Vừa qua, Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em đã chính thức khai mạc tại thành phố Durban, tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi. Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại một nước châu Phi với nỗ lực hợp tác giữa Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Bộ Việc làm và Lao động Nam Phi.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder trả lời phỏng vấn báo chí.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu đến từ hơn 180 nước, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng, các học giả và thành viên các tổ chức xã hội dân sự.
Sự kiện diễn ra trong 6 ngày liên tiếp bắt đầu từ ngày 15-5. Tại đây, các đại biểu sẽ chia sẻ thực tiễn và thúc đẩy hành động nhanh chóng nhằm xóa bỏ lao động trẻ em, đồng thời, cũng đánh giá lại những tiến bộ trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến lao động trẻ em.
Theo ILO, lao động trẻ em là công việc “tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của trẻ em và có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần”.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết lần đầu tiên sau 20 năm, lao động trẻ em có xu hướng gia tăng trong khi thế giới chỉ còn 3 năm để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, trong đó kêu gọi xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025.
Báo cáo mới nhất của ILO với UNICEF cho thấy hiện có hơn 160 triệu trẻ em trên toàn cầu đang phải tham gia lao động, trong khi hơn một nửa trong số đó ở độ tuổi từ 5 đến 11. Con số này đã tăng thêm 8,4 triệu trẻ em chỉ trong vài năm qua. Số liệu này cho thấy lao động trẻ em xuất hiện nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ đến 70%. Ông Ryder cho biết: “Châu Phi là lục địa đang cần và từ đó các giải pháp cho thách thức lao động trẻ em toàn cầu sẽ xuất hiện”.
Theo bà Jacqueline Mugo, Phó Chủ tịch khu vực của Tổ chức Người sử dụng lao động quốc tế và Giám đốc điều hành của Liên đoàn Người sử dụng lao động Kenya, các nguyên nhân sâu xa của lao động trẻ em bao gồm nghèo đói, không chính thức, hạn chế tiếp cận giáo dục, yếu kém hoặc thiếu bảo trợ xã hội, thiếu thanh tra lao động và quản lý yếu kém. Bà cũng nhận định số nạn nhân lao động trẻ em đang tăng lên.
Trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị, Giám đốc ILO đánh giá, hiện nay khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà trong đó có Việt Nam, đã có những thành công lớn, đó là giảm con số lao động trẻ em một cách rất nhanh và rất đáng kể. Khu vực Mỹ La-tinh cũng ghi nhận sự giảm mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Guy Ryder, thách thức lớn hiện đang nằm ở châu Phi, nơi mà các con số đang tăng lên khá mạnh mẽ. Tỷ lệ trẻ em là nạn nhân của lao động trẻ em ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara là hơn 23%. Như vậy mức trung bình toàn cầu là 9,6% đã tăng hơn gấp đôi ở châu Phi. Đó là một trong những lý do mà các nước có mặt ở thành phố Durban của Nam Phi lần này để đổi mới cuộc chiến chống lại tình trạng lao động trẻ em.
Ông Guy Ryder đánh giá Liên minh 8.7 là một liên minh toàn cầu của các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và tổ chức quốc tế nhằm chống lại lao động trẻ em và lao động cưỡng bức mà Việt Nam tham gia với tư cách là một trong 26 quốc gia tiên phong.
"Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang chung tay và tình nguyện thực hiện một nỗ lực đặc biệt nhằm xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em. Đây không chỉ là một quyết tâm trên giấy tờ. Chúng tôi đang thực hiện các hoạt động lớn với Việt Nam và Việt Nam đang đạt được những tiến bộ quan trọng", ông Guy Ryder khẳng định.
Ngoài ra, Giám đốc ILO cho biết, ông rất hài lòng về những gì Việt Nam đóng góp. Từ năm 2018, Việt Nam đã thực hiện cuộc điều tra quốc gia về lao động trẻ em và từ đó, Việt Nam biết vấn đề của mình là gì và cũng có một chính sách quốc gia để xóa bỏ lao động trẻ em.
Hiện nay, ILO đang hợp tác hiệu quả với Việt Nam để cố gắng nâng cao năng lực và đảm bảo rằng, pháp luật được ban hành tại Việt Nam sẽ mang lại kết quả khả quan. Tất cả những điều này là cụ thể và thực tế, không phải lý thuyết.
Giám đốc ILO nhấn mạnh 2 việc cần làm trong tương lai. Thứ nhất, giáo dục và tiếp cận giáo dục là vũ khí chính để chống lại lao động trẻ em. Nếu các bậc phụ huynh có quyền lựa chọn cho con đi học và họ có đủ khả năng chi trả, họ sẽ làm điều đó. Vì vậy giáo dục có ý nghĩa sống còn. Thứ hai là bảo trợ xã hội. Các bậc phụ huynh không mong muốn con cái của họ phải đi làm. Họ thường phải bắt con cái đi làm vì thu nhập của gia đình quá thấp. Vì vậy, chúng ta cần xem xét đây như vũ khí thứ hai để bảo vệ xã hội, hỗ trợ thu nhập cho các gia đình nghèo, giúp họ có điều kiện tránh lao động trẻ em.
PV