Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội
Chiều 3-8-2011, đồng chí Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sáu tháng cuối năm 2010 và sáu tháng đầu năm 2011, Tờ trình nêu rõ, về cơ bản, công tác xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua đã kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn những hạn chế cần phải được khắc phục. Cụ thể là có một số dự án được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng phải điều chỉnh nhiều lần. Một số dự án chưa được xem xét một cách toàn diện về nội dung, phạm vi điều chỉnh, khả năng, điều kiện thực tế và đặc thù của lĩnh vực cần điều chỉnh nên khi triển khai không bảo đảm tiến độ và chất lượng. Sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan còn thiếu chặt chẽ. Việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập đối với một số dự án luật còn chậm hoặc có thành lập nhưng hoạt động kém hiệu quả. Nội dung một số luật, pháp lệnh được ban hành vẫn còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể nên sau khi ban hành phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết mới thực hiện được, nhưng việc ban hành các văn bản này lại không bảo đảm tiến độ.


Năm 2011, theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh tiến độ 2 dự án luật, bổ sung 4 dự án luật khác và 1 dự thảo nghị quyết trong Chương trình năm 2011. Đồng thời, để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình kỳ họp thứ nhất xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quán triệt một số định hướng cơ bản: Thể chế hóa kịp thời các văn kiện Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Đảm bảo ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Hướng trọng tâm vào xây dựng và ban hành các đạo luật trực tiếp góp phần chống suy giảm kinh tế, chủ động phòng, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; củng cố tổ chức bộ máy nhà nước cùng với những định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Ưu tiên những dự án còn lại thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII, các dự án có yêu cầu cần thiết và đã có thuyết minh rõ ràng; bố trí các dự án trong từng kỳ họp theo thứ tự ưu tiên, đồng thời tính đến khả năng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, thời gian vật chất dành cho việc soạn thảo, thẩm tra, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan.


Căn cứ vào các định hướng nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 gồm 28 dự án luật, 1 dự án nghị quyết, 2 dự án pháp lệnh trong Chương trình chính thức, 27 dự án luật, 2 dự án pháp lệnh trong Chương trình chuẩn bị.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất