Vấn đề con người và hệ giá trị con người Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh - Ý nghĩa đối với thực tiễn nước ta hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc ít người dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2. Ảnh: T.L

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu phụ nữ các dân tộc ít người dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 2. Ảnh: T.L

Con người Việt Nam - sản phẩm và chủ thể của lịch sử cách mạng Việt Nam

Mặc dù không có một tác phẩm nào bàn riêng về con người và chuẩn mực con người Việt Nam nhưng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề con người, xây dựng chuẩn mực con người, phát triển toàn diện con người Việt Nam là là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, được biểu hiện đa dạng và vô cùng phong phú. Con người luôn được nhắc đến như một mục tiêu thiêng liêng, cao cả trong sự nghiệp cách mạng của Người.

Kế thừa và phát triển các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, của triết học Phương Đông, triết học Phương Tây, trong các bài nói, bài viết của mình, khái niệm con người được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng bằng nhiều từ ngữ khác nhau như: người, con người, dân, nhân dân, quần chúng, đồng bào…  Khái niệm con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với quan niệm của C. Mác về con người nhưng dựa trên cơ sở thực tiễn xã hội và con người Việt Nam để luận giải về con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đặt con người, mỗi cá nhân trong mối quan hệ ba chiều: quan hệ với một cộng đồng xã hội nhất định, trong đó mỗi con người là một thành viên; quan hệ với một chế độ xã hội nhất định; quan hệ với tự nhiên, con người là một bộ phận không tách rời.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là con người xã hội, là sự thống nhất giữa con người cá nhân và con người xã hội. Con người xuất phát từ chính hiện thực xã hội, tồn tại trong một cộng đồng xã hội nhất định. Con người có vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội, vừa là sản phẩm của xã hội, của lịch sử, đồng thời thực sự là người sáng tạo nên lịch sử.

Khái niệm con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh được hiểu như là một chỉnh thể thống nhất về thể chất, trí tuệ, tâm hồn và hoạt động có tính lịch sử - xã hội, là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ các giá trị vật chất, tinh thần trong xã hội. Đó là những con người với những mối quan hệ gia đình, cộng đồng, giai cấp, xã hội, nhân loại; vừa là con người cá thể, cụ thể, vừa là con người nói chung.

Từ lý luận giải phóng con người và phát triển con người của Chủ nghĩa Mác – Lênin, con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là nhân dân. Người nhấn mạnh thành quả cách mạng đều là của dân, do dân và vì dân. “Cách mạng là việc chung của dân chúng chứ không phải việc của một hai người”, “Nước ta là một nước dân chủ, mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người, nhân dân lao động không chỉ là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng mà còn là động lực của cách mạng: “Vô luận việc gì đều do người làm ra và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa”. “Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu con người”. Con người ở Hồ Chí Minh cũng là nhân dân. Vì vậy, công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của nhân dân. Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Đây chính là tư tưởng được kế thừa trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng lấy dân làm gốc đã được các triều đại phong kiến trong lịch sử sử dụng đặc biệt thành công trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, chiến thắng các thế lực ngoại xâm có tìm lực lớn mạnh hơn nhiều lần.

Ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, với việc tiếp nhận thế giới quan cộng sản, Hồ Chí Minh Đã tìm thấy nguồn động lực, vai trò, sức mạnh của nhân tố con người ở ngay các dân tộc bị áp bức đến cùng cực, bị đầu độc cả về thể xác lẫn tinh thần. Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa mác Lênin về vai trò con người Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định sự nghiệp giải phóng dân tộc giải phóng xã hội và giải phóng con người là sự nghiệp của giai cấp vô sản của nhân dân lao động và của cả dân tộc với tinh thần “phải đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Hồ Chí Minh đã nhìn thấy sức mạnh của giai cấp vô sản của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam không phải chỉ ở những gì đã được bộc lộ, mà còn ở những tiềm ẩn bên trong những lực lượng to lớn ấy. Người tin tưởng sâu sắc rằng khi giai cấp vô sản, nhân dân lao động các dân tộc thuộc địa trên thế giới được thức tỉnh, tổ chức và đấu tranh theo một đường lối đúng đắn thì sức mạnh sẽ trở thành vô địch và nhất định sẽ giành được thắng lợi trong cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đối với dân tộc Việt Nam, vấn đề con người làm ra lịch sử, nhân dân là chủ thể lịch sử, là chân lý cụ thể, sinh động đã được chứng minh qua mấy ngàn năm tồn tại và phát triển. Quan niệm truyền thống về con người được Hồ Chí Minh củng cố và nâng lên thành quan điểm triết học nhân sinh thực tiễn. Quan điểm này vốn là tư duy truyền thống của dân tộc ta, sức mạnh vĩ đại của nhân dân được Đảng và Nhà nước ta mà Hồ Chí Minh đứng đầu, tổ chức và lãnh đạo đã được phát huy và đã được chứng minh hùng hồn trong lịch sử hiện đại của dân tộc.

Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chuẩn mực con người là những giá trị con người đã được thừa nhận, được lựa chọn và áp dụng một cách rộng rãi vào đời sống, có ý nghĩa như những khuôn mẫu, tiêu chuẩn định hướng cho việc xem xét, đánh giá và điều chỉnh hành vi con người trong xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết, đúc rút những giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam, đó là:

Một là, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam. Hồ Chí Minh khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta… mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Từ lòng yêu nước, người Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia dân tộc và theo dòng chảy lịch sử, trở thành giá trị thiêng liêng, làm nên sức mạnh Việt Nam. Lòng yêu nước trở thành sức mạnh tinh thần lớn lao trước những thử thách khắc nghiệt, có thể chuyển hóa thành lực lượng vật chất để chiến thắng kẻ thù. Trong thời đại mới, chủ nghĩa yêu nước truyền thống được Hồ Chí Minh bổ sung, phát triển với nội dung mới, gắn liền với bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Người chỉ rõ đó là: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân đồng thời phải yêu chủ nghĩa xã hội vì “chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mới ngày một giàu mạnh thêm”.

Hai là, tinh thần đoàn kết, cố kết dân tộc là giá trị tiêu biểu trong thang giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, người Việt Nam coi đoàn kết là một nhu cầu tự nhiên để có thể tồn tại, phát triển. Người đúc kết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Trong thời đại mới, truyền thống đoàn kết của người Việt Nam được nâng lên trở thành một chiến lược cách mạng, đoàn kết là nguồn sức mạnh để chiến thắng kẻ thù, đoàn kết là then chốt của thành công, là sức mạnh của chúng ta. Hồ Chí Minh chỉ rõ, từ lâu người Việt Nam đã sống với nhau có tình có nghĩa, luôn giữ mối bang giao với các nước láng giềng, các nước trong khu vực trên tinh thần hòa hiếu, hữu nghị. Người khẳng định: “Tinh thần quốc tế là đoàn kết với các nước bạn và nhân dân các nước khác để giữ gìn hòa bình thế giới, chống chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế quốc… giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta… Đó là lập trường quốc tế cách mạng”. Việt Nam sẵn sàng bạn với các nước trên thế giới trên nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, các bên cùng có lợi.

Ba là, lòng nhân ái - một nét đẹp của người Việt Nam, được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định rằng “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái” đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã được hình thành từ hàng nghìn năm lịch sử. Đó là tình yêu thương đồng bào, đồng chí của mình, là sự cảm thông sâu sắc đối với thân phận con người, chia sẻ, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Từ lòng nhân ái, yêu thương con người đã nảy sinh tư tưởng khoan dung của người Việt. Hồ Chí Minh khẳng định: “Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ”. Trong thời đại mới, tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin cùng những luồng tư tưởng nhân văn, tiến bộ của nhân loại, lòng nhân ái của người Việt được nâng lên trở thành tình thương đẹp đẽ và hoàn chỉnh, đó là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Hồ Chí Minh xác định rõ mục tiêu của cách mạng là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng triệt để con người, để mỗi người đều được hưởng quyền tự do, ấm no, hạnh phúc và các quyền cá nhân khác.

Bốn là, trung thực, trách nhiệm - giá trị quan trọng hàng đầu của nhân cách con người, tiêu chuẩn cao nhất của đạo đức. Trung thực có nghĩa là sự thật, được biểu hiện ở trong tư tưởng, lời nói và hành động, thành thực với chính mình, với người khác, với tập thể và hơn thế là với Đảng, Tổ quốc, nhân dân.

Theo Hồ Chí Minh, trách nhiệm là nhận thức rõ việc cần phải làm, phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình. Hồ Chí Minh chỉ rõ, mỗi người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ vị trí nào trong xã hội đều phải ý thức về công việc của mình một cách tự giác. Đối với cán bộ, đảng viên, tinh thần trách nhiệm cao nhất là hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì dù to hay nhỏ, dễ hay khó cũng sẵn sàng nhận với tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải "có gan phụ trách", dám nghĩ dám làm, chủ động, sáng tạo để có kết quả cao nhất. Tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân là phải đặt “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”, chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm việc có tinh thần trách nhiệm vì mục tiêu phát triển đất nước giàu đẹp, phát triển.

Năm là. cần cù, sáng tạo đã sớm trở thành một trong những giá trị truyền thống tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, cần cù chỉ trở thành giá trị khi gắn với tiết kiệm, không hoang phí; “Cần” phải gắn với “liêm”, trong sạch, không tham lam; “cần” còn gắn với “chính” được thể hiện thông qua mối quan hệ đối với mình, với người, với việc; “cần” phải với “chuyên” thường xuyền, hàng ngày: “nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích; “cần” phải đi đôi với tính có kế hoạch trong lao động, phân công một cách hợp lý trên cơ sở năng lực, sở trường của mỗi người. Người yêu cầu mỗi người dân Việt Nam cần ra sức học tập, nâng cao trình độ học tập không ngừng; học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự Tổ quốc, dân tộc và nhân loại.

Những chuẩn mực con người Việt Nam được Người đúc kết và căn dặn các thế hệ không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu đạt được đến nay vẫn con nguyên giá trị, là những nội dung cốt lõi để Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tiếp tục kế thừa, phát, vận dụng, phát triển để xây dựng và thực hiện chuẩn mực con người Việt Nam  trong tình hình mới

Ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay

Một là, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần định hướng hình thành một thế giới quan, phương pháp luận trong việc xây dựng, thực hiện chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh trang bị cho chúng ta nhận thức đúng đắn về con người, vai trò của con người đối với sự phát triển của lịch sử xã hội loài người, vai trò của con người Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người chỉ rõ cho chúng ta lực lượng cách mạng khổng lồ là quần chúng nhân dân, là khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam; đồng thời chỉ rõ phương pháp, cách thức xây dựng lực lượng cách mạng, đó chính là quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng sức dân, tài dân, phát triển toàn diện con người, phát huy nhân tố con người. Hồ Chí Minh trang bị cho chúng ta những nhận thức cơ bản về xây dựng và thực hiện chuẩn mực con người, về những giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, về sự cần thiết phải chú trọng xây dựng, thực hiện chuẩn mực con người Việt Nam; về nguyên tắc, cách thức xây dựng, thực hiện những chuẩn mực này.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở để chúng ta xây dựng, thực hiện chuẩn mực con người Việt Nam trên tinh thần quán triệt quan điểm lịch sử cụ thể, quan điểm toàn diện, phát triển; sự thống nhất giữa truyền thống với hiện đại, kế thừa và đổi mới trong xây dựng và thực hiện các chuẩn mực con người Việt Nam. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập, toàn cầu hóa và sự bùng nổ thông tin hiện nay, tất yếu chúng ta phải kết hợp các giá trị văn hóa truyền thống với giá trị văn hóa hiện đại nhằm bổ sung, phát triển, đưa những giá trị, chuẩn mực lên tầm cao mới trong xây dựng, thực hiện chuẩn mực con người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng cho chúng ta những nguyên tắc quan trọng trong việc kế thừa các giá trị văn hóa, các giá trị chuẩn mực truyền thống để xây dựng và thực hiện chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Theo Hồ Chí Minh, đời sống mới “không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Quán triệt tư tưởng của Người, chúng ta phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất giữa truyền thống với hiện đại, kế thừa và đổi mới trong việc phát huy các giá trị chuẩn mực con người truyền thống nhằm bồi dưỡng, xây dựng các chuẩn mực con người hiện đại ngày nay.

Hai là, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh giúp nhận thức và phát huy hệ thống các động lực trong xây dựng các chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Trong quá trình tiến lên CNXH, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội. Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang nhưng cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Để cách mạng XHCN thành công đòi hỏi phải có những con người mới vừa hồng, vừa chuyên, vừa có đức vừa có tài trong đó đức là gốc. Hồ Chí Minh cho rằng mục tiêu cao nhất của CNXH là giải phóng con người, vì con người nhưng đồng thời CNXH cũng đòi hỏi ở con người những phẩm chất, năng lực, chuẩn mực cần thiết để đáp ứng vai trò là động lực của công cuộc xây dựng xã hội mới. Đó là những yêu cầu mang tính nguyên tắc trong quá trình xây dựng các chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Quán triệt những quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, trong những năm đổi mới, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn hệ thống các động lực phát triển xã hội và động lực xây dựng, thực hiện các chuẩn mực con người, đòi hỏi phải có những chủ trương, chính sách phù hợp để phát huy hệ thống động lực đó. Cụ thể là: (1) Phát huy sực mạnh đại đoàn kết dân tộc và ý thức cộng đồng; (2) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. (3) Kết hợp chặt chẽ động lực vật chất và động lực tinh thần, chú ý tới vai trò của từng động lực trong những điều kiện cụ thể. Trong đó, coi trong vai trò của động lực chính trị - tinh thần. (4) Kết hợp hài hòa lợi ích xã hội, lợi ích tập thể và cá nhân, đặc biệt chú ý đến lợi ích thiết của người lao động, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là tối cao.

Ba là, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận cho việc chỉ đạo sự phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở Việt Nam hiện nay.

Hồ Chí Minh ít khi nói đến chiến lược mà thường nói “xây dựng con người”, “trồng người”. Nói cụ thể, nội xây dựng con người là xây dựng một hệ thống giá trị về đạo đức, trí tuệ, thể lực, kỹ năng, tâm hồn… làm cho con người có những phẩm chất và năng lực mới và cao, đáp ứng được những yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Là nhà văn hóa lớn của thời đại, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng con người không chỉ đáp ứng tốt những yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam mà còn hướng đến sự phát triển toàn diện con người. Nội dung giáo dục - đào tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh được hiểu theo nghĩa rộng nhất của nó nhằm tạo ra những con người hoàn thiện về nhân cách, vừa hồng, vừa chuyên.

Vì vậy, tuy Hồ Chí Minh sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau như: “học tập”, “giáo dục”, “đào tạo”… nhưng đều được hiểu trong sự thống nhất về mục tiêu, nội dung, phương châm, phương pháp, nguyên tắc, quan điểm, biện pháp của một nền giáo dục hiện đại.

Từ những ngày đầu tiên của nền độc lập, chính phủ ra sắc lệnh thành lập nhà bình dân học vụ ngày 6-9-1945. Ngày 10-10-1945, Hồ Chí Minh ký ba sắc lệnh: Sắc lệnh số 43 “Thiết lập quỹ tự trị cho trường đại học Việt Nam”; số 44 về “Thành lập hội đồng cố vấn học chính”; số 45 về “Thiết lập một Ban đại học Văn khoa tại Hà Nội”, cùng với nhiều sắc lệnh, quyết định, chỉ thị khác đã đặt nền móng cho nền giáo dục của một chế độ xã hội mới.

Suốt đời chăm lo đến sự nghiệp giáo dục đào tạo Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tư tưởng to lớn và sâu sắc. Nó là cơ sở lý luận có giá trị chỉ đạo cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo Việt Nam. Những tư tưởng vĩ mô mang tầm vóc chiến lược đó có ý nghĩa chỉ đạo trong việc xây dựng thực hiện chuẩn mực con người Việt Nam trong thời đại mới. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất