Từ chủ trương…
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) đề ra nhiệm vụ phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong xây dựng chiến lược quốc gia. Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa X xác định rõ: Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ. Lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Ngày 6-8-2008, BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, xác định rõ vai trò của trí thức; xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011), Đảng ta chủ trương tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, đặc biệt là phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút và trọng dụng nhân tài, phát triển nền kinh tế tri thức. Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng khóa XI khẳng định: Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích, sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ…
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định: Bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ… tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ nguồn cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực, triển vọng phát triển. Điển hình là chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 của Chính phủ; quy định về xét tuyển công chức đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng; chính sách áp dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ; chính sách về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định tại Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12-5-2014 của Chính phủ…
… Đến triển khai thực hiện
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc để tạo nguồn cán bộ trẻ, tài năng cho nền công vụ. Khi có văn bản của Trung ương, hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản quy định về chính sách thu hút, bố trí và đãi ngộ người có tài năng, cán bộ trẻ có năng lực, trình độ chuyên môn cao về làm việc cho các cơ quan hành chính tại địa phương mình. Trong đó, đề ra các chính sách ưu đãi cụ thể như ưu tiên trong tuyển dụng (bằng hình thức xét tuyển hoặc tiếp nhận không qua thi tuyển); ưu đãi qua việc hỗ trợ một khoản tiền nhất định (trợ cấp ban đầu); trong quá trình công tác được hưởng các chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng; nâng bậc lương đối với những cán bộ có thành tích xuất sắc theo quy định; thường xuyên sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đến những gương điển hình tiên tiến trong quá trình làm việc. Trong các quy định về trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng, có thành tích trong hoạt động công vụ, có địa phương đã thành lập Quỹ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao nhằm thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ. Một số địa phương còn hỗ trợ nhà ở, chi phí đi lại cho các chuyên gia, nhà khoa học…
Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan, bộ, ban, ngành thường xuyên tổ chức nhiều phong trào, chương trình, cuộc vận động, cuộc thi, ý tưởng sáng tạo trên nhiều lĩnh vực nhằm tạo sân chơi cho các tài năng trẻ phát huy năng lực của mình. Nhờ đó, việc phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài đạt nhiều kết quả; đã tập hợp được nhiều tài năng trên các lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cả nước có 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực triển khai thực hiện thí điểm Đề án “Đổi mới cách tuyển chọn, lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Tiếp đó, có 12 địa phương không thuộc diện triển khai thí điểm cũng đã thực hiện theo chủ trương khuyến khích của Ban Bí thư. Một số bộ, ngành, địa phương đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ quan và thực hiện hiệu quả nhiều chính sách thu hút nhân tài.
Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm tại 32 cơ quan, địa phương được chọn, có 12 cơ quan Trung ương đã tổ chức thi tuyển 70 vị trí (gồm 58 vị trí cấp vụ; 12 vị trí cấp phòng); 20 địa phương đã tổ chức thi tuyển 1.124 vị trí (gồm 66 vị trí cấp sở; 1.058 vị trí cấp phòng).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đat được, công tác khuyến khích, trọng dụng nhân tài, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ còn một số hạn chế nhất định. Nhìn chung, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực nổi trội còn hạn chế, chưa thể tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ. Cụ thể, hiện chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá, nhận diện cán bộ có năng lực nổi trội; tư tưởng hẹp hòi, đố kỵ vẫn còn tồn tại ở một số cán bộ lãnh đạo, quản lý; nhận thức về các chính sách, phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài ở nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự sâu sắc, toàn diện; việc triển khai các chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài một số nơi chưa đồng bộ và có hệ thống…
Một số giải pháp
Để thực hiện có hiệu quả chủ trương về thu hút và trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước, thời gian tới các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các cấp nên chăng quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách khuyến khích, thu hút và trọng dụng nhân tài, nhất là cán bộ trẻ có năng lực, triển vọng; về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ trẻ tài năng. Trong đó, cần nắm vững và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ uy tín, năng lực ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hai là, nâng cao nhận thức, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền. Người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải là những người có năng lực, trình độ thực sự, khi đó mới có khả năng nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan đối với cán bộ có tài năng, triển vọng. Người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải đổi mới tư duy, nhận thức trong thực hiện chính sách đối với cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ; chỉ đạo làm tốt các khâu trong công tác cán bộ; khắc phục những yếu kém, hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; thể chế hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị; xây dựng và hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với cán bộ có năng lực nổi trội, có bản lĩnh và cán bộ trẻ tài năng, sinh viên ưu tú; hoàn thiện quy trình, phương pháp nhằm phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp; ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút nhân tài…
Bốn là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ năng động, sáng tạo có năng lực, phẩm chất và uy tín vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Đánh giá và rà soát nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trẻ để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp đối với người có tài năng, có thành tích nổi trội; tạo điều kiện thuận lợi để họ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phù hợp với năng lực, sở trường công tác. Xây dựng chương trình, tuyển chọn và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ trẻ được bổ nhiệm ở những vị trí lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục xây dựng môi trường, điều kiện làm việc phù hợp, hiệu quả nhằm thu hút, tạo động lực đối với nhân tài, cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ có tài năng. Khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân tài làm việc trong các cơ quan, đơn vị được tham gia học tập, giao lưu với các chuyên gia, nhà khoa học để cập nhật tri thức mới, hướng phát triển mới, đóng góp cho sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị và sự phát triển của đất nước.
Năm là, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài; việc đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ tài năng, cán bộ trẻ làm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Từ đó, nhân rộng các điển hình tiên tiến, đồng thời ngăn ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài của Đảng, Nhà nước. Mỗi cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phù hợp nhằm đánh giá đúng việc thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ với cán bộ. Công tác này cần phải được làm thường xuyên, liên tục, đánh giá một cách khách quan, công khai để các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận thức được kết quả trong công tác, từ đó có những biện pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm.
Sáu là, nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức tham mưu xây dựng, thực hiện chính sách. Đội ngũ này phải là những người có chuyên môn giỏi, có kiến thức thực tiễn sâu rộng, kinh nghiệm giải quyết tình huống, phải có kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng hướng dẫn, kỹ năng thuyết phục, tổng hợp, lấy ý kiến, kỹ năng phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm… Chú trọng và thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động của chính sách trước khi ban hành để bảo đảm tính khả thi, toàn diện, đồng bộ và hiệu quả.
Phạm Giang