Khai mạc triển lãm trực tuyến đầu tiên về phòng, chống mua bán người

Đây là lần đầu tiên, một triển lãm về phòng, chống mua bán người được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng tránh.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Đại tá Nguyễn Hoa Chi, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an nêu rõ, trong những năm gần đây, tội phạm mua bán người trên thế giới diễn ra phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang châu Âu. Ở Việt Nam, qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm mua bán người của lực lượng Công an cho thấy các đối tượng mua bán người đã hình thành đường dây, băng nhóm hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nạn nhân hiện nay không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê.., nạn nhân chủ yếu bị bán sang các nước láng giềng của Việt Nam. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin, sự mất cảnh giác của nạn nhân để lừa bán ra nước ngoài.

Thời gian qua các bộ, ngành, địa phương và lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm mua bán người, góp phần quan trọng xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Theo thống kê, từ năm 2012-2020, các cơ quan chức năng đã tổ chức được gần 13.000 buổi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tới gần 3,5 triệu người; in ấn phát hành trên 156.000 tờ rơi, áp-phích, băng, đĩa hình; đăng phát trên 3.600 tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; khởi tố gần 1.500 vụ với gần 2.900 bị can phạm tội mua bán người; tiếp nhận, giải cứu, xác minh trên 7.300 nạn nhân bị mua bán. Lực lượng Công an, Biên phòng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng của nước bạn Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia tổ chức 1.394 cuộc hội đàm, trao đổi 1.407 công thư, 2.268 lượt điện thoại qua đường dây nóng; trao đổi 5.320 thông tin liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan. Dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt được kết quả quan trọng, song tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi hơn. Bởi vậy, cần có cách thức tuyên truyền sâu rộng hơn để người dân chủ động phòng tránh.

Đại tá Nguyễn Hoa Chi, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an phát biểu tại Lễ khai mạc.

"Triển lãm lần này một lần nữa nhấn mạnh nỗ lực, quyết tâm của các các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là của lực lượng Công an và hội phụ nữ các cấp trong triển khai thực hiện chương trình của Chính phủ về phòng, chống mua bán người; truyền tải đến công chúng các giải pháp trong công tác phòng, chống mua bán người và công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong thời gian tới", Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an nhấn mạnh.

Đại diện Hội LHPN Việt Nam, Bộ Công an và Tổ chức Di cư quốc tế - Cơ quan Di cư Liên hiệp quốc ( IOM) tại Việt Nam nhấn nút khai mạc triển lãm.

Triển lãm được biên tập, thiết kế và chuyển tải đến người dân bằng hình thức trực tuyến sẽ diễn ra trong 2 tháng kể từ ngày khai mạc trên các trang mạng, báo điện tử chính thức của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Truyền hình CAND, Báo CAND, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Triển lãm được thiết kế gồm 3 phần chính: “Những con số ám ảnh”, “Ký ức muốn quên” và “Vì một ngày mai tươi sáng", thể hiện bằng gần 200 câu chuyện, hình ảnh cụ thể trên không gian kỹ thuật số, sẽ phản ánh chân thực về thực trạng mua bán người, những câu chuyện của nạn nhân và một số kết quả cụ thể của các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống mua bán người, tiếp tục thể hiện sự nỗ lực, cam kết của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất