Sáng ngày 28-8, tại Trường Đại học Công đoàn, Đảng ủy Khối các trường cao đẳng, đại học Hà Nội đã tổ chức hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình, điển hình “dân vận khéo” giữa cụm thi đua các đảng ủy khối, đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Vũ Tuấn Dũng, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối Các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; bí thư, phó bí thư, đại diện lãnh đạo các cụm thi đua; các đồng chí phụ trách công tác dân vận của 26 trường đại học, cao đẳng thuộc Đảng ủy Khối.
Công tác dân vận ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, đòi hỏi cán bộ dân vận phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, có nhiều cách làm, mô hình thiết thực và sát với đời sống nhân dân, đem lại lợi ích cho nhân dân.
Gần 10 ý kiến tham luận tại hội nghị đã phân tích, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý khi triển khai các mô hình “Dân vận khéo”. Đó là phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với nhân dân của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; phương châm mỗi cán bộ, chiến sĩ là một cán bộ “Dân vận khéo” tại Công an thành phố. Tại Đảng ủy Khối Các cơ quan thành phố đã có 68/68 cấp ủy cơ sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đăng ký 191 mô hình tập thể và 61 mô hình cá nhân thực hiện “Dân vận khéo” gắn với nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị, tập trung vào cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội khẳng định những cố gắng, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trong việc hưởng ứng phong trào thi đua theo hướng sát thực tế, có chiều sâu, nhiều mô hình đã tạo được dấu ấn, nhất là đóng góp trong công tác vận động quần chúng của các khối. Đồng chí khẳng định và đề cao vai trò của các đồng chí cụm trưởng, cụm phó cụm thi đua Đảng bộ Khối trong việc xây dựng chương trình, tổ chức hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cụm. Vai trò của cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng đã được thể hiện rõ trong các phong trào thi đua. Các cụm thi đua đã làm tốt công tác tuyên truyền về nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên. Đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm việc phát hiện, tuyên dương, cổ vũ những tấm gương dân vận khéo, nhất là những tấm gương trong lao động, trực tiếp sản xuất. Gắn việc thực hiện “dân vận khéo” với các phong trào, các cuộc vận động của các cơ quan, đơn vị, các chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội. Để làm tốt công tác “dân vận khéo” cần mở rộng dân chủ cơ sở, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị. Muốn làm tốt “dân vận khéo” cần nắm tình hình thực tế, dự báo chính xác, tham mưu đúng để các cấp, các ngành xử lý tốt các vấn đề ngay từ cơ sở.
Phạm Giang