Chiều 25-10-2016, Hội đồng Khoa học Các cơ quan đảng Trung ương đã tổ chức nghiệm thu đề án mã số KHBĐ (2015)-15 do TS. Trần Duy Hưng, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm Chủ nhiệm. PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Các cơ quan đảng Trung ương, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Đề tài.
Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề quan trọng đối với công tác xây dựng đảng. Trong mọi giai đoạn của cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, biện pháp để giữ vững, nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.
Trong các nhiệm kỳ vừa qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương và UBKT các cấp đã tích cực tham gia và có đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên bằng việc tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; qua việc kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra tài chính đảng, giải quyết đơn thư tố cáo… và trực tiếp giải quyết một số vụ việc nổi cộm. Thực tế đã khẳng định: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng không chỉ là những chức năng lãnh đạo của Đảng mà còn là công cụ đắc lực góp phần quan trọng, có hiệu quả nhất vào cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát việc này vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT các cấp chưa được tăng cường toàn diện, triệt để; những quyền hạn hiện có khó thực hiện trong thực tế do vị thế của UBKT, cán bộ kiểm tra, giám sát thấp hơn đối tượng kiểm tra, giám sát; bị ràng buộc, chi phối bởi đối tượng kiểm ta, giám sát, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng. Việc chỉ đạo đi sâu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cả ở tầm vĩ mô và vi mô để kịp thời đề xuất với Trung ương, các cấp ủy bổ sung, sửa đổi những chính sách, quy định không còn phù hợp và có biện pháp đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng còn thiếu kịp thời, đồng bộ. Lý luận và nhận thức thực tiễn về vai trò công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống đang còn rất mờ nhạt, không đầy đủ, không chỉ đối với cấp ủy các cấp nhất là người đứng đầu mà còn với bản thân UBKT Trung ương, cán bộ và ủy ban kiểm tra các cấp, dẫn đến tính chủ động không cao, né tránh, đùn đẩy các ngành văn hoá tư tưởng, thông tin, truyền thông… làm hạn chế cuộc đấu tranh.
Từ nay đến năm 2020, tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng, khó lường; toàn cầu hoá, mặt trái của kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học - công nghệ tác động, ảnh hưởng lớn đến vai trò lãnh đạo, năng lực và phương thức cầm quyền của Đảng, phương pháp, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện đảng cộng sản cầm quyền bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng vẫn nảy sinh nhiều nguy cơ như tệ quan liêu, tham nhũng (kể cả tham nhũng chính sách, tham nhũng quyền lực), lãng phí, đặc quyền, đặc lợi, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng của một bộ phận cán bộ, đảng viên với tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn, gây hậu quả xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân, đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ. Sẽ xuất hiện những nội dung vi phạm mới trong một số lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội; nhất là vi phạm về thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, ban hành quyết định trái quyết định của cấp trên, về tham nhũng, lãng phí… Do đó, việc phân tích, đánh giá, xác định các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên ở nước ta là vấn đề cần thiết, vừa có giá trị thực tiễn vừa có ý nghĩa lý luận trong quá trình lãnh đạo thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng ta.
Mục tiêu của Đề án là trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng và nguyên nhân công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Đề án đề xuất giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái này.
Nhiệm vụ của Đề án: Đánh giá đúng thực trạng và chỉ rõ nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm của công tác kiểm tra, giám sát với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đúc rút kinh nghiệm, nêu bật các vấn đề nóng bỏng, bức xúc đang đặt ra; dự báo các nhân tố tác động, đề xuất mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, phương hướng, giải pháp tăng cường có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát với đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiến nghị với cấp có thẩm quyền nhằm hạn chế thấp nhất những suy thoái trên có thể xảy ra.
Đề án được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại Khá.
T.H