Bác Hồ với Bộ đội Pháo binh
Kéo pháo vào trận địa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-1954

Trong suốt 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Binh chủng Pháo binh luôn được sự quan tâm trực tiếp về mọi mặt của Đảng uỷ Quân sự trung ương, Bộ Quốc phòng. Lịch sử hình thành và phát triển của Binh chủng Pháo binh anh hùng gắn liền với sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang, một thiên tài quân sự, người đã đặt nền móng cho công tác tổ chức xây dựng lực lượng, phát triển nghệ thuật quân sự và phương châm tác chiến của Binh chủng Pháo binh ngày nay.   

 1. Ngày 18-6-1946, Bác Hồ ký sắc lệnh só 50/SL về tổ chức Bộ Quốc phòng gồm 12 Cục và 3 Nha, trong đó có Cục Pháo binh (do đồng chí Trần Đại Nghĩa tức Nguyễn Quang Thiện làm Cục trưởng).

 2. Đầu xuân năm 1953, Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn công pháo 351 ở Bằng Luân - Tuyên Quang. Bác căn dặn “Muốn thắng địch phải khiêng pháo đi xa, đưa pháo vào gần địch mà bắn, trăm phát trúng cả trăm thì đồn nào mà không hạ được”. Lời dạy của Bác đã trở thành tư tưởng chỉ đạo tác chiến, phương châm hành động và quyết tâm chiến đấu của BĐPB. Trong kháng chiến chống Pháp, BĐPB đã dũng cảm vượt qua khó khăn về địa hình, thời tiết, xẻ núi làm đường kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Những đòn hoả lực dũng mãnh, chính xác của pháo binh ta đã phá nát tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần làm nên thắng lợi quyết định của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán hoà bình chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, BĐPB đã đưa pháo vào luồn sâu, bám trụ kiên cường, dội bão lửa vào các trung tâm sào huyệt của địch trên khắp chiến trường miền Nam. Hoả lực pháo binh đã tham gia vào hầu hết các trận đánh, các chiến dịch với tất cả sự mưu trí, sáng tạo và bất ngờ, tạo điều kiện tối ưu cho các cánh quân “thần tốc” tiến thẳng vào dinh luỹ cuối cùng của nguỵ quyền Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công Đại thắng mùa xuân 1975.

 3. Ngày 17-3-1954, tại Hội nghị cán bộ trung, cao cấp toàn mặt trận, Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã trao Cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại đoàn công pháo 351. Sự động viên kịp thời của Bác và Bộ Tổng Tư lệnh xuất phát từ một tầm nhìn đúng, đánh giá đúng về vai trò quyết định của hoả lực pháo binh trong chiến dịch lịch sử này. Hiểu rõ và quán triệt sâu sắc sự quan tâm và động viên của Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh, BĐPB đã quyết tâm chiến đấu, vượt mọi khó khăn gian khổ để điều chỉnh thế trận, đưa pháo vào trận địa sát với tập đoàn cứ điểm của địch và giáng cho địch những đòn bất ngờ nhất, gây cho chúng những thiệt hại to lớn về vật chất và tinh thần, buộc chúng phải quy hàng trước sức mạnh của đội quân cách mạng.

 4. Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày sinh của Bác, ngày 19-5-1954, Bác Hồ gặp và gắn huân chương, tặng huy hiệu của Người cho đại biểu, cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có đồng chí Bạch Ngọc Giáp là trung đội trưởng quan sát - thông báo, Đại đội 806-Trung đoàn 45 pháo binh.

 5. Ngày 4-5-1957, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Đoàn pháo binh 63 thuộc Bộ Tư lệnh 351 khi đang thực hành diễn tập hiệp đồng tại Trường bắn Hoà Lạc (Sơn Tây).

 6. Ngày 31-3-1959, Bác Hồ đến thăm Đại đội pháo binh phòng thủ đảo Hòn Rồng (Quảng Ninh).

 7. Ngày 25-5-1959, Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đến thăm lớp nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Trung ương 15 của cán bộ trung cao cấp pháo binh tại Hà Nội.

 8. Tháng 5-1962, Bác Hồ đến thăm triển lãm sáng kiến cải tiến kỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội, Người đã vào xem gian trưng bày sáng kiến của bộ đội pháo binh.

 9. Ngày 19-8-1962, Bác Hồ đến thăm Đoàn pháo binh 374 tại Thậm Thình -  Phú Thọ và ghi vào sổ vàng truyền thống của đơn vị dòng chữ: “Luôn luôn cố gắng học tập, cố gắng lao động sản xuất. Luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cách mạng, bảo vệ Tổ quốc…”. 

10. Tháng 3-1963, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn pháo binh 208 tại thị xã Vĩnh Yên.

11. Ngày 14-11-1964, Bác Hồ gửi thư khen quân và dân miền Đông Nam Bộ, đặc biệt khen ngợi lực lượng pháo binh ta lập công xuất sắc trong trận bắn phá sân bay Biên Hoà đêm 30, rạng sáng ngày 31-10-1964. Sau đó Bác viết bài “Hoan hô chiến sĩ Biên Hoà” in trên báo Nhân Dân số ra ngày 14-1-1964 với bút danh “Chiến sĩ”.

 12. Ngày 14-7-1966, Bác Hồ cùng với các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đến dự cuộc bắn trình diễn pháo phản lực mang vác A12 do Bộ Tư lệnh pháo binh cải tiến và ĐKB tại Trường bắn Hoà Lạc - Sơn Tây. 

13. Ngày 13.4.1967, Bác Hồ gửi thư khen ngợi BĐPB đã lập công xuất sắc bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ và bắn trả pháo binh địch ở Cồn Tiên - Dốc Miếu… Bác khen tặng 8 chữ vàng truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”. 

14. Đầu năm 1969, Bác Hồ gặp mặt tặng hoa và huy hiệu cho 3 nữ chiến sĩ pháo binh thuộc Đại đội 9 - Pháo binh Ngư Thuỷ, Quảng Bình. Trước đó Bác đã viết thư khen ngợi Đại đội nữ pháo binh Ngư Thuỷ khi đơn vị lập được chiến công bắn cháy, bắn chìm tàu chiến Mỹ ở vùng biển Quảng Bình.

Binh chủng Pháo binh là một binh chủng chiến đấu - Binh chủng kỹ thuật của Quân đội nhân dân Việt nam. Trưởng thành trong chiến đấu và gắn liền với những chiến công hiển hách trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, truyền thống của BĐPB gắn liền với truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, gắn liền với sự trưởng thành của quân đội và luôn xứng đáng với lời khen của Hồ Chủ tịch “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cùng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất