Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Thanh Hóa

    Đồng chí Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn). 

Trước khi vào bản Sa Ná, xã Na Mèo, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã làm việc nhanh với lãnh đạo huyện Quan Sơn để nắm bắt tình hình chung.

Đồng chí Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác làm việc với lãnh đạo huyện Quan Sơn để nắm bắt tình hình chung.

Từ ngày 30-7 đến ngày 4-8-2019, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra giông lốc kèm theo mưa lớn, gây nhiều thiệt hại về người, nhà cửa, hoa màu, làm hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều,… ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc,... Đặc biệt, tại huyện Quan Sơn, Mường Lát, lũ đã làm 16 người chết và mất tích, 5 người bị thương; gần 1.300 ngôi nhà bị ngập trong nước, 402 ngôi nhà bị đổ sập, bị cuốn trôi và hư hỏng nặng; 27 ngôi nhà đang trong tình trạng nguy hiểm phải di dời khẩn cấp; hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, bị cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trường học, trạm y tế, công trình công cộng, hệ thống thông tin - viễn thông bị hư hại nặng nề, nhiều tuyến đường bị sạt lở dẫn đến nhiều xã bị cô lập, hàng nghìn gia đình hiện đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và cuộc sống.

Đồng chí Phạm Minh Chính động viên cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 414 Công binh (Quân khu 4).

Trong những ngày qua, với sự nỗ lực cao độ, tinh thần tất cả vì đồng bào vùng lũ, các lực lượng quân dân đã hiệp đồng giải tỏa ách tắc giao thông, lắp cầu phao qua sông Luồng... nên đường vào bản Sa Ná đã đỡ vất vả hơn.

Đồng chí Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, động viên cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 414 Công binh (Quân khu 4), đồng thời biểu dương, đánh giá cao nỗ lực bắc cầu phao thông đường vào bản của đơn vị.

Đồng chí Phạm Minh Chính động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ tại bản Sa Ná, xã Na Mèo.

Dọc đường vào bản, đồng chí Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã gặp gỡ, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông, hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, nhất là lực lượng vũ trang. Đồng chí đánh giá cao các đơn vị đã nhanh chóng giải tỏa các điểm giao thông bị ách tắc, bắc cầu phao qua sông Luồng, tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển hàng cứu trợ đến với đồng bào.

Đồng chí cũng động viện các đoàn cứu trợ đang trên đường vận chuyển hàng hóa cứu trợ vào Sa Ná, tiếp tục đồng hành hỗ trợ đồng bào vùng lũ bằng những hành động, nghĩa cử thiết thực, phù hợp với nhu cầu tại từng thời điểm của đồng bào.

Đồng chí Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo.

Trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi các gia đình bị mất nhà, có người tử vong và mất tích, đồng chí Phạm Minh Chính đã chia sẻ đau thương, mất mát cùng cực với các gia đình và động viên các gia đình nén đau thương, tập trung ổn định đời sống và tính phương án tái sản xuất về sau.

“Về nhà ở, sẽ có Đảng, Nhà nước, Quân đội, các lực lượng chức năng và nhân dân chung tay chăm lo cho bà con; về lâu dài phải tính toán bố trí công ăn việc làm cho bà con nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất” – đồng chí Phạm Minh Chính nhắn nhủ. Đồng chí đề nghị bà con trong bản tiếp tục tương trợ, đùm bọc nhau qua cơn hoạn nạn.

                   Đồng chí Phạm Minh Chính thăm hỏi, tặng quà cho người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo.

Làm việc tại hiện trường với lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh và nhất là phương hướng thời gian tới. “Làm gì để nhân dân có nhà để ở, có nhà văn hóa để sinh hoạt, học sinh có trường học?” – Đồng chí Phạm Minh Chính đề ra yêu cầu cụ thể.

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã báo cáo tình hình khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra: Bão số 3 kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lũ đã làm 8 người chết (huyện Mường Lát 3 người, huyện Quan Sơn 5 người); 8 người mất tích (huyện Quan Sơn); 5 người bị thương. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 679 tỷ đồng; trong đó thiệt hại về nhà ở khoảng 113,8 tỷ đồng; thiệt hại về cơ sở giáo dục khoảng 20 tỷ đồng; thiệt hại về nông, lâm nghiệp khoảng 33,5 tỷ đồng..., lớn nhất là thiệt hại về giao thông – khoảng 315 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra mưa lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, động viên cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã điều động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện phối hợp với các huyện Quan Sơn, Mường Lát tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Sở Giao thông – Vận tải đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị làm việc 24/24h để khắc phục các sự cố về giao thông; đến nay, giao thông cơ bản thông suốt. Các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương đã triển khai kịp thời công tác hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn, tổ chức mai táng người chết, tìm kiếm người mất tích; sơ tán dân; vệ sinh nhà cửa, môi trường nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền huyện Quan Sơn, Mường Lát phải coi việc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách ở địa phương; đồng thời phải tập trung cao nhất lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, sớm khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Huy động tối đa lực lượng, tập trung tìm kiếm bằng được người mất tích. Đồng thời tiếp tục động viên các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản. Bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt của người dân vùng bị thiệt hại, tuyệt đối không để cho một người dân nào bị thiếu đói. Đồng thời tìm kiếm, lựa chọn những khu vực phù hợp, bảo đảm an toàn, thuận tiện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân để xây dựng khu tái định cư.

Để sớm khắc phục hâu quả do mưa lũ gây ra, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ cho tỉnh 400 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để khắc phục, xử lý cấp bách các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, giáo dục, xây dựng các khu tái định cư, di dời khẩn cấp và xây dựng lại nhà ở cho nhân dân bị hư hỏng do mưa lũ. Hỗ trợ cơ số thuốc y tế, hóa chất phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng; hỗ trợ giống cây trồng để khôi phục sản xuất...

Tại buổi làm việc, đại diện huyện Quan Sơn, xã Na Mèo, bản Sa Ná và đại diện các lực lượng vũ trang đã báo cáo, làm rõ hơn về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Theo đó, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì các lực lượng, phương tiện, nỗ lực tìm kiếm người mất tích; động viên, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng lũ, nhất là bà con bản Sa Ná – nơi bị thiệt hại nặng nề nhất.

Tại bản Sa Ná, đồng chí Phạm Minh Chính cùng cán bộ, nhân dân, chiến sĩ có mặt, dành một phút mặc niệm những nạn nhân tử vong do mưa lũ.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đối với những gia đình bị mất người, mất nhà ở mà đoàn công tác chưa được gặp, chưa được thăm. “Đây là những nỗi đau, mất mát không gì bù đắp được” – đồng chí Phạm Minh Chính bày tỏ. Đồng thời mong muốn và đề nghị các gia đình nén đau thương, mất mát, sớm ổn định tinh thần, ổn định cuộc sống và sản xuất, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn.

Đồng chí Phạm Minh Chính biểu dương các cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, thống nhất, giúp đỡ lẫn nhau đã và đang khắc phục hậu quả lũ lụt gây ra. Biểu dương các lực lượng vũ trang – những người luôn có mặt đầu tiên bên cạnh nhân dân trong hoạn nạn, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn và các lực lượng khác đã kề vai sát cánh cùng chính quyền địa phương, bà con nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống, “nhất là những đơn vị có mặt ngay từ những phút đầu, đã thực hiện những việc quan trọng, có tính chất động lực, như tìm kiếm cứu nạn, lo hậu sự cho những người đã mất, giải tỏa ách tắc giao thông, bắc cầu, vệ sinh môi trường” – đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Bày tỏ xúc động trước tình cảm, nghĩa cử của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đồng bào từ khắp mọi miền Tổ quốc dành cho bà con nhân dân huyện Quan Sơn, xã Na Mèo, bản Sa Ná, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là biểu hiện rõ nét, sinh động truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta, nhân dân ta.

Đồng chí Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, cả những “nhà báo không chuyên”, đã lăn lộn, bám sát cơ sở, thông tin kịp thời diễn biến tình hình mưa lũ, đời sống đồng bào vùng lũ và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Đây là kênh thông tin quan trọng hỗ trợ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ lụt của Đảng, Nhà nước, của tỉnh; đồng thời lan tỏa hình ảnh của đồng bào vùng lũ, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt đến mọi miền Tổ quốc. Đồng chí đề nghị các phóng viên, nhà báo tiếp tục bám sát tình hình, tuyên truyền nhằm làm lan tỏa, nhân lên những hành động nghĩa tình, tốt đẹp ở vùng lũ. 

Đồng chí Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại bản Sa Ná.

Về phương hướng trong thời gian tới, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng và nhân dân tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tập trung nhân lực, phương tiện, bằng mọi biện pháp để tìm kiếm 8 người dân của bản Sa Ná còn mất tích. Lo hậu sự chu đáo cho các nạn nhân; đồng thời động viên chu đáo các gia đình cả về tinh thần lẫn vật chất.

Nắm chắc tình hình, ổn định tư tưởng cho bà con nhân dân. “Nén đau thương, biến đau thương thành hành động và hành động quyết liệt để ổn định tư tưởng, ổn định đời sống, ổn định sản xuất cho nhân dân” – đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Phải sớm tìm địa điểm, đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu tái định cư, “các khu tái định cư phải được xây dựng với phương châm nhanh chóng – an toàn – tiết kiệm – hiệu quả và phải xong trước ngày 30-11-2019” – đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu. Bên cạnh đó, các khu tái định cư phải được kết nối điện – nước đồng bộ, phải bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, môi trường.

Khẩn trương xây dựng xong điểm trường, phục vụ việc học tập của các cháu học sinh 2 bản Son và Sa Ná, chậm nhất trong tháng 9 phải hoàn thành. Cùng với đó, phải hoàn thành nhà văn hóa để bà con có không gian sinh hoạt động đồng, là cơ sở để chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con, nhất là sau biến cố vừa qua.

Ngay sau lũ, cấp ủy, chính quyền các cấp phải nghiên cứu, tổ chức lại cơ cấu đất đai, cơ cấu cây trồng cho bà con, phục vụ sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, phải sớm có giải pháp khôi phục cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.

Một trong những vấn đề cần lưu ý là phải tổ chức tiếp nhận và phân phối nguồn tiền, hàng cứu trợ một cách khoa học, công bằng, “có như vậy mới tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân” - đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý.

Về lâu dài, đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Thanh Hóa cần tổ chức nghiên cứu tình hình, đánh giá, rút kinh nghiệm từ diễn biến của cơn bão vừa qua đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt tại các địa phương. Kịp thời tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác cứu hộ, cứu nạn, tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt; song phải kịp thời xử lý, phê bình những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, vô cảm với nhân dân.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Thanh Hóa để báo cáo Trung ương xem xét, hỗ trợ.







Nhân dịp này, các doanh nghiệp, nhà tài trợ cùng đi với đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương đã trao ủng hộ huyện Quan Sơn khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng. Trong đó các doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp -  Viễn thông Quân đội, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, đã trực tiếp trao hỗ trợ cho huyện Quan Sơn, mỗi đơn vị 5 tỷ đồng; còn lại được chuyển qua kênh Ủy ban MTTQ huyện Quan Sơn.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất