Sự cống hiến của người cao tuổi (NCT) trong các hoạt động chính trị, khoa học, văn hóa, văn học, nghệ thuật và cả những hoạt động hữu ích trong gia đình, cộng đồng, học đường thiết nghĩ là không ngừng nghỉ! Tiềm năng của lớp NCT vẫn rất to lớn, là nền móng vững chắc cho sự phát triển của tương lai. Xã hội vẫn rất cần và có thể tin cậy vào các kỹ năng, kinh nghiệm và trí tuệ ngày càng cao của NCT, không chỉ giúp họ có cuộc sống tốt hơn mà còn tham gia tích cực vào việc nâng cao đời sống về mọi mặt của toàn xã hội.
1. Năm 1991, Liên hợp quốc (LHQ) quyết định lấy ngày 1-10 hằng năm là ngày Quốc tế Người cao tuổi. Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng ứng tích cực ngay từ đầu, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Hàng loạt văn bản cấp quốc gia đã được ban hành mà đỉnh cao là Quốc hội Khóa XII đã ban hành Luật Người cao tuổi (2009) nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn để ghi nhận vai trò cũng như bảo đảm tốt hơn việc chăm sóc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NCT. Từ cơ sở pháp lý cao nhất ấy, nhiều chính sách đối với NCT đã được đề cập và cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo ra một khuôn khổ chính sách khá toàn diện đối với NCT ở Việt Nam. Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung một số điều về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội có mục quy định riêng đối với lao động là NCT; Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, đã góp phần hoàn thiện các chế độ, chính sách thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và ưu đãi của Nhà nước đối với NCT nước ta.
Quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, NCT được xếp vào nhóm dễ bị tổn thương, cần được pháp luật bảo vệ. Luật Người cao tuổi Việt Nam quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của NCT, theo đó, NCT được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ; quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn; được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của pháp luật; được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò NCT; được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp rủi ro do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác; được tham gia Hội NCT Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Bên cạnh các quyền, NCT có các nghĩa vụ nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; truyền đạt kinh nghiệm quí cho thế hệ sau và thực hiện các nghĩa vụ khác theo qui định của pháp luật.
2. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019, dân số Việt Nam khoảng trên 96 người, chiếm 1,25% dân số thế giới, đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. NCT được tính từ 60 tuổi trở lên, Việt Nam ước khoảng 11,41 triệu người, chiếm 12% dân số; hơn 7 triệu NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64%). Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số.
Đời sống kinh tế - xã hội và hệ thống y tế ở nước ta ngày càng phát triển, an sinh xã hội đối với NCT ngày một được bảo đảm tốt hơn. Tuổi thọ của người Việt Nam khá cao, trung bình là 75,6 tuổi, đứng thứ 2 trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Các văn bản quy phạm pháp luật về NCT ở nước ta khá đầy đủ, nhiều chính sách ưu đãi dành cho NCT đã được áp dụng, như tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, từ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám, chữa bệnh, được giảm giá vé khi sử dụng phương tiện công cộng, tham quan...
Tuy nhiên, đa số NCT ở Việt Nam đều có đời sống vật chất khó khăn, đời sống tinh thần chưa được quan tâm thỏa đáng, nhiều người phải sống trong tình trạng cô đơn, bị bỏ rơi, bị phân biệt đối xử, thậm chí bị hắt hủi, đối xử thô bạo cả về sức khỏe và tinh thần. Tuổi thọ trung bình cao hơn trước, nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp so với nhiều nước; gánh nặng bệnh tật, nhất là các bệnh mạn tính, rối loạn chuyển hóa ở NCT nước ta như tim, khớp, huyết áp, đái tháo đường là rất lớn, chi phí điều trị cao, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT của nước ta chưa theo kịp, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, dẫn đến nguy cơ tàn phế trong quá trình lão hóa.
3. Năm 2021, đại dịch COVID-19 làm suy thoái nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe và tính mạng của người dân, trong đó có NCT. Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam và Trung ương hội NCT Việt Nam đã phát động tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam với chủ đề “Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Dự án Chương trình chăm sóc NCT với mục tiêu bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của NCT, thích ứng với già hóa dân số ở nước ta. Hi vọng Dự án sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, tránh được “căn bệnh” hình thức, qua loa.
Năm nay, hưởng ứng Ngày quốc tế NCT năm 2021, LHQ đưa ra chủ đề “Công bằng số cho mọi lứa tuổi”, khẳng định nhu cầu của NCT cần được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng thành tựu công nghệ số của nhân loại; đồng thời, kêu gọi các quốc gia phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng trong sử dụng công nghệ số cho con người ở mọi lứa tuổi theo hướng ưu tiên bảo đảm nâng cao sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc cho tuổi già, tạo môi trường hỗ trợ NCT đóng góp cho xã hội vì quyền phát triển.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy nhanh chóng ứng dụng kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, từ cách sống, làm việc và duy trì các mối quan hệ, tạo ra các cơ hội bảo đảm cho con người có được cuộc sống đầy đủ hơn, đạt được tuổi già cao hơn, mạnh khỏe hơn. Nhưng rõ ràng công nghệ số đang làm gia tăng sự bất bình đẳng trong việc sử dụng những thành tựu mà nó mang lại, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát làm cho quá trình số hóa các loại dịch vụ được đẩy mạnh hơn. NCT không thông thạo công nghệ, đang phải “vật lộn” với việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến phục vụ nhu cầu cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng tiếp cận công nghệ số ở nước ta của NCT cũng nằm trong tình trạng chung của khu vực và thế giới, đòi hỏi nước ta phải có giải pháp hành động ngay lúc này nhằm rút ngắn sự bất bình đẳng trong việc sử dụng thành tựu công nghệ số ở mọi lứa tuổi để NCT không bị bỏ lại phía sau.
NCT hôm nay chính là người trẻ hôm qua; Người trẻ hôm nay chính là NCT trong tương lai! Việt Nam đang đối diện với tình trạng già hóa dân số, đây vừa là thành tựu vừa là thách thức, cần thay đổi nhận thức “NCT là gánh nặng” thành “NCT là tài sản” nhằm phát huy vai trò NCT trong cộng đồng, biến những thách thức thành cơ hội và động lực của sự phát triển.
Thu Uyên