Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP. Hồ Chí Minh
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Ngày 22-6, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2015), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học: "Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP. Hồ Chí Minh".
    
Các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thọ Trân, nguyên Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ngô Thị Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Trường trực Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh; đại diện lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn thành phố; đại diện Thường trực các Tỉnh ủy, Thành ủy: Hưng Yên, Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, cùng đông đảo nhân sĩ, trí thức tới dự.
    
Các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Võ Thị Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.
    
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nêu bật thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta, của miền Nam, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP. Hồ Chí Minh.
    
Giác ngộ cách mạng từ lúc mới 14 tuổi, 10 năm đấu tranh kiên trung trong "địa ngục trần gian" Côn Đảo, đồng chí đã biến nhà tù của thực dân, đế quốc xâm lược thành môi trường rèn luyện, thử thách ý chí, lòng dũng cảm của người chiến sĩ cách mạng, thành trường học thực tiễn để học tập, bồi dưỡng lý luận cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với lịch sử nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đất nước ta qua cả 3 thời kỳ: đấu tranh giành chính quyền; kháng chiến cứu nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gần 70 năm hoạt động cách mạng vô cùng phong phú, oanh liệt trên khắp 3 miền của đất nước theo sự phân công của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có hơn nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với miền Nam, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí tám lần là người đứng đầu Đảng bộ Thành phố, vào những giai đoạn mang tính bước ngoặt của cách mạng: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn sau Cách mạng Tháng Tám, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong giai đoạn đánh thắng "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ, Bí thư Phân khu lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1972-1973 chống Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - Ngụy, phụ trách nổi dậy trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giành đại thắng, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh những năm tháng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất và trong thời kỳ bước ngoặt hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta.
    
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo tài năng và đức độ của Đảng ta. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là tấm gương tiêu biểu về rèn luyện đạo đức cách mạng, luôn giữ vững phẩm chất, khí tiết, tư cách của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đồng thời lại rất lặng lẽ, quyết liệt và giàu sức sáng tạo. Trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Bộ Chính Trị, Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội VII của Đảng khẳng định: Cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta nêu cao Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng.
    
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một nhà lãnh đạo tài năng, một tư duy sáng tạo, một trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam, một cuộc đời trung thực và giản dị, thấm đẫm nghĩa tình đồng bào, đồng chí, là tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Được rèn luyện và trưởng thành trong đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ của dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở thành một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhân dân và quân đội ta, được đồng chí, đồng bào tin yêu, kính trọng, người bạn tin cậy của bè bạn quốc tế. Quá trình suốt đời, học tập tích lũy, phấn đấu, rèn luyện của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với thực tiễn sinh động, tổng kết thực tiễn, đổi mới tư duy. Đồng chí là một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng. Trong suốt 30 năm kháng chiến, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kiên cường bám trụ lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam, phong trào cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đánh bại những âm mưu thâm độc, những thủ đoạn tàn bạo nhất của kẻ thù để đi đến thắng lợi cuối cùng. Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn với mọi bước ngoặt của cuộc chiến tranh, với những diễn biến tích cực của 3 vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn và đô thị, trên cả mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.     

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, hai lần trên cương vị Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn, những thí điểm về đổi mới cách làm có hiệu quả, rút ra những bài học kinh nghiệm để lãnh đạo Thành phố tiến lên, vượt qua gian nan thử thách của những năm đầu mới giải phóng, trong thời kỳ đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Từ thực tiễn sinh động của Thành phố đồng chí đã góp phần tích cực, tạo nên những tiền đề quan trọng cho việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới. Với tầm tư duy chiến lược, nhạy bén, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu ra và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc, đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị vững vàng, chủ động, sáng tạo trèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng.    
    
Với phong cách giản dị, chân thành, đồng chí luôn gần gũi nhân dân, tôn trọng nhân dân, hết lòng quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn trăn trở tìm tòi về một con đường làm ăn sao cho công cuộc cải tạo, xây dựng TP. Hồ Chí Minh theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa mà vừa tôn trọng được quy luật phát triển của một vùng đã tiếp cận với kinh tế thị trường, đã đạt tới nền sản xuất hàng hóa từ nhiều năm trước. Tư duy mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, thấu hiểu và nói rõ sự thật, đặc biệt là những thiếu sót, khuyết điểm; nhận ra những đòi hỏi khách quan của thực tiễn để đổi mới tư duy, đề ra "Những việc cần làm ngay" phù hợp với quy luật, để có thể giải quyết được tình trạng khủng hoảng, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, đưa cách mạng vượt qua khó khăn thử thách, tiếp tục tiến lên trong thời điểm có những biến động to lớn trên thế giới. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những người có công lao to lớn, góp phần hoạch định và chịu trách nhiệm cao nhất trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta; lãnh đạo công cuộc đổi mới ngày càng đi đến thắng lợi.
    
Đồng chí Lê Thanh Hải khẳng định: Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh là một tấm gương sáng để cho mỗi cán bộ, đảng viên noi theo. Đồng chí đã để lại những bài học sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, trong công tác dân vận, công tác mặt trận, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đó cũng chính là tư duy đổi mới, gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe nhân dân và thống nhất thực hiện, để làm sáng tỏ, tìm ra chủ trương, cách làm, bước đi, tổ chức thực hiện phù hợp nhất và góp phần xây dựng những quan điểm, đường lối của Đảng, mà quan trọng nhất là nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ta, vấn đề quan trọng hàng đầu, quyết định thành công sự nghiệp đổi mới.  
    
Đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Tưởng nhớ, biết ơn, học tập Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, các thế hệ ngày nay của Đảng bộ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyết tâm phát huy giá trị lịch sử, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới, nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập nâng cao nhận thức, trình độ về mọi mặt; tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trước hết, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trong đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước.
    
Hội thảo đã giới thiệu 92 bài trong tổng số gần 120 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh qua các thời kỳ, các nhân sĩ, trí thức. Các bài tham luận tập trung vào 3 chủ đề lớn: Đồng chí Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên trung, sáng tạo; Đồng chí Nguyễn Văn Linh, người gắn bó mật thiết với Đảng bộ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Đồng chí Nguyễn Văn Linh, một tấm gương sáng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong đó, có một số bài tham luận được chú ý như: "Đồng chí Nguyễn Văn Linh sống mãi trong tình cảm của đồng chí và đồng bào Nam Bộ" của nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; "Tư tưởng dân là gốc và bài học tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh" của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; "Đồng chí Nguyễn Văn Linh với công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội trong những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước" của Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Bình Ban, Viện trưởng Viện Lịch sử Công an...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất