Vấn đề liên quan đến phát triển thị trường lao động đặc biệt sau bối cảnh đại dịch COVID-19 được bàn luận tại nhiều diễn đàn. Gần đây nhất, ngày 30-8, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 269/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập".
|
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Ảnh minh họa.
|
Hành lang pháp lý phát triển thị trường lao động
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý góp phần phát triển thị trường lao động. Đến nay, thị trường lao động đã từng bước vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới.
Thủ tướng kết luận, hiện nay, cơ hội việc làm tăng; hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được chuẩn hóa và gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của thị trường lao động. Thị trường lao động trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng cùng với những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường lao động ở nước ta đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định phải có lực lượng lao động chất lượng cao được đào tạo bài bản, làm chủ khoa học công nghệ; phải có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước; thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Để tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương nâng cao nhận thức về thị trường lao động; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế (các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các FTA thế hệ mới) mà Việt Nam cam kết và phê chuẩn.
Đồng thời, cần tập trung xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch để mỗi người lao động từ khi tham gia đến khi rời thị trường lao động được quản trị minh bạch, thống nhất; chú trọng đầu tư về cơ chế, chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc; đẩy mạnh xây dựng chính sách hỗ trợ tạo việc làm; quan tâm thực hiện dịch chuyển lao động; đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp…
Những vấn đề về phát triển thị trường lao động theo chuẩn mực quốc tế
Tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã thẳng thắn nhìn nhận về thị trường lao động Việt Nam. Theo đó, đánh giá khách quan hiện nay, về cơ bản, Việt Nam đang chưa bắt kịp được các chuẩn mực kinh tế thị trường một cách linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả.
Điều này thể hiện trên 4 vấn đề chính: (1) Thị trường lao động phát triển nhưng chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế và giải quyết việc làm một cách bền vững; (2) Thị trường lao động có sự phân mảng giữa các vùng, khu vực mà tác động của dịch COVID-19 là biểu hiện lớn nhất cho thấy sự mất cân đối cung cầu lao động một cách cục bộ; (3) Quan hệ cung cầu lao động trên thị trường chưa phù hợp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; chưa quan tâm đến cơ cấu, không đào tạo theo nhu cầu của thị trường; (4) Kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường chưa hiện đại, đặc biệt là phần công nghệ thông tin. Bộc lộ rõ nhất liên quan đến việc hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Phát triển thị trường lao động hướng đến việc làm bền vững
Bởi vậy, để phát triển được thị trường lao động, cần xác định rõ quan điểm, định hướng và thống nhất một số nhận định, phát triển thị trường lao động theo các tiêu chí: "Linh hoạt - Hiện đại - Bền vững - Hội nhập - Hiệu quả".
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương phát triển thị trường lao động hướng đến việc làm bền vững. Theo đó, mục tiêu phát triển thị trường lao động chính là việc làm bền vững, thể hiện qua 6 yếu tố: cơ hội người lao động có việc làm; điều kiện làm việc; năng suất lao động; bình đẳng; an toàn tại nơi làm việc; thu nhập thoả đáng và bảo đảm BHXH, BHYT.
Để thị trường lao động đạt được 5 yếu tố "Linh hoạt - Hiện đại - Bền vững - Hội nhập - Hiệu quả", đồng chí Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần vận hành hiệu quả với thị trường vốn, đất đai, hàng hoá, dịch vụ, thông tin, giảm thiểu các rào cản với người lao động. "Quan trọng nhất là thu hẹp được việc làm của khu vực phi chính thức. Điều này không có nghĩa là chuyển ồ ạt lao động của thị trường phi chính thức sang chính thức mà chuyển dần từng bước và có điều kiện", đồng chí Bùi Sỹ Lợi nhận định.
Ngoài ra, riêng về yếu tố linh loạt cần nhìn nhận dưới 3 góc độ là hoạt động theo quy luật khách quan, có vai trò điều tiết của Nhà nước; đa dạng các hình thức kết nối cung cầu lao động; thị trường lao động hiện nay đang chuyển sang thị trường cao hơn về chất lượng, vì vậy phải cơ cấu lại cho hợp lý.
"Hiện đại" thể hiện ở 3 vấn đề: vận hành hiệu quả theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường; quan hệ lao động phải hài hoà, ổn định, tiến bộ; phát triển thị trường lao động Việt Nam nhằm đạt tới khả năng vận hành đồng bộ, thông suốt và hiệu quả trên phạm vi cả nước, khu vực và thế giới.
"Hiệu quả" thể hiện ở thị trường lao động phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản về quyền của con người theo quy định của Hiến pháp; thị trường lao động phải điều tiết, phân bổ hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội, giảm thiểu thất nghiệp và bảo đảm việc làm bền vững; chính sách và thể chế thị trường lao động phải đồng bộ và đủ mạnh để tạo môi trường mở rộng, nâng cao chất lượng việc làm và năng suất lao động.
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi cũng đặc biệt nhấn mạnh, lao động là hàng hoá rất đặc biệt, khác với hàng hoá thông thường khác, thị trường lao động là nơi mua bán lao động theo giá cả lao động nên phải có yếu tố sản xuất đặc biệt và vận hành khách quan, chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác. Thị trường lao động phải tác động điều hoà quan hệ về cung cầu lao động trong nền kinh tế thị trường và phải vận hành ổn định cùng thị trường vốn, hàng hoá, dịch vụ để tạo nền tảng tăng trưởng.
Phương Ly