Luận điệu “rượu cũ, bình mới”
Báo cáo năm 2022 của HRW dài 752 trang, đề cập tới tình hình thực thi nhân quyền tại gần 100 quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, Báo cáo của HRW đã cố tình đưa ra những luận điệu xuyên tạc rằng, chính quyền Việt Nam đã “hạn chế nghiêm trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản” và “những người lên tiếng phê phán Đảng hay chính quyền phải đối mặt với việc bị công an đe doạ, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị bắt giữ tuỳ tiện và bị bỏ tù sau các phiên toà không công bằng”.
Báo cáo 2022 của HRW lại cố tình phớt lờ tất cả những nỗ lực và thành tựu nhân quyền của Việt Nam trong thời gian qua.
Không dừng lại ở đó, HRW còn vu cáo, trong năm 2021 chính quyền Việt Nam đã “tống giam ít nhất 63 người vì bày tỏ chính kiến hoặc tham gia các nhóm bị coi là chống chính quyền, trong số đó có nhiều người đã và đang phải nhận các bản án rất nặng nề sau các phiên xử bất công” với những cái tên “trùm sò” trong hoạt động chống phá như Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Phạm Thị Đoan Trang, Phạm Chí Thành, 5 thành viên của nhóm “Báo Sạch” (Trương Châu Hữu Danh, Đoàn Kiên Giang, Lê Thế Thắng)...
Những cá nhân này luôn được bên ngoài tung hô là những người “đấu tranh nhân quyền” hay thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,... Song, thực chất họ đều có hành vi vi phạm pháp luật và bị xét xử, tuyên án. Đây là hoàn toàn là điều bình thường bởi không một quốc gia nào chấp nhận những hành vi đứng trên pháp luật, đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Kỳ lạ thay, những tổ chức ở bên ngoài như HRW lại luôn chờ đợi việc những cá nhân này bị bắt giữ, xét xử để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp mà chẳng cần kiểm chứng, xác thực thông tin.
Được thành lập vào năm 1978 trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Human Rights Watch ban đầu được đặt tên là Helsinki Watch nhằm theo dõi việc Liên Xô thực hiện Hiệp định Helsinki 1975 giám sát và chỉ trích “những tội ác” của Liên Xô và các đồng minh. |
Có thể thấy, mặc dù mang danh nghĩa là tổ chức hoạt động về nhân quyền, nhưng hoạt động của HRW đều mang ý đồ động cơ chính trị. Nhìn vào Báo cáo năm 2022 và các năm trước mà tổ chức này đã công bố để thấy được sự bất hợp lý và ý đồ bôi nhọ, hạ uy tín, hình ảnh của Việt Nam.
Một tổ chức không hiện diện ở Việt Nam, song lại tự cho mình quyền phán xét về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Riêng điểm này đã thấy sự suy diễn, áp đặt của các thông tin mà tổ chức này công bố và nguồn thông tin HRW có được do các tổ chức, cá nhân chống phá Nhà nước Việt Nam cung cấp càng phản ánh sự thiếu khách quan của Báo cáo.
Khi đề cập đến đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, Báo cáo của HRW tiếp tục thể hiện sự cực đoan, thiếu thiện chí khi đánh giá Việt Nam “khoe khoang” về việc chống dịch. Thậm chí, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức HRW lớn tiếng cho rằng: “Chính quyền Việt Nam núp bóng đại dịch COVID-19 để tiến hành đàn áp nặng tay đối với các hoạt động ôn hòa khiến đa số các vụ đàn áp không được thế giới biết đến”, đồng thời kêu gọi “các nhà tài trợ trên thế giới cần thôi "ngoảnh mặt làm ngơ" trước hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Chính phủ Việt Nam và gây sức ép với giới lãnh đạo tại Hà Nội để họ chấm dứt tình trạng buộc người dân trong nước phải chịu đựng nhiều hơn nữa.”
Trên thực tế, không thể phủ nhận việc Việt Nam đã nỗ lực và thành công trong công tác phòng, chống dịch giai đoạn 1, được thế giới ghi nhận. Sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của Chính phủ và người dân đã giúp thực hiện hiệu quả những biện pháp, giải pháp chống dịch trong bối cảnh còn thiếu rất nhiều nguồn lực. Việc chống dịch vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cũng khó tránh những sai sót. Nhưng không thể vì thế mà phủ nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị hoặc xuyên tạc, cổ vũ cho các hành vi chống đối chính quyền dưới chiêu bài quyền tự do dân chủ. Điều này càng thể hiện rõ mục đích, động cơ chính trị của những tổ chức như HRW.
Có thể thấy rằng, Báo cáo năm 2022 của HRW thực chất vẫn là những luận điệu cũ rích, được lặp đi lặp lại qua các năm và không phản ánh đúng tình hình thực tế. Không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Trung Quốc, Cu-ba, Sri Lanka. Căm-pu-chia, Băng-la-đét… đã phản đối HRW về những động thái lợi dụng nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, tạo cớ can thiệp vào những vấn đề nội bộ của các quốc gia này. Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với HRW, trong khi đó trang web của HRW bị cấm hoạt động ở Thái Lan.
Hiện thực tố cáo sự xuyên tạc
Đánh giá về những nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, bà Tatiana Valovaya, Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hiệp quốc tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) nhấn mạnh: “Việt Nam đã nỗ lực, quyết tâm rất cao trong việc bảo vệ quyền con người và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc”.
Ông Ternece D.Jones thuộc Văn phòng đại diện UNDP tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia trên thế giới có tiến bộ nhanh nhất trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và là một trong những quốc gia có tiến độ thực hiện tốt nhất các tiêu chí mục tiêu toàn cầu ở châu Á.
Trong khi đó, The Diplomat, một tạp chí tin tức quốc tế về chính trị, xã hội và văn hóa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thì đưa ra nhận định: “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu”.
Trong năm 2021, Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét về việc bảo đảm quyền con người, được nhân dân, cũng như cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn trước tác động của đại dịch, thế nhưng, Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn luôn đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đặc biệt, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đưa ra các gói hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (năm 2021) dành cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều biện pháp hỗ trợ khác (cấp phát gạo, lương thực, thực phẩm,… cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch) để bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.
Hơn hai năm qua, Việt Nam vẫn khám và điều trị miễn phí cho người dân mắc COVID-19. Từ một nước có tỉ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 rất thấp, đến nay Việt Nam đã vượt lên và trở thành một trong những nước có độ phủ vắc-xin COVID-19 cao nhất trên thế giới. Điều đó, một lần nữa khẳng định quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, bảo đảm quyền con người là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Không những thế, Khóa họp thường kỳ lần thứ 47 của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (UNHRC) diễn ra tháng 7-2021 đã thông qua Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam chủ trì cùng Băng-la-đét và Phi-li-pin soạn thảo, đề xuất, trong đó chú trọng bảo đảm quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi.
Cũng trong năm 2021, Việt Nam đã lần đầu tiên xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III để gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, qua đó thể hiện trách nhiệm, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với UPR nói riêng và việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.
Các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận, báo chí, in-tơ-nét ở Việt Nam cũng được bảo đảm. Tính đến nay, Việt Nam có gần 800 cơ quan báo chí rộng khắp trên cả nước, đa dạng các loại hình. Báo chí được tạo điều kiện tham gia tích cực vào phản biện các chính sách, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đến tháng 12-2021, có gần 70 triệu người Việt Nam (chiếm hơn 70% dân số) sử dụng in-tơ-nét; số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là 72 triệu người. Các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, không có xung đột. Người dân được thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nghiên cứu và trao đổi, hội họp, giao lưu quốc tế về tôn giáo.
Có thể thấy, những thành tựu toàn diện trong bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong những năm qua, nhất là năm 2021 đã góp phần tạo nguồn lực cho việc bảo đảm thụ hưởng các quyền con người của người dân, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng với những cam kết về lao động và phát triển bền vững. Việt Nam hoàn toàn không có sự cản trở nào đối với những người hoạt động nhân quyền thực chất và thuần túy. Hằng năm, những thành tựu, chỉ số về xóa đói giảm nghèo, bảo vệ quyền trẻ em và người yếu thế ở Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đó mới chính là những hoạt động nhân quyền thực chất, vì sự phát triển tiến bộ của xã hội và người dân. Ngược lại, những hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm minh, không thể dung túng. Vậy nhưng, Báo cáo 2022 của HRW lại cố tình phớt lờ tất cả. Có thể khẳng định, Báo cáo của HRW hằng năm nhằm cáo buộc tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là dựa trên những thông tin thu thập theo kiểu cóp nhặt, phiến diện và xuyên tạc. Hoạt động của HRW đã ngược lại chính danh xưng là một tổ chức vì nhân quyền.
Hồng Anh