Ngày 23-7, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) tổ chức Hội thảo Thư của Giáo hoàng Francis gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thỏa thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Tòa thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.
|
Hội thảo Thư của Giáo hoàng Francis gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ảnh: TTXVN
|
Trong phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng cho biết, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thời gian qua đồng bào Công giáo cả nước đón nhận niềm vui lớn lao khi quan hệ Việt Nam - Vatican nâng cấp từ Đặc phái viên không thường trú lên Đại diện Thường trú, Tòa thánh mở Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam, Lãnh đạo Nhà nước đã gửi Thư mời Đức Giáo hoàng Francis sang thăm Việt Nam. Đây là minh chứng cho chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới; thể hiện chủ trương, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo; quan tâm, tạo điều kiện cho các nhu cầu tôn giáo chính đáng của đồng bào các tôn giáo, trong đó có đồng bào Công giáo.
Việc Giáo hoàng Francis gửi Thư cho Cộng đồng Công giáo Việt Nam vào tháng 9-2023 thể hiện thông điệp quan trọng không chỉ với Giáo hội Công giáo Việt Nam mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đặc biệt tạo thêm cơ sở thuận lợi để chức sắc, tu sỹ, giáo dân Công giáo Việt Nam tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, cùng góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, Công giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đang cùng các tôn giáo bạn và cộng đồng không tôn giáo xây dựng, phát triển đất nước. Đây là cộng đồng được Đảng, Nhà nước quan tâm cả về đời sống kinh tế, xã hội và đảm bảo quyền tự do tôn giáo. Quan hệ giữa Nhà nước và Vatican luôn được củng cố và đang trên đà phát triển tốt đẹp. Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cùng toàn dân tộc xây dựng đất nước, xây dựng giáo hội trong lòng dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, thư chung của Giáo hoàng Francis là một dấu mốc lịch sử quan trọng, mang thông điệp, ý nghĩa to lớn đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam, động viên chức sắc, tu sỹ, giáo dân Công giáo Việt Nam tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quan điểm chủ trương của Thư chung năm 2023 đã chính thức xóa bỏ, vô hiệu hóa và chấm dứt hoàn toàn thái độ xung đột ý thức hệ trong lịch sử đã diễn ra. Đây là sự thừa nhận của đôi bên, Đảng Cộng sản Việt Nam công nhận Tòa thánh Vatican là bạn bè, đối tác và ngược lại Vatican công nhận Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đối tác hợp tác, không phải mối đe dọa đối với Công giáo và Nhà nước Vatican.
Điều này cho thấy một bước tiến lớn trong quan hệ Việt Nam - Vatican sau gần một thế kỷ “đóng băng” do những xung đột về ý thức hệ. Đó chính là thành tựu to lớn, xứng đáng với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Giáo hoàng thừa nhận và khẳng định vị thế đất nước cũng như thành quả mà Việt Nam đã đạt được. Khi Giáo hoàng đã trân trọng hai lần sử dụng cụm từ Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho thấy Tòa thánh khẳng định thể chế “chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Điều đó có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi nhận thức của người Công giáo về xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa mà toàn dân tộc Việt Nam đã và đang cố gắng để phấn đấu thực hiện, nỗ lực hơn để xóa bỏ những hệ lụy lịch sử để lại.
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng, trong Thư, Giáo hoàng ghi nhận mối quan hệ giữa Vatican và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tin tưởng tương quan hai bên sẽ tốt đẹp, dù có những khác biệt nhưng sẽ tìm được hướng đi chung vì lợi ích của dân tộc Việt Nam và Tòa thánh Vatican.
“Điều này có ý nghĩa quan trọng để ngăn chặn, dẹp bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu trong và ngoài Giáo hội lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước; thậm chí Giáo hội có thể sẽ can thiệp để các thành phần chống đối không thể xuyên tạc về Đảng Cộng sản Việt Nam như trước nữa”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định nói.
PV