng dân” vững chắc, chú trọng các địa bàn trọng điểm, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh, trật tự; giữ vững sự bình yên của buôn, làng.

Thứ năm, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Tiếp tục xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở thực sự vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả, động viên được sức mạnh của quần chúng nhân dân trong phát triển sản xuất, xây dựng buôn, làng, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức; phấn đấu xóa triệt để tình trạng buôn, làng “trắng” đảng viên và “trắng” tổ chức đảng, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung phát triển, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là hạt nhân đoàn kết, lãnh đạo hệ thống chính trị ở cơ sở. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định và phát triển.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giữ trọn niềm tin son sắt với Đảng và Bác Hồ kính yêu; một lòng, một dạ đoàn kết bên nhau, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm phấn đấu thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo với khu vực miền xuôi, làm cho buôn, làng ngày càng giàu đẹp, cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới.

-----

(1) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, H.1958, tập 1, tr.85-86. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG Sự thật, H.2000, tập 12, tr.414-415. (3) Tây Nguyên trên đường phát triển bền vững, NXB CTQG Sự thật, H.2006, tr.30. (4) Tạp chí điện tử Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngày 27-8-2020.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất