Toàn cảnh Hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai cho biết, sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm (từ ngày 4 đến 10-5-2022), Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến rất tâm huyết và quan trọng vào các Báo cáo và Đề án trình Trung ương. Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề: (1) Tổng kết 10 năm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới (Nghị quyết 19); (2) Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (Nghị quyết 13); (3) Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26); (4) Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên; (5) Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; (6) Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (7) Báo cáo công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 5 và một số nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 5 đến Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII); (8) Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022; (9) Nghe báo cáo chuyên đề xung đột Nga - U-crai-na; (10) Tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và một số vấn đề quan trọng khác.
Đồng chí Trương Thị Mai thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) .
Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh 8 nội dung chính của Hội nghị Trung ương 5 (khoá XIII).
Theo đó, về Đề án Tổng kết 10 năm Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới (gọi tắt là Nghị quyết 19), đồng chí Trương Thị Mai cho biết, Nghị quyết 19 nêu 6 quan điểm chỉ đạo, 11 định hướng đổi mới là cơ sở để ban hành Luật Đất đai (2013).
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất đánh giá, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Một số nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hoá hoặc thể chế hoá chưa đầy đủ, chưa theo kịp tình hình thực tế. Luật Đất đai và một số luật có liên quan còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất.
Trung ương thống nhất quan điểm, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Đất đai là tài sản hàng hoá đặc biệt, quyền sử dụng đất không phải quyền sở hữu. Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trung ương yêu cầu, trong quá trình tổ chức thực hiện cần tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo; Tập trung giải quyết về cơ bản các tồn tại, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.
Về vấn đề phát triển kinh tế tập thể, Trung ương thống nhất ban hành "Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới". Ban Chấp hành Trung ương đánh giá sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát triển như yêu cầu đặt ra. Nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đầy đủ, thiếu thống nhất.
Theo đó, Trung ương thống nhất quan điểm kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng cùng kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao, lấy lợi ích kinh tế là chính, dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tổ chức. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. động quần chúng tham gia kinh tế tập thể.
Về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất ban hành "Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Trung ương thống nhất đánh giá, sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm; xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều…
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất 5 quan điểm: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Xây dựng nông thôn hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Về đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ do ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ và Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập theo nguyên tắc không tăng thêm tổ chức, biên chế.
Về kết quả kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng năm 2021, phương hướng năm 2022, Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, năm 2021 đã tiến hành kiểm tra 51.620 tổ chức đảng, 272.512 đảng viên với 55.666 đảng viên là cấp uỷ viên. Bộ Chính trị đã triển khai 10 đoàn kiểm tra tại 20 tổ chức đảng. Uỷ ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra có dấu hiệu vi phạm đối với 3.005 tổ chức, 8.182 đảng viên; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát tại 28.925 tổ chức đảng với 87,3% thực hiện tốt…
Năm 2022, Trung ương sẽ tập trung nghiên cứu tham mưu triển khai Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030; Quy định xin lỗi, bồi thường đối với đảng viên do kỷ luật oan; Quy trình kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cao, thi hành kỷ luật đảng; Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực; Quy định kiểm soát quyền lực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập...
Về đề án cơ sở đảng, đảng viên, Trung ương cơ bản tán thành, đánh giá cao công tác chuẩn bị văn bản Bộ Chính trị trình Trung ương, Báo cáo của Ban Chỉ đạo, Dự thảo Nghị quyết, tán thành ban hành “Nghị quyết về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.
Theo đó, Trung ương yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện các văn bản, nghị quyết và kế hoạch tổ chức triển khai nghị quyết. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 4 nhiệm vụ, giải pháp gồm: Củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên.
Ngoài ra, đồng chí Trương Thị Mai cũng thông tin tới Hội nghị những vấn đề cơ bản về kinh tế - xã hội năm 2022 (tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022) và báo cáo chuyên đề "Xung đột Nga - U-crai-na: Tác động quốc tế và những vấn đề đặt ra".
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng thông tin thêm chuyên đề về kinh nghiệm của Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX (năm 2022).
Trước đó, trong sáng 12-5, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 5-2022 để thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính Ban Tuyên giáo Trung ương tới 4.097 điểm cầu trên cả nước. Đảng uỷ cơ quan Ban Tổ chức Trung ương đã nối điểm cầu trực tuyến với Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trên cơ sở hai quan điểm chỉ đạo lớn là: phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Lại Xuân Môn đề nghị các báo cáo viên, tuyên truyền viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tập trung tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) theo Đề cương hướng dẫn tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng thời cho biết, Ban sẽ sớm có kế hoạch triển khai nghiên cứu, học tập kết quả trọng tâm Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) tới các cán bộ, đảng viên từ cấp Trung ương tới các tỉnh ủy, thành ủy.
Điểm cầu tại Ban Tổ chức Trung ương sáng 12-5-2022.
Đỗ Anh