Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015-2020
Đại biểu biểu quyết tại Đại hội
Các đồng chí: Trần Trí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đồng Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các vụ địa phương Ban Tổ chức Trung ương, UBKT Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; một số đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban xây dựng đảng Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các huyện ủy, thị ủy trong tỉnh Trà Vinh; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng 250 đại biểu thuộc 58 chi bộ, đảng bộ cơ sở huyện Tiểu Cần tới dự.
    
Báo cáo chính trị và các tham luận nêu bật kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tiểu Cần lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2010-2015 trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
    
Trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng kinh tế huyện Tiểu Cần vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao, bình quân 12,64%/năm; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN tăng 25,06%, nông nghiệp tăng 4,96%, thủy sản tăng 12,61%, thương mại - dịch vụ tăng 15,49%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp, thủy sản - dịch vụ năm 2015 ước đạt 29,76% - 39,12% - 31,12% (năm 2010 là 17,62% - 56,35% - 26,03%). Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 30,5 triệu đồng/năm, tăng 7,5% so với năm 2010.
    
Xác định nông nghiệp, thủy sản là thế mạnh của huyện, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mô hình cánh đồng mẫu lớn được mở rộng, năng suất lúa đạt 6,16-6,86 tấn/ha, cao hơn bình quân chung 0,88 tấn/ha. Toàn huyện đã chuyển đổi 1.300 diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng màu; duy trì 5.470 ha diện tích trồng dừa, hơn 2.000 ha cây ăn quả (cam, bưởi da xanh...), trong đó có 200 ha cây ca cao xen dừa đạt thu nhập khá. Cùng với việc tăng cường hệ thống thủy lợi, sản xuất thủy sản của huyện tiếp tục phát triển theo hướng thâm canh cao; sản lượng cả nhiệm kỳ đạt hơn 1.118 nghìn tấn. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được định hướng là ngành mũi nhọn; trên địa bàn có 1 doanh nghiệp FDI sản xuất giày da xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hơn 12.400 lao động địa phương.
    
5 năm qua đánh dấu bước phát triển vượt bậc của huyện về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng trưởng bình quân 17,82%/năm, tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp hơn 17,3 tỷ đồng). Đến nay, bên cạnh những dự án lớn, hệ thống giao thông nông thôn đã bảo đảm ô tô về đến trung tâm tất cả các xã; 72% số phòng học được kiên cố hóa. Hệ thống trạm cấp nước sinh hoạt được mở rộng; 99% số dân khu vực thị trấn và 96,5% số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện; tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới 5 năm đạt gần 974 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 305 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 137 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 4/11 xã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (chiếm 44,44%), các xã còn lại đạt từ 12 đến 14 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 23,24% năm 2010 xuống còn 7,40% năm 2014.
    
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ. Trong 5 năm qua, huyện có thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành chuẩn phổ cập giáo dục THCS; tất cả 11 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Huyện hiện có 4/11 xã, thị trấn và 77/88 ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa; 69,18% số hộ là gia đình văn hóa.
    
Công tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường. Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh ngăn chặn kịp thời hoạt động của tổ chức phản động từ bên ngoài, đẩy mạnh tấn công trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
    
Trong 5 năm qua, Đảng bộ huyện lãnh đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia trong vùng đồng bào Khmer, như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; trong 5 năm đã giải ngân hơn 44 tỷ đồng cho 3,592 hộ vay.
    
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện Tiểu Cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng động ngũ cán bộ, đảng viên. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên; tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt định kỳ đạt 95,13%. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng; trong 5 năm đã kết nạp 623 đảng viên, vượt 24,6% so với chỉ tiêu đề ra; từng bước khắc phục tình trạng chi bộ ấp, khóm có đông đồng bào dân tộc Khmer không có đảng viên là người dân tộc Khmer. Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục được 10/13 nội dung thuộc các hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã khắc phục được 350/436 nội dung. Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt hiệu quả thiết thực, đi vào chiều sâu; toàn huyện có 18 mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác và đã có 77 tập thể, 160 cá nhân điển hình tiên tiến được tôn vinh.
    
Báo cáo chính trị cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII đề ra (tăng 14,01%); sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp; nông nghiệp, thủy sản phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị sản xuất ngành thủy sản không đạt chỉ tiêu đề ra. Phong trào xây dựng ấp, khóm văn hóa chưa đồng đều, chất lượng một số nơi chưa cao, thiếu bền vững. Công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn.Việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của một số cấp ủy có nội dung còn chậm. Công tác cán bộ còn có mặt hạn chế, trình độ đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc còn hạn chế. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy chưa chuyển biến tích chưa rõ nét; hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội chưa cao...
    
Đại hội đã thông qua các mục tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2015-2020: Tổng giá trị sản xuất tăng 12-13%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 3-4%/năm, thủy sản tăng 6-7%/năm, công nghiệp tăng 14-15%/năm, xây dựng tăng 17-18%/năm, dịch vụ tăng 17-18%/năm; thu ngân sách tăng 10%/năm trở lên. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 55 triệu đồng/năm; hàng năm tạo việc làm cho 2.500 lao động. Đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện vào giữa nhiệm kỳ. Huy động 98% số trẻ 5 tuổi học mẫu giáo, 99,61% số trẻ trong độ tuổi vào lớp 1; hoàn thành phổ cập giáo dục THPT. Phấn đấu đến năm 2020 có 90% số dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 4,86%; có 99,7% số dân đô thị và 98% số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%/năm, xã đông đồng bào Khmer giảm 4%/năm. Hằng năm, có 50% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; trên 85% số đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết nạp 100 đảng viên mới, trong đó có 20-30% đảng viên là người dân tộc Khmer; huy động 86% số người trong độ tuổi vào các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp; thu hút từ 70% trở lên thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn.
    
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Trần Trí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh biểu dương những thành tựu Đảng bộ và nhân dân huyện Tiểu Cần đã đạt được trong 5 năm qua. Đồng chí cũng chỉ rõ tồn tại, hạn chế trên từng lĩnh vực và gợi mở nhiều giải pháp đưa huyện Tiểu Cần phát triển nhanh trong nhiệm kỳ tới. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng nhấn mạnh: Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình cánh đầu mẫu lớn, phát triển diện tích trồng cây ăn trái các xã ven sông Cần Chông. Khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển thủy sản; thực hiện tốt công tác quy hoạch; kêu gọi đầu tư vào vùng quy hoạch thủy sản tập trung 200 ha. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; quan tâm củng cố chất lượng các tiêu chí đã đạt và tập trung thực hiện các tiêu chí chưa đạt, đặc biệt chú trọng phát huy nội lực, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vào cuối năm 2017. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là khu công nghiệp Cầu Quan, cụm công nghiệp Tân Hòa. Thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư; tập trung những sản phẩm có lợi thế, giá trị kinh tế cao và những ngành nghề thu hút nhiều lao động. Xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đô thị; xây dựng thị trần Cầu Quan từ đô thị loại V lên đô thị loại IV. Tập trung giải quyết tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo; quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung thực hiện tốt công tác quốc phòng - quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Tăng cường công tác xây dựng đảng, tiếp tục khắc phục có hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể. Quan tâm công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở. Phát huy tốt vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX ngay từ những tháng đầu, năm đầu.


           Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiểu Cần nhiệm kỳ 2015-2020 ra mắt Đại hội.

Đại hội đã phát huy dân chủ, tinh thần trách nhiệm bầu 42 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX, nhiệm kỳ 2015-2020 trong tổng số 48 đồng chí dự bầu (có 3 đồng chí nữ, 3 đồng chí là người dân tộc Khmer). Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ Huyện ủy khóa IX gồm 13 đồng chí trong tổng số 15 đồng chí dự bầu; bầu Bí thư Huyện ủy và 2 Phó Bí thư Huyện ủy; bầu UBKT Huyện ủy gồm 7 đồng chí và Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy. Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 20 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất