Từ ngày 13 đến ngày 15-5-2015, Đảng bộ huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020. Đây là một trong ba đảng bộ được BTV Tỉnh ủy Kon Tum chọn làm đại hội điểm và thí điểm (cùng với Đảng bộ huyện Kon Plông và Đảng bộ huyện Đăk Glei).
Về dự Đại hội có 220 đại biểu đại diện cho 1.809 đảng viên của 60 TCCSĐ trong toàn Đảng bộ huyện. Đại hội đã tập trung thảo luận, thông qua Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2010-2015 và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2015-2020; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Đảng bộ huyện khóa V; thông qua dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV.
Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ huyện khoá V trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI xác định chủ đề: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; xây dựng huyện Ngọc Hồi ổn định và phát triển bền vững.
Báo cáo chính trị trình Đại hội nêu rõ: 5 năm qua, kinh tế huyện Ngọc Hồi phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Tổng giá trị sản xuất đạt 3.775 tỷ đồng; tỷ trọng ngành nông - lâm - thuỷ sản từ 32,17% giảm xuống còn 29,62%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng từ 36,89% giảm xuống 36,03%, thương mại - dịch vụ từ 30,954% tăng lên 34,35%; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,2 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước tại địa bàn năm 2015 đạt 152,35 tỷ đồng. Sản xuất nông - lâm nghiệp từng bước gắn với công nghiệp chế biến và nhu cầu thị trường; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển với nhiều ngành có lợi thế; thương mại, dịch vụ phát triển nhanh; kết cấu kinh tế - xã hội được tăng cường; việc đầu tư, phát triển vùng kinh tế động lực huyện Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của huyện.
Văn hoá, xã hội có chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Giải quyết lao động, việc làm, đào tạo nghề và thực hiện các chính sách xã hội được chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 32,9% đầu nhiệm kỳ đến cuối năm 2015 còn dưới 9%. Toàn huyện đã xây dựng được 13/35 trường học đạt chuẩn quốc gia, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục THCS, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư khá đồng bộ, triển khai hiệu quả việc ứng dụng phần mềm Văn phòng điện tử - eOffice trong các cơ quan nhà nước. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số - kế hoạch hoá gia đình có nhiều tiến bộ, hiện nay toàn huyện đạt tỷ lệ 10,3 bác sỹ/vạn dân; 56,1 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2,2% xuống dưới 1,8%. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng, nhiều giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy.
Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Lực lượng vũ trang địa phương được xây dựng vững mạnh, nâng cao chất lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu. An ninh biên giới, an ninh nông thôn được đảm bảo. Đến nay, đã xoá bỏ hoạt động của tà đạo Hà Mòn trên địa bàn huyện. Duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị với các huyện của Lào và Căm-pu-chia có chung đường biên giới.
Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đầu của các cấp uỷ, tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên, công tác phát triển đảng viên được quan tâm, trong 5 năm đã kết nạp được 432 đảng viên; hoàn thành mục tiêu 100% thôn, làng, tổ dân phố có tổ chức đảng. Công tác cán bộ được tiến hành chặt chẽ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ nữ tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được tăng cường, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được tăng cường, công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, khắc phục cơ bản tình trạng quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Công tác dân vận được triển khai thực hiện đồng bộ, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, công tác dân tộc và công tác tôn giáo. Hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được củng cố về tổ chức và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; thực hiện tốt chức năng phối hợp, giám sát và xây dựng chính quyền; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và mở rộng.
Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Báo cáo chính trị xác định mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2015-2020: Khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển. Nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng đẩy mạnh dịch vụ - công nghiệp, chú trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, nông thôn. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hoá - xã hội; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; củng cố và phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc. Xây dựng huyện Ngọc Hồi ổn định và phát triển bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Y Mửi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân huyện Ngọc Hồi trong 5 năm qua, đồng thời yêu cầu sớm khắc phục những tồn tại, yếu kém. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Đảng bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển kinh tế xã hội, coi đây là nhiệm vụ trung tâm xuyên suốt, tăng cường công tác xây dựng đảng, thực sự là nhiệm vụ then chốt. Ngọc Hồi cần phát huy thế mạnh là một huyện có chung đường biên giới với các nước bạn Lào và Căm-pu-chia, có nhiều trục đường giao thông thuận lợi, cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế cửa khẩu, coi trọng quy hoạch các ngành công nghiệp chế biến nông sản, phát triển mạnh dịch vụ…
Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ huyện gồm 43 đồng chí; bầu BTV gồm 13 đồng chí; trong đó: trẻ dưới 35 tuổi có 7/43 đồng chí, chiếm tỷ lệ 16,27%; nữ có 8/43 đồng chí, chiếm tỷ lệ 18,6%; đồng bào dân tộc thiểu số có 13/43 đồng chí, chiếm tỷ lệ 30,23%. Đồng chí Nguyễn Thanh Hà tái cử Bí thư Huyện ủy và 2 đồng chí Phạm Đình Thanh, Trần Văn Chí tái cử Phó Bí thư Huyện ủy. Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV gồm 20 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.
Đỗ Như Thắng
Vụ Địa phương II, Ban Tổ chức Trung ương.