Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp tập huấn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý
Đồng chí Phan Văn Thắng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì hội nghị
Hội nghị tập trung quán triệt Kết luận số 12-KL/TW ngày 22-3-2017 của Bộ Chính trị về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về sửa đổi, bổ sung quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử. Theo đó, đối với huyện, thị, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh khi thực hiện quy trình về công tác cán bộ phải thực hiện đúng 5 bước theo Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị.

Hội nghị thảo luận và nêu những vướng mắc, kiến nghị trong công tác bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; công tác quy hoạch cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cấp uỷ huyện (tương đương); quy hoạch cán bộ lần đầu (A1) nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Văn Thắng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu, đồng thời giải đáp các thắc mắc của đại biểu. Đồng chí đề nghị, để thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh trong thời gian tới, ban tổ chức các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh uỷ phải thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và sự thống nhất của các cấp ủy đảng về công tác quy hoạch cán bộ. Trong đổi mới nhận thức về quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cấp ủy cần chú ý: Khắc phục lối tư duy khép kín, cục bộ, thiển cận, chỉ giới thiệu người của ngành, địa phương, cơ quan mình vào quy hoạch. Nếu cứ bó ép trong từng địa phương, cơ quan, ban, ngành, tổ chức thì không có nguồn cán bộ dồi dào, đa dạng để bồi dưỡng, lựa chọn. Khắc phục quan niệm quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ là công việc, trách nhiệm của cấp ủy, mà không ý thức được đây là trách nhiệm của cả đảng bộ, của các tổ chức trong hệ thống chính trị.                 

Thứ hai, tạo nguồn cán bộ để đưa vào diện quy hoạch. Cần tập trung phát hiện, thu hút nhiều cán bộ, công chức quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ có thành tích xuất sắc, đang giữ các cương vị lãnh đạo cấp phòng ở các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị, thành phố; cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các doanh nghiệp; các cán bộ khoa học và quản lý doanh nghiệp lớn tiêu biểu có năng lực, trình độ và triển vọng phát triển lâu dài.

Thứ ba, hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiến hành quy hoạch. Trong việc xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, các đơn vị phải tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ, có cơ chế mở rộng dân chủ để cán bộ, đảng viên tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ và phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch. Đồng thời định hướng cơ cấu lãnh đạo nhiệm kỳ tới và cụ thể hoá tiêu chuẩn cán bộ quy hoạch.

Thứ tư, thực hiện đúng quy trình công tác cán bộ. Ban tổ chức các cấp uỷ phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về công tác cán bộ. Bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, công tâm, khách quan trong công tác cán bộ, cần tham mưu cấp uỷ thực hiện tốt Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 24-2-2017 của Ban Tổ chức Trung ương về sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu tại Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương; Kết luận số 12-KL/TW ngày 22-3-2017 của Bộ Chính trị về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ.

Tập trung tham mưu tốt công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cấp uỷ nhiệm kỳ 2015 – 2020, xây dựng quy hoạch A1 cấp uỷ nhiệm kỳ 2020 – 2025 và những nhiệm kỳ tiếp theo; đồng thời xây dựng kế hoạch luân chuyển, đào tạo cán bộ giai đoạn 2017 – 2020 gắn với quy hoạch cấp uỷ nhiệm kỳ 2015 – 2020 và những nhiệm kỳ tiếp theo báo cáo về tỉnh phê duyệt theo quy định.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất