Với chủ đề “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực xây dựng huyện Tiên Phước phát triển toàn diện, bền vững, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025”, Đại hội đã tập trung thảo luận, thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiên Phước (khóa XV), nhiệm kỳ 2010-2015; thông qua dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đã nêu: Nhiệm kỳ qua, kinh tế của huyện tăng trưởng khá, phát triển đồng bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng 17,84%, thương mại - dịch vụ 51,62%; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 43,82% (2010) xuống 30,54% (2014). Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng từ 24% lên 44%, lao động nông nghiệp giảm từ 76% xuống 56%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 14,3 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2010 (6,7 triệu đồng). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân hằng năm 6,8%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Huyện đã tập trung phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chú trọng phát triển các cây đặc sản có giá trị kinh tế cao; toàn huyện hiện có 140 mô hình kinh tế gia trại, trang trại, nhiều mô hình sản xuất đạt 70 triệu đến 80 triệu đồng/ha/năm; hình thành các vùng sản xuất theo quy hoạch, diện tích các cây trồng chủ lực là tiêu, lòn bon, thanh trà; giá trị thu được từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại tăng từ 28 tỷ đồng (2010) lên 65 tỷ đồng (2014). Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 291 tỷ đồng. Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng từ 168,2 tỷ đồng (2010) lên 296 tỷ đồng (2014), bình quân hằng năm tăng 11,96%. Hoạt động thương mại, dịch vụ có bước khởi sắc, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, mua sắm, tiêu dùng của nhân dân; tổng giá trị thương mại, dịch vụ giai đoạn 2010-2014 đạt trên 3.119 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 12,35%. Tổng thu ngân sách đạt trên 2.283 tỷ đồng, tăng bình quân mỗi năm 31%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng chi ngân sách địa phương đạt trên 2.210 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 30,1%. Lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào thực chất, nhiều mô hình gia đình, tộc họ, thôn, cơ quan văn hóa điển hình được nhân rộng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Giáo dục - đào tạo được đầu tư đúng mức, phát triển tương đối toàn diện; công tác xây dựng trường chuẩn, phổ cập giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chuyển biến rõ nét, đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cơ bản đáp ứng yêu cầu; 10/15 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 86,3%, các chương trình y tế quốc gia triển khai đạt kết quả. Quan tâm. triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách với người có công cách mạng, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40,57% (năm 2010) xuống 13,02% (năm 2014), vượt chỉ tiêu đề ra; hộ cận nghèo giảm từ 23,5% (2010) xuống 15,64% (2014); bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 450 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 41%. Công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em được quan tâm đúng mức; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 19,04% (2010) xuống 9,65% (2015); 15 xã, thị trấn đạt tiêu chí xã phù hợp với trẻ em. Hoạt động của các hội quần chúng, các hoạt động nhân đạo, từ thiện đạt được nhiều kết quả. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác nội chính được chú trọng. Bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được tập trung củng cố, kiện toàn, hiệu quả hoạt động, năng lực quản lý, điều hành có nhiều tiến bộ; quy chế dân chủ được triển khai thực hiện nghiêm túc, vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tăng cường đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở.
Công tác xây dựng đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tập trung chỉ đạo sâu sát, đạt được những kết quả quan trọng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công tác phát triển, nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên được tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng nhiều hình thức, đạt kết quả khá. Công tác phát triển đảng viên luôn được quan tâm chỉ đạo tích cực; nhiệm kỳ qua, đã kết nạp được 500 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 1.956 đồng chí, bình quân mỗi năm phát triển 100 đảng viên. Hằng năm, đa số các TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh, tăng từ 68,63% năm 2010 lên 77,36% năm 2014; không có chi, đảng bộ yếu kém. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và đánh giá cán bộ được chỉ đạo chặt chẽ; công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được quan tâm, chú trọng; đến nay, cán bộ, công chức cấp xã đạt 3 chuẩn 74,24% (245/330); cán bộ trưởng, phó ban, phòng, đoàn thể cấp huyện trình độ chuyên môn qua đại học trở lên đạt 91,05% (61/67, trong đó có 2 thạc sỹ), cao cấp LLCT đạt 65,7% (44/67), trung cấp LLCT đạt 32,83% (22/67). Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, thực hiện nghiêm túc, gắn nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và UBKT các cấp được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Công tác dân vận của Đảng, của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận chính quyền được tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở.
Báo cáo chính trị cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong nhiệm kỳ qua như: Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phát triển chậm. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động kết quả chưa cao; khả năng tạo việc làm mới cho lao động tại chỗ còn hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa tỉnh, huyện trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, bất cập. Chất lượng giáo dục ở các bậc học chuyển biến chưa đồng đều. Tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy một số địa bàn diễn biến phức tạp. Một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã, các phòng ban chuyên môn của huyện thiếu năng động, ý thức trách nhiệm chưa cao, chưa tận tụy với công việc; năng lực tham mưu, vận dụng cụ thể hóa tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách của cấp trên còn hạn chế. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành hiệu quả chưa cao. Hoạt động của mặt trận và các hội, đoàn thể cơ sở ở một vài nơi chưa đồng đều, chất lượng còn thấp. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chưa đi vào chiều sâu, kết quả chưa rõ nét; vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức thực hiện của chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm. Một số cấp ủy còn hạn chế về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Nam...
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và quân dân huyện Tiên Phước đã nỗ lực phấn đấu thực hiện; đồng thời, chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế cần sớm khắc phục để đưa huyện tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian đến. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong phát triển kinh tế, Tiên Phước cần xác định nông, lâm nghiệp là ngành thế mạnh và ưu tiên đầu tư theo hướng phát triển mạnh kinh tế vườn, kinh tế trang trại; chú trọng đầu tư phát triển các loại cây nông sản đặc sản có giá trị kinh tế cao như tiêu, bòn bon, thanh trà, cây dược liệu quế, sa nhân và các loại cây nguyên liệu như cao su, keo, dó bầu phục vụ công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn, từng bước phát triển thương hiệu Tiên Tiên Phước rộng rãi ra thị trường trong nước và quốc tế. Nghiên cứu đầu tư phát triển ngành du lịch, kết nối với các địa điểm du lịch của thành phố Tam Kỳ, các huyện Phú Ninh, Bắc Trà My để phát triển mạnh du lịch vùng Tây tỉnh Quảng Nam. Tập trung xây dựng nông thôn mới, huy động tốt các nguồn lực vật chất và tinh thần của nhân dân để hoàn thành tốt mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020; gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch sinh thái. Quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao hơn nữa mức thu nhập bình quân đầu người của nhân dân.... Trong công tác xây dựng dựng đảng, cần tiếp tục thực hiện tốt công cuộc xây dựng và chỉnh đốn đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; tạo bước đột phá trong công tác cán bộ; củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên và các biện pháp nhằm ngăn chặn đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí có hiệu quả.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ huyện Tiên Phước xác định 21 chỉ tiêu và 6 nhóm giải pháp cụ thể; trong đó có một số chỉ tiêu chủ yếu như: Cơ cấu giá trị các ngành kinh tế đến năm 2020: nông, lâm nghiệp: 24,5%; công nghiệp - xây dựng: 23%; thương mại - dịch vụ: 52,5%. Thu nhập bình quân đầu người: 29 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Thu ngân sách trên địa bàn bình quân hằng năm tăng 15%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 7%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm dưới 5%. Tỷ lệ xã đạt nông thôn mới 50%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 55%. Đến năm 2020, 15/15 trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ. Công tác gọi công dân nhập ngũ hằng năm đạt 100%. Hằng năm, có trên 75% TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh, không có tổ chức đảng yếu kém; 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ, kết nạp 450 đảng viên trở lên; đến năm 2020: 100% chi bộ thôn, khối phố và chi bộ quân sự có chi ủy; 90% trở lên các chức danh trưởng thôn, khối phố, phó trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng, công an viên, trưởng ban công tác mặt trận thôn, khối phố là đảng viên. Phấn đấu 100% cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã đạt chuẩn…
Với tinh thần dân chủ, Đại hội đã bầu 41 đồng chí trong số 47 đồng chí dự bầu, với tỷ lệ số dư là 14,63% vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiên Phước (khóa XVI), nhiệm kỳ 2015-2020 (trong đó: tái cử: 31 đồng chí, đạt tỷ lệ 75,6%; nữ: 7 đồng chí, đạt tỷ lệ 17,07%; trẻ dưới 35 tuổi: 5 đồng chí, đạt tỷ lệ 12,19%). Đại hội cũng đã bầu 9 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiên Phước (khóa XVI), nhiệm kỳ 2015-2020, đã bầu 11 đồng chí vào Ban Thường vụ Huyện ủy trong số 13 đồng chí dự bầu, với tỷ lệ số dư là 18,18% (trong đó: nữ: 1 đồng chí, đạt tỷ lệ 9,09%); bầu Bí thư và 2 Phó Bí thư; bầu Ủy ban Kiểm tra gồm 6 đồng chí và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy. Theo đó, đồng chí Phạm Văn Đốc đã được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, nhiệm kỳ 2015-2020, với tỷ lệ phiếu đạt 100%; các đồng chí Hường Văn Minh và Trầm Quế Hương được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy, với tỷ lệ phiếu đạt 100%; đồng chí Phan Văn Dương được bầu làm Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Tiên Phước, nhiệm kỳ 2015-2020.
Quang Vũ