Toàn cảnh Họp báo.
Địa phương không đặt ra quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các địa phương ban hành nhiều quy định trái với tinh thần Nghị quyết 128.
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, để đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 128, Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo các địa phương không được tự ý ban hành các quy định riêng, khi không được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Về nguyên tắc, các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. (Ảnh: VGP).
Đồng chí Trần Văn Sơn khẳng định, quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân về quê đón Tết sau một năm rất vất vả. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần quán triệt trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch và họp Chính phủ thường kỳ về việc này. Tinh thần là thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh nhưng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt trong bối cảnh tỉ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam rất cao. Tuy nhiên, một số địa phương vừa qua có ban hành một số quyết định gây khó khăn, thậm chí là bức xúc cho người dân. Trước tình hình ấy, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Công điện 64 ngay trong đêm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định tổ chức các biện pháp y tế, cách ly, vấn đề đi lại của người dân, vấn đề đón người dân về quê ăn Tết.
“Các địa phương không được đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như của Chính phủ, gây những khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là trong dịp Tết cổ truyền, nhân dân về quê ăn Tết”, đồng chí Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Kiến nghị phương án mở lại tất cả chuyến bay quốc tế từ 1-5
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông đã có trả lời về vấn đề đảm bảo đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hiện tại đã mở lại 10 đường bay quốc tế trong những ngày qua, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt với đồng bào xa quê. Việc mở lại đường bay quốc tế, điều kiện quan trọng nhất không phải máy bay, không phải vận tải mà là tình hình kiểm soát dịch của đất nước. Đồng thời, chúng ta phải tôn trọng quy định của những nước là điểm đến. Việc này cần thời gian trao đổi giữa các nhà chức trách hàng không để có sự thống nhất về quy trình kiểm soát các chuyến bay, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị phương án mở lại tất cả chuyến bay quốc tế từ 1-5. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc tiến trình tiêm phủ vắc-xin sắp tới. Sau Tết, Bộ GTVT sẽ rà soát lại, nếu đủ điều kiện mở lại toàn bộ các đường bay Bộ sẽ kiến nghị mở sớm hơn với những phương án cụ thể trên cơ sở thống nhất với các quốc gia chúng ta khôi phục đường bay.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thực tế, trước Tết hơn 1 tháng, năm nào cũng như vậy, Bộ GTVT đã ban hành các kế hoạch thông qua các quyết định, công điện hướng dẫn tất cả các đơn vị liên quan, các Sở GTVT địa phương, vận tải đường bộ, thủy nội địa, hàng hải, hãng hàng không... triển khai công tác giao thông vận tải Tết, đảm bảo việc đi lại trước, trong và sau Tết.
Năm nay là năm đặc thù tiếp theo của năm 2020 - vận tải nhưng đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Nguyên tắc quản lý dịch bệnh trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế. "Chúng tôi cũng nhấn mạnh trong kế hoạch và chỉ đạo là phải đảm bảo hạn chế ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo giao thông thông suốt trước, trong và sau Tết Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022. Thứ hai, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và siết chặt kỉ cương ở các bến xe, bến tàu, cảng hàng không để đảm bảo trật tự an ninh, an toàn hành khách và kiểm soát dịch bệnh", Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh..
Một trong những yêu cầu nữa là ngày Tết đảm bảo trật tự an toàn giao thông là hết sức quan trọng. Bộ đã yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng liên quan, thanh tra giao thông, các nhà chức trách, cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc kiểm tra, kiểm soát tình trạng này. Qua đánh giá, đến thời điểm này (26 Tết), các Sở GTVT đã chủ động xây dựng kế hoạch. Đối với vận tải đường bộ, năm nay giảm rất nhiều nhu cầu so với các năm, kể cả năm 2020. Vận tải đường sắt cũng giảm, được 30-35% so với hằng năm. Hàng không năm nay cao điểm nhất chỉ đạt 70.000 hành khách/ngày.
Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, nhu cầu vận tải hiện đang không quá cao, phương tiện và việc đáp ứng nhu cầu vận tải không vấn đề gì. “Chúng tôi tin tưởng rằng với cách quản lý và theo dõi thường xuyên của Bộ cũng như sự vào cuộc của tất cả các đơn vị vận tải từ hàng không đến đường bộ, đường sắt, sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại trước, trong và sau Tết”, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.
Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông đã trả lời phóng viên về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Theo đồng chí Trần Duy Đông, đây là gói hỗ trợ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt coi trọng với nhiều giải pháp để phục hồi kinh tế sau 2 năm dịch bệnh COVID-19. Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ một nghị quyết gồm 2 nội dung về chương trình phục hồi và triển khai Nghị quyết 43 Quốc hội khóa XV về chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi.
Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ. Nhóm 1: Mở cửa nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực kinh tế phòng, chống dịch bệnh. Vừa qua, số lượng người nhiễm bệnh COVID-19 rất nhiều, gây áp lực cho nền kinh tế và y tế, đặc biệt là y tế dự phòng. Đây là nhiệm vụ cần tiếp tục được triển khai; Nhóm 2: Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ cho người lao động làm việc; Nhóm 3: Hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong đó có nhiều giải pháp cần tiếp tục tiển khai như: hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ phí trước bạ, cho vay không lãi suất…; Nhóm 4: Phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nguồn lực đầu tư công để hoàn thành dứt điểm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông; Nhóm 5: Tiếp tục cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Đây là nhóm giải pháp rất quan trọng trong lúc chúng ta mở cửa phục hồi đón các nhà đầu tư quay trở lại.
Trong Nghị quyết này, Bộ KH&ĐT cũng tham mưu Chính phủ, cần triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân ngay trong 2 năm 2022-2023. Với những nhiệm vụ đưa ra cho các bộ, ngành phải triển khai ngay, chậm nhất trong quý I/2022.
Nghị quyết cũng giao Bộ KH&ĐT làm đầu mối đôn đốc các bộ, ngành triển khai các giải pháp, kịp thời báo cáo Quốc hội năm 2022, 2023 và tổng kết vào cuối năm 2024.
Tích cực làm rõ một số hành vi trục lợi trong phòng, chống dịch
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả điều tra mở rộng vụ án của Công ty Việt Á.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đang rất tích cực triển khai thực hiện điều tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với vụ kit test nhanh COVID-19 của Công ty Việt Á. Kết quả hiện đang từng bước được làm rõ và đã có chi tiết mới.
Trung tướng Tô Ân Xô. (Ảnh: VGP),
Cụ thể, hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra đang phối hợp, trao đổi thông tin với 3 đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Cục Kiểm tra hình sự Bộ Quốc phòng để xử lý các vấn đề liên quan. Qua điều tra cho thấy, vụ việc này liên quan đến rất nhiều cá nhân.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, cơ quan điều tra đã thu giữ kê biên phong tỏa, ngăn chặn giao dịch bất động sản và tài khoản giá trị là 1.220 tỷ đồng. Trong đó có 380 tỷ đồng tiền mặt và giá trị bất động sản vào khoảng 840 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh của Bộ Công an đang tích cực tiến hành các công tác nghiệp vụ để làm rõ một số hành vi trục lợi liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Các cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ làm xuyên Tết và sẽ thông tin sớm đến báo chí.
Đỗ Anh