Thực tiễn bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự
Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự thứ hai với tính chất là một giai đoạn độc lập của tố tụng hình sự. Giai đoạn điều tra vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để chứng minh việc thực hiện tội phạm và người phạm tội, xác định rõ những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đồng thời kiến nghị các cơ quan và tổ chức hữu quan áp dụng đầy đủ các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tội phạm. Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi cơ quan (người) tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, kết thúc bằng bản kết luận điều tra và quyết định của Cơ quan điều tra về việc đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án hoặc đình chỉ vụ án hình sự tương ứng.
Trong giai đoạn điều tra hình sự, các quyền con người của bị can và trách nhiệm bảo đảm các quyền đó thuộc cơ quan tiến hành tố tụng được quy định trong nhiều văn bản pháp luật, trong đó chủ yếu là Bộ luật TTHS năm 2015. Các điều luật tại Chương II của Bộ luật TTHS năm 2015 quy định các nguyên tắc liên quan đến việc bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra hình sự như: nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân (Điều 8) là nguyên tắc chủ đạo, định hướng cho việc xây dựng và thực thi pháp luật TTHS; nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 9); nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 10)… Trong đó, nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13) là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật…”, bảo đảm sự công bằng trong hoạt động TTHS, bảo vệ quyền của bị can khi họ không phải là người phạm tội mà chỉ là đối tượng tình nghi. Cụ thể hơn, với bị can thì quyền con người được thể hiện qua các quyền tố tụng (Khoản 2, Điều 60) như: quyền được biết lý do mình bị khởi tố; quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ; quyền được nhận các quyết định tố tụng; quyền được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội,…
Bên cạnh đó, bảo đảm quyền con người của bị can còn thể hiện thông qua các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra. Nếu có bất cứ sự vi phạm trình tự, thủ tục nào như vi phạm pháp luật, xâm hại quyền con người của bị can thì sẽ là căn cứ để huỷ bỏ quyết định, khắc phục hậu quả do hành vi tố tụng đó gây ra bằng các hoạt động như: đình chỉ vụ án, trả hồ sơ để điều tra lại hoặc trường hợp đã hết thời hiệu điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội của bị can thì phải đình chỉ điều tra và xác định bị can vô tội, đồng thời phải bồi thường thiệt hại do hoạt động tố tụng gây ra đối với người đó. Những vi phạm nghiêm trọng về TTHS này cũng được điều chỉnh và xác định thông qua Thông tư 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật TTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Việc thực thi quyền con người của bị can trong giai đoạn này được bảo đảm bởi một hệ thống các cơ quan giám sát của Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan giám sát nội bộ Viện Kiểm sát nhằm ngăn chặn vi phạm quyền con người, phát hiện vi phạm, khôi phục quyền, lợi ích bị vi phạm, áp dụng biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện vi phạm. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì số vụ xâm phạm hoạt động tư pháp chiếm một tỉ lệ nhỏ, dao động từ 0,08% đến 0,31% số vụ án mới bị khởi tố hằng năm từ năm 2009 đến nay và có xu hướng giảm dần qua các năm.
Trong những năm vừa qua, cơ quan điều tra đã làm tốt hoạt động điều tra, khám phá tội phạm, thực hiện đúng các quy trình về trình tự, thủ tục của pháp luật TTHS góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn này. Từ năm 2009 đến năm 2020, kết quả điều tra chính xác, đúng người, đúng tội đã có sự chuyển biến tích cực, tỉ lệ kết thúc điều tra truy tố trung bình đạt gần 80% và tỉ lệ đề nghị truy tố với các bị can mà viện kiểm sát phê duyệt là trên 98%.
Bảo đảm tốt quyền con người của bị can
Thực tế, trong giai đoạn điều tra vẫn còn tồn tại trường hợp cơ quan có thẩm quyền điều tra không tuân thủ quy định của Bộ luật TTHS dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án, xâm phạm đến quyền con người của bị can.
Điều này được phản ánh thông qua số liệu đình chỉ điều tra do các nguyên nhân như: cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của bị can, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra. Tỉ lệ này trung bình chiếm khoảng 1,7% từ năm 2009 đến 2016 nhưng có sự biến động và tăng lên trên 2% qua các năm tiếp theo. Nghiên cứu theo xác suất 134 vụ án giám đốc thẩm thì từ giai đoạn 2009 đến 2019, số vụ toà án trả hồ sơ lại là 30 vụ. Đây là con số vẫn còn cao. Những vụ án vi phạm pháp luật dẫn đến án bị huỷ để điều tra lại do nhiều nguyên nhân khác nhau như cơ quan điều tra vi phạm các quyền của bị can, không tiến hành các hoạt động cần thiết để làm rõ sự thật vụ án, không đối chất, nhận dạng, không có người chứng kiến khi hỏi cung trong trường hợp bị can không biết chữ,… đều hầu như thuộc các trường hợp vi phạm pháp luật TTHS.
Ngoài ra, vẫn còn tồn tại một số trường hợp áp dụng các biện pháp ngăn chặn không có căn cứ hoặc không cần thiết xâm phạm đến quyền con người của bị can (bức cung, dùng nhục hình), quá hạn tạm giữ, tạm giam, một số biện pháp ngăn chặn được pháp luật quy định nhưng không phát huy tác dụng (bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị đảm bảo) cũng là một hạn chế trong bảo đảm quyền con người của bị can trong TTHS hoặc vai trò của người bào chữa trong đảm bảo thực hiện các quyền tố tụng của bị can chưa cao và còn gặp nhiều khó khăn,…
Để bảo đảm quyền của bị can trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự thì cần phải làm tốt một số các nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về các nguyên tắc cơ bản trong TTHS. Chẳng hạn, cần tách nội dung thuộc nguyên tắc xác định sự thật của vụ án (Khoản 1 Điều 15) “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” vào nguyên tắc suy đoán vô tội (Điều 13). Bởi lẽ dưới góc độ pháp lý, việc xác định sự thật đó là hoạt động của cơ quan điều tra trong thu thập chứng cứ có tội và vô tội và do đó theo khoản 2 của Điều 15 Bộ luật TTHS thì họ được phép áp dụng các biện pháp hợp pháp để làm rõ vụ án, như vậy đã bao hàm hết nội dung nguyên tắc xác định sự thật vụ án mà khoản 1 lại có nội dung giao thoa với khoản 2. Chính vì thế, cần tách nội dung khoản 1 Điều 15 vào nguyên tắc suy đoán vô tội nhằm đảm bảo tính khoa học, đầy đủ về mặt nội dung cũng như đảm bảo tốt hơn nữa quyền con người của bị can trong vụ án hình sự phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế và pháp luật TTHS một số quốc gia tiến bộ trên thế giới.
Thứ hai, hoàn thiện quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về quyền của bị can. Bản thân bị can là người đã bị khởi tố và có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, cho nên trong hoạt động tố tụng, họ cần phải được đảm bảo một cách triệt để các quyền của mình vì họ chưa bị coi là người có tội. Mặc dù họ không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội nhưng cần phải phát huy tối đa tính cực, chủ động như nâng cao khả năng được tiếp cận chứng cứ hay bị can bắt buộc cần phải có người bào chữa. Sự tích cực của người bào chữa trong các vụ án đảm bảo đúng quyền của bị can, quyền bào bào chữa phù hợp với luật TTHS và luật TTHS quốc tế về quyền bào chữa thuộc Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại Khoản 3 Điều 14 quy định “được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo lựa chọn của mình,…”.
Thứ ba, về phía người áp dụng pháp luật. Trong giai đoạn điều tra, hiệu quả của hoạt động đảm bảo quyền của bị can phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố như chất lượng, số lượng và đạo đức của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ điều tra, điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp, đặc biệt phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về quyền con người, về quy định của pháp luật TTHS liên quan đến đảm bảo quyền con người.
Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo quyền con người. Đây là một giải pháp giúp người dân hiểu rõ các quy định pháp luật, các quyền của mình và tự bảo vệ mình khi tham gia vào hoạt động tố tụng. Có như vậy, mới đồng thời đảm bảo cơ quan tiến hành tố tụng không vi phạm các quy định của pháp luật, xâm hại đến quyền con người. Hình thức tổ chức đã được Nhà nước quan tâm và đẩy mạnh như: phổ biến tập huấn, thi tìm hiểu pháp luật, xét xử lưu động các vụ án điển hình,…
Thứ năm, xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm quyền con người của bị can. TTHS là một hoạt động khó khăn, phức tạp và có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng nên nguy cơ các quyền và nghĩa vụ này có thể bị xâm hại, nhất là bị can, bị cáo. Cơ quan điều tra cần đưa ra các biện pháp đảm bảo hoạt động TTHS được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời cơ chế giám sát của Viện kiểm sát cũng cần chủ động, tích cực hơn trong công tác điều tra, khám phá tội phạm. Cơ quan báo chí và dư luận xã hội kết hợp với cơ quan chức năng phát hiện, lên tiếng trước những vụ việc xâm hại quyền con người của người tham gia tiến hành tố tụng.
Bảo đảm quyền con người của bị can trong giai đoạn điều tra hình sự có ý nghĩa chính trị, xã hội, pháp lý sâu sắc. Đây là một mục tiêu, nhiệm vụ của TTHS, góp phần hạn chế những sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao ý thức pháp luật của mỗi người dân. Bảo đảm tốt quyền con người sẽ thúc đẩy công bằng xã hội, củng cố lòng tin nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Bị can có các quyền tố tụng (Khoản 2, Điều 60 Bộ luật TTHS năm 2015) như: quyền được biết lý do mình bị khởi tố; quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ; quyền được nhận các quyết định tố tụng; quyền được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội,…
|
Nông Đức Tài
Khoa Luật, Đại học An ninh nhân dân