“Chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có đa đảng”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đang có chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ Meira Kumar. Trong thời gian ở thăm, hãng thông tấn Express Ấn Độ đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về quan hệ giữa Việt Nam với Ấn Độ, những kinh nghiệm thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhiều nội dung khác. Trả lời hãng thông tấn Express Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng ở Việt Nam "chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng".

 "Một Đảng vẫn hiệu quả nhất"

Về câu hỏi liên quan đến chế độ chính trị ở Việt Nam, hãng thông tấn này đặt câu hỏi: "Chủ tịch có nghĩ rằng, đã đến lúc chín muồi để Việt Nam có hệ thống đa đảng hoặc có các đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam để có thể tính tới các quan điểm của nhiều nhóm sắc tộc khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau. Ví dụ như Việt Nam có Uỷ ban Dân tộc để giải quyết vấn đề này?".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trả lời :

"Chúng tôi quan niệm là kinh tế và hệ thống chính trị bao giờ cũng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chúng tôi chủ trương phát triển kinh tế đồng thời cũng đổi mới từng bước hệ thống chính trị một cách vững chắc cho phù hợp. Và đã rút ra kinh nghiệm là đổi mới kinh tế phải đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị.

Thực tiễn các bạn thấy là đất nước chúng tôi về chính trị xã hội ổn định, nhân dân được làm chủ. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ. Các đoàn thể cũng có tiếng nói và đang làm nhiệm vụ phản biện và giám sát xã hội, đất nước vẫn đang phát triển, đang đi lên. Từ thực tế thì thấy là chúng tôi thực hiện một đảng vẫn là hiệu quả nhất.

Hiện nay, tôi được biết là trên thế giới, dư luận cũng rất quan tâm là tại sao Việt Nam chỉ có một đảng lãnh đạo, một đảng lãnh đạo thì có dân chủ không, tại sao lại không thực hiện chế độ đa đảng. Vấn đề này thì ý kiến tranh luận khác nhau. Nhưng riêng tôi thì tôi nghĩ không phải là nhiều đảng thì nhiều dân chủ hơn, hai đảng có ít dân chủ hơn, mà một đảng thì lại có ít dân chủ nữa.

Mỗi nước có hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không. Đó là tiêu chí quan trọng nhất.

Tôi không phản đối và cũng không định kiến với các nước có chế độ đa đảng. Thậm chí có nước có vua, có nước có Thủ tướng, có nước không có Thủ tướng, có nước có Tổng thống lại có cả Thủ tướng. Mỗi nước có một mô hình tổ chức khác nhau và tôi rất tôn trọng. Tôi nghĩ cũng không nhất thiết là kinh tế thị trường thì phải đa đảng. Chúng tôi nói là ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng. Ít nhất là cho đến bây giờ".

Về nền kinh tế thị trường

Đề cập tới kinh nghiệm của Việt Nam trong việc chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định đường lối tăng trưởng kinh tế nhưng coi trọng vấn đề xã hội, bảo đảm vấn đề công bằng xã hội, hạn chế chênh lệch giàu nghèo....

"Chúng tôi nói kinh tế thị trường của Việt Nam không phải kinh tế thị trường tự do, nhưng cũng chưa phải là kinh tế thị trường XHCN. Nghĩa là chúng tôi đang ở giai đoạn quá độ, giai đoạn chuyển đổi. Đòi hỏi phải giải quyết rất tốt mốt quan hệ cung cầu, quy luật giá trị với định hướng bằng kế hoạch, chính sách, chiến lược của nhà nước. Phải giải quyết tốt mối quan hệ thứ hai là tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Phải giải quyết mối quan hệ thứ ba là trong khi chú ý mở cửa hội nhập, thì vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, làm tốt công tác môi trường".

(Nguồn: VOVNEWS)

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất