Không thể xuyên tạc quyền tự do báo chí tại Việt Nam


Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân.

Những luận điệu xuyên tạc

Các phần tử phản động, chống đối trong và ngoài nước luôn tìm cơ hội để phụ họa bình phẩm, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam...

Nhân danh dân chủ, nhân quyền, họ cổ vũ cho thứ tự do báo chí không xây dựng trên nền tảng của sự trung thực và tôn trọng sự thật, một thứ “tự do báo chí” vô nguyên tắc, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật. Họ đòi Việt Nam phải tổ chức, quản lý báo chí theo “mô hình báo chí phương Tây”, đòi “tư nhân hóa báo chí” để biến báo chí ở Việt Nam thành công cụ phục vụ mưu đồ của họ.

Nhân danh “tự do báo chí” theo tiêu chuẩn phương Tây, họ tung ra các bài viết, clip, ảnh và đủ thứ tư liệu ngụy tạo, bịa đặt để nhằm tuyên truyền chống lại Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam… Họ bình luận theo theo kiểu bất chấp sự thật với những góc nhìn tiêu cực nhằm gieo rắc hoang mang và qua đó ngợi ca những thứ giá trị phương Tây mà họ tôn thờ.

Họ ra sức tung hô, cổ xúy, ca ngợi những kẻ mà họ gán cho những mỹ từ như “nhà báo tự do”, “nhà đấu tranh dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến” mà thực ra đó là những người vi phạm pháp luật, đã bị pháp luật Việt Nam xử lý.

Nếu còn có chút liêm sỉ, những kẻ đang lớn tiếng ca ngợi nền báo chí phương Tây để chống đối, xuyên tạc nền báo chí Việt Nam cũng nên lắng nghe ý kiến của tác giả cuốn “Độc quyền truyền thông” (The Media Monopoly): “Các tập đoàn có chiến lược kiểm soát riêng đối với báo chí, từ chuẩn bị nội dung đến đăng tải thông tin. Không một chương trình nào, dù là tin tức hay giải trí, đến được với công chúng nếu không qua sự kiểm duyệt của người quản lý”… Hoặc ý kiến của ông L.M. Russell (Mỹ): “Từ nhiều năm nay, ở đất nước này, đồng tiền kiểm soát chính sách báo chí. Rất ít tờ báo dám phát ngôn trên lập trường của đông đảo nhân dân. Những tờ báo này được trợ cấp, do đó, chúng nói ngôn ngữ của các ông chủ”.

Thành tựu về tự do báo chí của Việt Nam

Trên thế giới ngày nay, tự do ngôn luận và tự do báo chí là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách, nhân quyền ở quốc gia đó. Báo chí là phương tiện để mọi công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Việc bảo đảm mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận.

Điều 25 Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền tự do báo chí của công dân như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Luật Báo chí 2016 qui định rõ trách nhiệm của Nhà nước, của cơ quan báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình.

Điều 10 của Luật giải thích cụ thể công dân có các quyền tự do báo chí sau: (1) Sáng tạo tác phẩm báo chí; (2) Cung cấp thông tin cho báo chí; (3) Phản hồi thông tin trên báo chí; (4) Tiếp cận thông tin báo chí; (5) Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; (6) In, phát hành báo in. Điều 11 của Luật quy định quyền tự do trên báo chí của công dân: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.

Điều cần lưu ý là các công ước quốc tế về quyền con người cũng như luật pháp của các nước đều coi tự do báo chí là một quyền cơ bản nhưng đó không phải là quyền tự do tuyệt đối mà phải có một số giới hạn nhất định. Việc thực hiện quyền tự do báo chí ở mỗi quốc gia có mức độ khác nhau.

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 xác định rõ: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Ở Việt Nam, công nghệ thông tin và mạng xã hội được sử dụng rộng rãi, cho phép người dân được tiếp cận thông tin và bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Việc thực hiện quyền tự do in-tơ-nét và mạng xã hội được đặt trong khung khổ pháp luật để bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật.

Luật Báo chí 2016 và Luật Tiếp cận thông tin 2016 cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân.

Có thể khẳng định: Luật Báo chí 2016 và Luật Tiếp cận thông tin 2016 hoàn toàn tương thích về mặt luật định đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Thành tựu của tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của hệ thống báo chí, truyền thông.

Tính đến ngày 30-11-2021, ở Việt Nam có 816 cơ quan báo chí in và điện tử, trong đó có 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 114 báo và 116 tạp chí có cả hai loại hình (báo chí in và báo điện tử); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, trong đó có 2 Đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài kỹ thuật số, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Về đội ngũ những người làm báo, cả nước có khoảng 40.000 người hoạt động trong cơ quan báo chí, trong đó có 17.161 người được cấp Thẻ Nhà báo.

Việt Nam còn được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng in-tơ-nét cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người sử dụng in-tơ-nét (chiếm 70% dân số). Sóng của các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… đều được tiếp cận dễ dàng tại Việt Nam.

Những năm qua, báo chí ở Việt Nam tiếp tục giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của Nhân dân; chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội. Báo chí đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; luôn tích cực đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực trong xã hội, góp tiếng nói quan trọng vào việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là cầu nối quan trọng với bạn bè quốc tế.

Bất chấp những sự thật đó, trong những năm qua, các tổ chức thù địch với Việt Nam vẫn đưa ra các loại “bảng xếp hạng”, “báo cáo”, “thống kê”… với những kết luận phiến diện trên cơ sở các tiêu chí chủ yếu là để phục vụ  mục đích chính trị như: tỷ lệ tham gia chính trị; quyền tự do cá nhân với thể chế đa nguyên, đa đảng…

Họ ca ngợi cái gọi là thành tích “dân chủ phương Tây”, trong khi hầu hết các giá trị “dân chủ xã hội chủ nghĩa” bị bỏ qua. Đó là lý do cho thấy các nước một đảng lãnh đạo hoặc do Đảng Cộng sản lãnh đạo; các nước XHCN hoặc theo xu hướng XHCN đều bị các loại báo cáo này xếp “điểm số dân chủ” rất thấp (như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Cu-ba...).

Tuy nhiên, mỗi khi các loại “bảng xếp hạng”, “báo cáo”, “thống kê” này được công bố, hệ thống truyền thông của phương Tây mừng như “bắt được vàng” và ngay lập tức khai thác, sử dụng để phục vụ cho mưu đồ xấu xa, thâm độc của họ.

Việt Nam và nhiều quốc gia khác không chấp nhận việc một số quốc gia hay tổ chức quốc tế tự cho mình cái quyền dùng các tiêu chí mà phương Tây tự đặt ra để đòi hỏi nước khác phải lấy đó làm tiêu chuẩn.

Việc một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sử dụng thủ đoạn xuyên tạc, vu khống, bịa đặt tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đã cho thấy họ vẫn đang nỗ lực phá hoại hệ thống giá trị văn hóa, làm tha hóa con người, làm chệch hướng phát triển đất nước; qua đó tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Dù có cố gắng đến đâu thì các thế lực thù địch cũng không thể đảo ngược được thực tế, không thể ngăn cản được con đường đi lên XHCN của dân tộc Việt Nam. Sự thật chỉ có một, đó là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền báo chí Việt Nam nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung với vị thế, vai trò ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất