Đảng Nhân dân Cách mạng Lào chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách có hệ thống

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2021) chỉ rõ: “Trong điều kiện mới, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào càng cần có đội ngũ cán bộ có kiến thức, có năng lực, có phẩm chất, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng trung thành sâu sắc với Tổ quốc và sự nghiệp của Đảng, có tinh thần phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân hết lòng, có lối sống lành mạnh và tiến bộ, có ý chí tự học tự rèn và không ngừng học hỏi nâng cao trình độ ở mọi mặt, có ý thức tổ chức kỷ luật, tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật và quy định của Đảng”. Đồng thời, Chủ tịch Kaysone Phomvihane cũng đã khẳng định: “Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý kinh tế, đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật cần thiết để có đủ năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội và làm chủ đất nước”.

Để đạt được mục tiêu đó và để đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý càng trở nên quan trọng, cần thiết và cấp bách, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ, là trách nhiệm trực tiếp của các cấp ủy Đảng. Trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức, có năng lực, đúng đắn về nguyên tắc, mục tiêu và tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Công tác bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gắn liền với quy hoạch cán bộ, bằng việc lựa chọn cán bộ trong quy hoạch cán bộ để bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực đạt tiêu chuẩn của cán bộ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện đúng nguyên tắc, đáp ứng cán bộ đủ tiêu chuẩn vào các vị trí công tác.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có mối quan hệ mật thiết với quy hoạch cán bộ. Để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tổ chức thực hiện một cách có hệ thống và hiệu quả thì cần phải nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách chính xác, phù hợp với thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là trên cơ sở quy hoạch cán bộ. Việc luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm, thăng cấp, thăng hạng cán bộ phải xem xét người đó đã qua đào tạo về lý luận chính trị - hành chính và chuyên môn nghiệp vụ của ngành hay chưa; tránh tình trạng bổ nhiệm, thăng cấp, thăng hạng rồi mới đưa đi đào tạo. Cán bộ đã được đào tạo phải được bố trí công tác phù hợp với kiến thức đã học, bố trí theo cơ cấu giới, dân tộc, bảo đảm theo hướng trẻ hóa; đặt yếu tố chính trị, đạo đức cách mạng lên hàng đầu và lấy kiến thức, năng lực chuyên môn làm nền tảng, đồng thời đã được rèn luyện, kiểm tra trong quá trình công tác thực tế ở cơ sở, làm tiêu chuẩn, điều kiện; bảo đảm quản lý, sử dụng, thực hiện chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách đúng đắn và phù hợp.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý là nền tảng của công tác cán bộ, có liên quan mật thiết với quy hoạch cán bộ trong việc nghiên cứu, xem xét lựa chọn những mục tiêu trong quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, các địa phương chưa đạt tiêu chuẩn vị trí công tác để đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Tập trung đào tạo về lý luận chính trị - hành chính, chuyên môn nghiệp vụ, công tác quốc phòng - an ninh và ngoại ngữ theo nhu cầu thực tế của ngành, đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự. Thực hiện phương châm, cán bộ nào thiếu kiến thức về lĩnh vực nào thì đưa đi bồi dưỡng về lĩnh vực đó, tránh tình trạng đào tạo dàn trải, không theo kế hoạch bồi dưỡng cán bộ; cán bộ có kiến thức - năng lực nhưng còn thiếu kinh nghiệm thì bố trí làm việc thực tế ở cơ sở. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại các cơ sở giáo dục với thực hiện nhiệm vụ công tác thực tế theo hướng trẻ hóa, quan tâm đào tạo cán bộ nữ và cán bộ dân tộc theo điều kiện thực tế.

Trong những năm qua, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo các cấp ủy đảng và cơ quan tổ chức cán bộ có trách nhiệm trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao nhận thức về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời ban hành các văn bản pháp quy liên quan để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Điển hình như, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 073/NQ-TW ngày 14-5-2019 về công tác xây dựng, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã ban hành Hướng dẫn số 204/HD-BTC ngày 5-11-2019 về việc triển khai Nghị quyết số 073/NQ-TW của Bộ Chính trị và các văn bản khác có liên quan. Vì vậy, thời gian qua các cấp ủy đảng, các ngành đã nghiên cứu và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn, làm cho công tác bồi dưỡng cán bộ được tổ chức thực hiện theo đúng định hướng, kế hoạch đề ra một cách cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Từ đó, nhiều cán bộ đã được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu về chính trị - hành chính cả trong nước và quốc tế.

Trong nước, tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia, giai đoạn 2019-2023 đã đào tạo 1.840 cán bộ (388 cán bộ nữ), trong đó có 942 đồng chí đào tạo dài hạn, 898 cán bộ đào tạo ngắn hạn. 

Ở nước ngoài, có 779 cán bộ được đào tạo tại Việt Nam (159 nữ), trong đó có 432 cán bộ đào tạo dài hạn, 347 cán bộ đào tạo ngắn hạn; có  762 cán bộ được học tập tại Trung Quốc (136 nữ), chủ yếu là bồi dưỡng, trao đổi học tập kinh nghiệm ngắn hạn. 

Thông qua việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, Đảng và Nhà nước đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có kiến thức, năng lực, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời, thông qua thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, các cấp, các ngành đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm để công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ đạt hiệu quả cao hơn. 

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn một số tồn tại cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới như: Một số đơn vị chưa xây dựng được kế hoạch bồi dưỡng cán bộ dẫn đến việc lựa chọn đối tượng bồi dưỡng chưa có trọng tâm, bồi dưỡng không đúng đối tượng, dẫn đến tình trạng chạy theo phong trào, chất lượng bồi dưỡng không cao. Mặc dù đã xây dựng nhiều kế hoạch bồi dưỡng cán bộ nhưng chưa thống nhất, chưa đúng nguyên tắc.Việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân viên chưa được thực hiện một cách bài bản, hệ thống và liên tục, chưa kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo trong nhà trường và đào tạo tại nơi làm việc, chưa khuyến khích nhân viên chủ động học hỏi.

Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn thiếu trọng tâm rõ ràng và thống nhất, từ giai đoạn lập kế hoạch nhân sự, lập kế hoạch ngân sách, xác định phương pháp, nguyên tắc, quy trình, biện pháp và phân chia trách nhiệm; việc xây dựng và phát triển nhân viên chưa gắn liền với các tiêu chuẩn và điều kiện đã đề ra, việc lựa chọn nhân viên tham gia các chương trình đào tạo chưa phù hợp, chưa ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ...

Phương hướng và giải pháp 

Một là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước. Nghiên cứu về kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng lên. Đưa ra yêu cầu, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín đối với nhân dân.

Ba là, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế. Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân. Thực hiện việc phân công cán bộ trong quy hoạch các chức danh cấp chiến lược đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các địa bàn, lĩnh vực quan trọng, vùng đồng bào dân tộc, vùng có nhiều khó khăn để đào tạo, thử thách, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất