Ngày 25-2, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận cấp cao theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm thúc đẩy tiến độ tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 toàn cầu một cách bình đẳng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 76 Abdulla Shahid nhận định rằng bất bình đẳng vẫn còn tồn tại trong việc tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các loại thuốc men và cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể đảm bảo cho tất cả mọi người tránh được dịch bệnh.
Hiện nay, mặc dù đã có hơn 10 tỷ liều vắc-xin được tiêm cho người dân trên thế giới (con số được đánh giá là đủ để tiêm phòng cho tất cả dân số thế giới), tuy nhiên, hiện nay 83% người dân tại các nước châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên. Ông Abdulla Shahid cho biết hiện vẫn còn 27 nước trên thế giới có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 chưa tới 10% dân số, trong khi nhiều nước khác đã tiêm xong mũi thứ 3 cho người dân và mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế.
Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng nhấn mạnh, tình trạng bất bình đẳng về tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 là vấn đề trách nhiệm đạo đức của tất cả cộng đồng quốc tế và nếu như các nước không cùng nhau xóa bỏ tình trạng này, cái giá phải trả sẽ là mạng sống của con người, là các nền kinh tế bị suy sụp và các chủng vi-rút mới sẽ vẫn có thể tiếp tục phát tán.
Ông Antonio Guterres kêu gọi các nước hãy tích cực đóng góp vắc-xin thông qua COVAX - sáng kiến phân phối vắc-xin công bằng toàn cầu của LHQ. Người đứng đầu LHQ cũng cho rằng các hãng dược cần chia sẻ bản quyền và công nghệ để các loại vắc-xin có thể được sản xuất ở nhiều nơi trên thế giới, đồng thời các "mạnh thường quân" cũng như các tổ chức tài chính cũng cần tăng cường đóng góp nhiều hơn nữa cho nỗ lực tiêm chủng vắc-xin toàn cầu.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính tới ngày 25-2, thế giới đã có hơn 428,5 triệu ca mắc COVID-19 và khoảng 5,9 triệu người tử vong do căn bệnh này.
PV