Đổi mới từ Dự án 600 Phó Chủ tịch xã khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên
Quang cảnh Hội nghị.

Ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Dự án 600 phó chủ tịch UBND xã được triển khai thực hiện ở 16 huyện thuộc 6 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Kon Tum và Lâm Đồng với 134 đội viên tham gia. Các đội viên được đào tạo từ đại học đến trên đại học, với các chuyên ngành nông, lâm nghiệp, thủy lợi, quản lý đất đai, môi trường…, trong đó có 66,42% là người Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau khi các đội viên tham gia Dự án được bầu và phê chuẩn chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã, UBND các xã nơi đội viên về công tác đã tổ chức họp, phân công rõ trách nhiệm cũng như thẩm quyền ký các văn bản thuộc lĩnh vực đội viên dự án phụ trách. Trong số 134 đội viên, có 84 đội viên được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế, 50 đội viên phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội. Các đội viên tham gia Dự án đã nỗ lực khắc phục khó khăn, cùng với UBND các xã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong công việc và sản xuất; xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới; gần gũi, giúp đỡ nhân dân địa phương. Bản thân các đội viên đều vui mừng vì đã được tạo cơ hội để thử thách, trải nghiệm thực tế.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên ủng hộ, tán thành chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chính sách thu hút trí thức trẻ về cơ sở công tác, xem đây là nguồn nhân lực tạo động lực để giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, góp phần ổn định hệ thống chính trị cơ sở… 

Qua 5 năm thực hiện, với sức trẻ, tâm huyết và sự năng động, sáng tạo, các đội viên dự án đã đem lại luồng gió mới góp phần làm thay đổi tác phong, lề lối làm việc ở cơ sở, bám sát cơ sở, tích cực chủ động tìm hiểu phong tục tập quán, phương thức sản xuất của nhân dân để tham mưu với cấp ủy, chính quyền những sáng kiến, mô hình hay ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. 

Thông qua hoạt động thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, giúp nhân dân địa phương phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đã từng bước nâng cao được phẩm chất, năng lực công tác của các đội viên. Đến nay, đã có 126 đội viên của dự án khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã được kết nạp vào Đảng và nhiều đội viên khác đã tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng…

Các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên đề xuất, kiến nghị với Bộ Nội vụ sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung biên chế để sắp xếp cho các đội viên có việc làm ổn định sau khi Dự án kết thúc; quan tâm, tiếp tục mở các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội viên; phối hợp với các Bộ, ngành bố trí đầy đủ kinh phí triển khai thực hiện một số mô hình phát triển kinh tế - xã hội do đội viên thực hiện…

Tuấn Anh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất