Bảo vệ người dân trước lừa đảo trực tuyến
Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Những chiếc bẫy bầy ngay trước mắt

Lừa đảo trực tuyến nở rộ trong bối cảnh công nghệ và AI có khả năng tạo ra những thứ “ảo như thật”, trong khi con người ngày càng sống nhiều hơn trên không gian mạng. Vùng trũng của hình thức lừa đảo này là những nước đang phát triển, nơi có tốc độ phủ sóng công nghệ lớn nhưng kỹ năng làm chủ công nghệ của một bộ phận dân chúng và năng lực phòng, chống tội phạm mạng của các cơ quan còn hạn chế. Tuy nhiên, những nước phát triển cũng không nằm ngoài phạm vi hoạt động của tội phạm mạng, nơi chúng sẽ áp dụng những thủ đoạn khó phát hiện hơn.

Theo số liệu của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu ScamAdviser, trong khoảng thời gian từ tháng 8-2022 đến tháng 8-2023, thế giới đã mất hơn 1.000 tỷ đô-la Mỹ vào tay những kẻ lừa đảo trực tuyến. Con số này tăng vọt so với mức 55,3 tỷ đô-la Mỹ trong cả năm 2021. Kẻ gian không loại trừ đối tượng nào song có xu hướng nhắm vào nhóm người lớn tuổi, thường sở hữu nhiều tài sản và không thành thạo về công nghệ. Dù cẩn trọng hơn so với người trẻ, nhưng khi đã rơi vào bẫy lừa đảo trực tuyến, người già thường mất nhiều tiền hơn, là tiền tiết kiệm, bảo hiểm, thậm chí cả nhà cửa và những tài sản giá trị khác.

Ngoài hình thức lừa đảo quen thuộc qua mạng xã hội và điện thoại là mạo danh ngân hàng, cảnh sát, người thân… để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân, đã xuất hiện những loại hình lừa đảo mới tinh vi hơn với sự giúp sức của AI. Tháng 2-2024, nhân viên tài chính của một công ty đa quốc gia ở Hồng Kông (Trung Quốc) tham gia một cuộc gọi video cùng với giám đốc tài chính và các đồng nghiệp quen mặt tại Anh về một “giao dịch bí mật”. Nhân viên này được yêu cầu thực hiện 15 lần chuyển khoản tới 5 tài khoản khác nhau ở Hong Kong, với tổng giá trị 25 triệu đô-la Mỹ, mà không hề hay biết những “người” xuất hiện trong cuộc gọi video đó “được tạo ra bằng deepfake”. Kẻ gian đã dùng công nghệ này để ghép mặt và giọng nói từ kho dữ liệu thu thập được, tạo ra những “người” giống y thật để lừa đảo.

Một người đàn ông Can-na-đa đã đầu tư 11.000 đô-la Mỹ vào một nền tảng, sau khi xem một video ghi hình Thủ tướng Justin Trudeau và tỷ phú Elon Musk quảng cáo họ đã đầu tư vào dự án này. Ông đã rất sốc khi biết rằng dự án này không hề có thật và những nhân vật nổi tiếng này được deepfake tạo ra.

Với deepfake, những kẻ lừa đảo nay đã “lấn sân” sang cả những nền tảng hẹn hò, lợi dụng tình cảm và niềm tin của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Báo cáo Tội phạm in-tơ-nét của Cục Điều tra liên bang Mỹ cho biết trong năm 2023, người Mỹ đã mất hơn 650 triệu đô-la Mỹ do hình thức lừa đảo này. Bộ Tư pháp nước này đã ra cảnh báo về Yahoo Boys - một nhóm tội phạm trực tuyến có trụ sở tại Ni-giê-ri-a, chuyên sử dụng deepfake để tạo ra “các tài khoản giả mạo” và nhắm vào những người đang cô đơn.

Kate Kleiner, 69 tuổi, đã hẹn hò qua Facebook với một người đàn ông có tên Tony, tự giới thiệu là một nhà khoa học người Na Uy làm việc tại Iraq. Trong nhiều tháng, bà Kate nhận được tin nhắn, ảnh, video và điện thoại từ người đàn ông này gần như hằng ngày. Bà hoàn toàn tin rằng họ có thể chuyển về chung sống, và đã chuyển gần 40.000 đô-la Mỹ cho Tony “để ông ấy lo các chi phí khẩn cấp cho con gái”. Kate chỉ biết mình đã bị lừa khi Tony bỗng nhiên bặt vô âm tín, và cảnh sát kết luận Tony thực chất là một sản phẩm của deepfake mà Yahoo Boys đã tạo ra.

AI còn được sử dụng để “điều hướng” người dùng tới những sàn thương mại điện tử “ma”. Nạn nhân đặt được các món hàng hiệu với giá siêu hời, song trên thực tế sẽ nhận được những món đồ không giống đơn hàng và không có cách nào để trả lại. Thông thường, họ chỉ mất rất ít hoặc không mất đồng nào cho các giao dịch như vậy. Tuy nhiên, họ đã mất một thứ quan trọng hơn nhiều - đó là thông tin cá nhân và thẻ ngân hàng. Các nhà điều tra cho biết, có 76.000 trang web nằm trong mạng lưới lừa đảo với hình thức này và hơn 800.000 người dùng ở Mỹ và châu Âu đã vô tình để lộ thông tin.

Nạn nhân “kép”

Khi đã mắc bẫy của những kẻ lừa đảo, nhiều nạn nhân tiếp tục bị cuốn theo những chiêu trò của kẻ gian mà không hay biết mình đang tự dấn thân vào một vụ lừa khác. Trong một số trường hợp, họ bị đe dọa, ép buộc trở thành một phần của chính đường dây lừa đảo để đi săn những con mồi khác. Không ít người đã bị dẫn dụ từ cái bẫy này sang cái bẫy khác, trở thành nạn nhân “kép” của những đường dây lừa đảo tinh vi.

Đầu tháng 7 này, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Ốt-xtrây-li-a (ACCC) đã ban hành cảnh báo người dân từng là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến cảnh giác trước những lời đề nghị hỗ trợ lấy lại tài sản đã mất. Trong trường hợp này, các đối tượng thường tự xưng là đại diện cơ quan chức năng hoặc những cá nhân có uy tín như cảnh sát, luật sư, tổ chức từ thiện để gây dựng lòng tin của nạn nhân. Kẻ gian dễ dàng tiếp cận những người từng bị lừa tiền thông qua mạng xã hội hoặc điện thoại, nhờ vào thông tin mua lại từ những đối tượng lừa đảo ở “vòng 1”.

Lợi dụng tâm lý hoang mang muốn nhanh chóng lấy lại tài sản, những kẻ lừa đảo “vòng 2” thuyết phục nạn nhân cài các ứng dụng hoặc truy cập các đường link có mã độc. Từ đó, tin tặc có thể đánh cắp thông tin của nạn nhân, bao gồm thông tin thẻ ngân hàng, để tiếp tục rút tiền hoặc chiếm quyền kiểm soát các tài khoản cá nhân khác.

Theo báo cáo của ACCC, tính riêng ở Ốt-xtrây-li-a từ tháng 12-2023 đến tháng 5-2024, Trung tâm chống lừa đảo quốc gia Ốt-xtrây-li-a (Scamwatch) đã ghi nhận gần 160 báo cáo về các vụ lừa đảo lấy lại tiền, tăng 129% so với 6 tháng trước đó, với thiệt hại gần 3 triệu đô-la Mỹ. Đa số các nạn nhân là những người trên 65 tuổi bị lừa đánh cắp các khoản tiết kiệm hưu trí hoặc bảo hiểm. Không ít người rơi vào tình trạng cùng quẫn và trầm cảm khi liên tục mắc bẫy. Phó Chủ tịch ACCC Catriona Lowe nhấn mạnh: “Lừa đảo lấy lại tiền là hành vi tàn ác. Những kẻ lừa đảo sẵn sàng lợi dụng sự tuyệt vọng của người khác vào thời điểm họ dễ bị tổn thương”.

Lừa đảo trực tuyến cũng là điểm khởi đầu của những vấn nạn nhức nhối khác bao gồm bắt cóc, buôn người, tra tấn và lao động cưỡng bức. Sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, các lao động phổ thông có xu hướng tìm kiếm công việc trên mạng xã hội. Đánh vào tâm lý thích việc nhẹ - lương cao, nhiều tổ chức tội phạm ở Đông Nam Á quảng cáo về những công việc văn phòng với lời đề nghị hấp dẫn về mức lương và chế độ đãi ngộ để dụ dỗ ứng viên.

Từ là nạn nhân của một mánh lừa trên mạng xã hội, những “nhân viên” này lại trở thành tội phạm. Điểm chung của họ là những người có học vấn thấp, nghèo khó và ít được tiếp cận thông tin. Dù đã thực hiện hành vi lừa đảo, song trên thực tế, họ là nạn nhân “kép” của lừa đảo trực tuyến và lao động cưỡng bức.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết, gần 300.000 người đã bị bán vào những “trung tâm” lừa đảo trực tuyến và bị cưỡng ép thực hiện các hành vi phạm pháp.

Tăng cường bảo vệ

Nằm trong số các khu vực ghi nhận tình trạng lừa đảo trực tuyến nghiêm trọng nhất thế giới cả về số vụ việc và giá trị thiệt hại, các nước Đông Nam Á đang ráo riết siết chặt các bộ luật và quy định để bảo vệ người dân tốt hơn trước loại tội phạm này. Trong tuần cuối tháng 7, Thượng viện Ma-lai-xi-a đã thông qua dự thảo Luật Hình sự sửa đổi năm 2024 nhắm cụ thể vào những kẻ lừa đảo trên không gian mạng và tạo cơ chế hỗ trợ nạn nhân thu hồi tài sản.

Theo đó, các cá nhân gián tiếp tham gia vào hoạt động lừa đảo bao gồm xử lý hoặc che giấu tài sản có được từ các hoạt động gian lận đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Cảnh sát Ma-lai-xi-a có quyền truy tìm và xác định các khoản tiền được chuyển đi từ các nạn nhân, thu giữ số tiền bị chiếm đoạt bất hợp pháp và đưa ra lộ trình trả lại tài sản cho bị hại.

Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Ma-lai-xi-a dự kiến yêu cầu các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, X (trước đây là Twitter), TikTok đăng ký và gia hạn giấy phép hằng năm, xóa bỏ các nội dung có dấu hiệu “bất thường” liên quan đến lừa đảo và cờ bạc trực tuyến.

Xin-ga-po, cũng như một số quốc gia khác, chủ trương ràng buộc các nhà cung cấp nền tảng trực tuyến với trách nhiệm bảo vệ người dùng lớn hơn. Bộ Nội vụ Xin-ga-po yêu cầu các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội xác định danh tính của người bán bị đánh giá là có rủi ro nếu muốn quảng cáo hoặc đăng bán hàng. Qui định này có thể được áp dụng với tất cả người bán nếu số vụ lừa đảo được báo cáo không giảm mạnh. Bên cạnh đó, Cơ quan Tiền tệ Xin-ga-po (MAS) và Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm (IMDA) đề xuất các tổ chức tài chính, viễn thông làm tốt hơn vai trò “gác cổng”, tránh để dòng tiền chảy vào túi những kẻ lừa đảo. Nếu không thực hiện đúng các nhiệm vụ như gửi thông báo xác nhận giao dịch hay triển khai bộ lọc tin nhắn chứa mã độc, các đơn vị này sẽ phải chịu đền bù.

Cuối năm ngoái, Chính phủ Anh cùng các công ty công nghệ hàng đầu Amazon, eBay, Facebook, Google, Instagram, LinkedIn, Microsoft… đã nhất trí tuân thủ Điều lệ Chống gian lận trực tuyến. Theo đó, các công ty này sẽ chịu trách nhiệm xác minh các nhà quảng cáo mới, nhanh chóng xóa mọi nội dung gian lận, xử lý các quảng cáo bất hợp pháp về các sản phẩm bị giới hạn độ tuổi.

Bà Kathy Stokes - Giám đốc Phòng, chống gian lận tại Mạng lưới giám sát gian lận Mỹ thừa nhận các cơ quan thực thi pháp luật không có đủ nguồn lực để đối phó hiệu quả với nạn lừa đảo trực tuyến, và những tội phạm mạng đang thắng thế trong một cuộc chiến không cân sức. Rất khó để điều tra các vụ lừa đảo có nguồn gốc từ nước ngoài, số tiền bị đánh cắp nhanh chóng được chuyển thành tiền điện tử hoặc bị chuyển qua nhiều tài khoản các nhau để tẩu tán. Đa số những nạn nhân lừa đảo không thể kiện thủ phạm hay lấy lại tài sản của mình, hoặc thậm chí lời tố cáo của họ không được cơ quan xem xét đúng mức vì cho đây là các thỏa thuận dân sự. Vì vậy, trước khi có khung pháp lý đầy đủ để đối phó với lừa đảo trực tuyến, mỗi người dùng cần suy xét kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến tài sản của mình.

Lừa đảo trực tuyến giờ đây không chỉ là một hành vi phạm tội đơn lẻ của một cá nhân hay hội nhóm nhỏ, mà đang dần trở thành một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận. Các đối tượng lừa đảo lên hoạt động rất bài bản, có kế hoạch chi tiết, kết nối mạng lưới rộng khắp và tổ chức qui củ. Nhiều tổ chức hoạt động xuyên biên giới còn xây dựng cả giáo trình để phổ biến mánh khóe, nghiên cứu tâm lý, hành vi của con mồi để tiếp cận và đưa họ vào bẫy. Nạn nhân sập bẫy có thể vì lòng tham, song cũng có thể bị thao túng tâm lý, không kiểm soát được hành vi và đặt niềm tin sai chỗ. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất