Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam

Chuyển biến trong sinh hoạt tôn giáo

Ở Việt Nam có 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương; với 43 tổ chức tôn giáo, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước với hàng nghìn cơ sở thờ tự.

Một đặc điểm của tôn giáo là đức tin đối với thế giới linh thiêng. Đức tin này cần được biểu đạt bằng thực hành tôn giáo. Đây là sợi dây kết nối tín đồ với tôn giáo mà họ tin theo, cũng là một kênh để tăng uy tín, ảnh hưởng của tôn giáo đó đối với tín đồ của mình. Cùng với sự phát triển của đất nước, dưới tác động của toàn cầu hóa, niềm tin tôn giáo của người dân có sự thay đổi được thể hiện thông qua sự chuyển biến trong sinh hoạt tôn giáo với sự đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt tôn giáo.

Tín đồ tôn giáo ở Việt Nam có đặc điểm riêng, đặc biệt là có mối liên hệ sâu sắc với tín ngưỡng dân gian/tín ngưỡng văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, niềm tin tôn giáo của tín đồ Việt Nam có sự chuyển biến. Niềm tin tôn giáo của tín đồ Việt Nam mang tính chất phân tán, có thể đặt niềm tin vào nhiều đối tượng. Một phần lý do là vì sự đa dạng tôn giáo và hình thức tín ngưỡng truyền thống gắn với sự đa dạng về thành phần dân tộc, tộc người, đã tạo nên sự đa dạng trong nhu cầu tôn giáo, kéo theo là sự đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt tôn giáo.

Trước đây, tín đồ chỉ sinh hoạt tôn giáo với việc thực hiện các giáo lý, luật lệ, lễ nghi tôn giáo trong cơ sở tôn giáo, chưa có sự mở rộng kết hợp với văn hóa truyền thống; thì nay tín đồ có thể thể hiện niềm tin tôn giáo ở ngoài cơ sở thờ tự, có sự kết hợp giữa tôn giáo với văn hóa truyền thống. Ví dụ như Phật giáo ở Việt Nam, sau một quá trình truyền bá và đồng hành cùng đất nước, đã có sự hòa nhập với văn hóa truyền thống của người Việt như tiền Phật hậu Mẫu, tiền Phật hậu Thánh…; hình thức thờ cúng rất đa dạng, đan xen trong chùa - đền - phủ - tư gia. Trong đạo Công giáo cũng có sự giao hòa giữa niềm tin với Thiên Chúa và thờ cúng tổ tiên; Hồi giáo với văn hóa của người Chăm,…

Việc mở rộng các hình thức sinh hoạt tôn giáo được Nhà nước bảo đảm thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự đều phải bảo đảm quy định theo Điều 46 của Luật bao gồm: đăng ký địa điểm hợp pháp, người chủ trì và thành phần tham dự, nội dung, thời gian tổ chức cũng như giữ mối liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại nơi tổ chức sinh hoạt tôn giáo để bảo đảm an ninh trật tự…  

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, số người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam gia tăng, hiện nay khoảng gần 90.000 người, phần lớn đều có nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện sinh hoạt tôn giáo. Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của người nước ngoài cư trú hợp pháp bằng việc hoàn thiện những quy định phù hợp với hoàn cảnh mới, được thể hiện rõ trong Mục 2 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (từ Điều 47 đến Điều 53); trong đó nổi bật là tạo điều kiện cho nhóm người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có thể thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo, mời chức sắc, chức việc là người Việt Nam hay nước ngoài đến giảng đạo, mang theo các sản phẩm tôn giáo… Đây là minh chứng việc Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài.

Hoạt động nhập thế của tổ chức tôn giáo

Hiện nay, đang diễn ra nhiều xu thế phát triển tôn giáo trên thế giới, nhưng xu thế chủ đạo của các tôn giáo trên thế giới cũng như ở Việt Nam là xu thế nhập thế (tăng cường tham gia các hoạt động xã hội như y tế, giáo dục, từ thiện,…); chuyển hướng từ siêu trần thế sang kết hợp với nhập thế. Thông qua hoạt động nhập thế, vai trò xã hội của các tổ chức tôn giáo được nâng cao, tạo sự gắn kết và đoàn kết dân tộc và khẳng định vai trò của các tổ chức tôn giáo Việt Nam đối với sự phát triển đất nước.Các tổ chức tôn giáo khác ở Việt Nam đã đóng góp hiệu quả trong hoạt động xã hội như y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo. Thông qua tổng hợp của Ban Từ thiện xã hội Trung ương cho thấy, kinh phí sử dụng trong công tác từ thiện xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng dần theo từng năm.

Tổng số kinh phí mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam huy động quyên góp sau 36 năm là gần 7.000 tỷ đồng, thể hiện sự quan tâm, đóng góp và là sự công nhận của cộng đồng đối với Phật giáo trong các hoạt động xã hội như: chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc người già neo đơn, nồi cháo tình thương, bếp cơm chay từ thiện, khám Đông y,...

Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng thành lập Caritas Việt Nam - tổ chức hoạt động bác ái xã hội, tích cực tham gia hoạt động y tế, cứu trợ thiên tai, từ thiện nhân đạo như: hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế sơ cấp, hỗ trợ giáo dục mầm non, dạy nghề hướng nghiệp cho thanh niên, tư vấn người nhiễm HIV/AIDV, trao quà từ thiện,… Giáo hội Công giáo Việt Nam có 13 cơ sở chữa bệnh phong, chữa HIV và bệnh tâm thần, 189 cơ sở khám, chữa bệnh và điều dưỡng, 159 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, 748 nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học tình thương.

Các hệ phái Tin lành đã và đang triển khai các hoạt động từ thiện xã hội như khám, chữa bệnh miễn phí, giúp đỡ người nghèo, cấp học bổng cho học sinh, xây dựng đường giao thông nông thôn, hỗ trợ mổ tim, mổ mắt, tặng dụng cụ y tế, Chương trình mục vụ Tin lành cai nghiện với các hoạt động thiết thực tại các trung tâm cai nghiện tại gia hay cơ sở cai nghiện của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc),…

Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã nhận được sự hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước thông qua hệ thống quan điểm, chính sách kết hợp với đường hướng hoạt động đồng hành cùng dân tộc của các tổ chức tôn giáo. Tại Mục 3, Điểu 54 và 55 trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã nhấn mạnh, các tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động xã hội như y tế, từ thiện nhân đạo,… Cùng nâng cao uy tín của các tổ chức tôn giáo với vai trò là nguồn lực xã hội đã nhận được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội,…

Cơ sở tôn giáo được bảo tồn và mở rộng

Đối với một tôn giáo, cơ sở tôn giáo có vai trò quan trọng, vì đó là nơi thực hiện các nghi lễ tôn giáo, theo chiều dài lịch sử còn chứa đựng những giá trị văn hóa. Chính vì vậy, việc bảo trì, cải tạo, xây mới cơ sở thờ tự luôn được đặt ra. Đáp ứng nhu cầu chính đáng này, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa tại Chương VII trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (từ Điều 56 đến Điều 59), như tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tôn giáo được pháp luật bảo vệ; đất có các công trình tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động, được sử dụng lâu dài; hoạt động tôn giáo tại cơ sở là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được bảo đảm bình thường, việc quản lý, sử dụng, cải tạo, nâng cấp theo quy định pháp luật về di sản văn hóa…

Từ sau đổi mới đến những năm gần đây, hơn 25.000 cơ sở được sửa chữa, chiếm 95% tổng cơ sở thờ tự cả nước; trong đó 1/3 được trùng tu quy mô lớn và hơn 2.000 cơ sở được xây dựng mới. Năm 2003, cả nước có 20.065 cơ sở thờ tự đến năm 2017 tăng lên 29.977 cơ sở thờ tự, trong đó có 9.343 cơ sở được phục hồi và xây mới. Các công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa ở các cơ sở tôn giáo được khôi phục theo hướng gần gũi hơn với các giá trị nghệ thuật dân gian; như trong Công giáo có Nhà thờ Phát Diệm có sự tương đồng với kiến trúc truyền thống; nhà thờ mô phỏng kiến trúc truyền thống của tộc người thiểu số như Nhà thờ Cam Ly, Nhà thờ Plei Chuet, Nhà thờ K’Long ở khu vực Tây Nguyên, Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Lạng Sơn,… Hình tượng Đức mẹ đội nón lá, mặc áo dài ở Thánh địa La Vang, áo tứ thân trít khăn mỏ quạ ở Bắc Ninh. Trong Phật giáo có thể kể đến như chùa Khánh Lâm, chùa Huệ Chiếu ở tỉnh Kon Tum… Đây được xem là sự chuyển biến tích cực, so với trước đổi mới vì nhiều lý do về kinh tế, xã hội nên phần xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự chưa có điều kiện để thực hiện.

Đảng ta luôn xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và nhận thức về sự chuyển biến trong sinh hoạt tôn giáo, mở rộng hoạt động tôn giáo là xu thế chung trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại Văn kiện Đại hội XIII đã khẳng định, “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”; “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cùng với việc tin tưởng, coi trọng vai trò của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng và hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được bảo đảm tốt trên thực tế. Hằng năm, có hơn 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức. Đến năm 2020, Việt Nam đã có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, tăng 10 tôn giáo và 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (trong đó, có 36 tổ chức tôn giáo được công nhận; 4 tổ chức tôn giáo và 1 pháp môn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo). 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất