Dự thảo Luật Thủ đô còn nhiều ý kiến khác nhau
Ủy viên UB TVQH, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2010), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung của dự án Luật. Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho rà soát lại các cơ chế, chính sách này theo một số nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, cơ chế, chính sách đặt ra phải thực sự đặc thù mà với các quy định của pháp luật hiện hành thì không thể giải quyết được những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô, đồng thời phải làm rõ được tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách đó;
Thứ hai, các cơ chế, chính sách đặt ra phải bảo đảm tính ổn định, hợp lý, khả thi và không trái với quy định của Hiến pháp;
Thứ ba, do các cơ chế, chính sách đặc thù hầu hết là khác với quy định trong các đạo luật hiện hành, cho nên để có thể thi hành được sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thì cần phải quy định rõ ngay trong Luật này. Chỉ những vấn đề nào đòi hỏi phải quy định rất cụ thể, chi tiết thì mới giao cho các cơ quan khác theo thẩm quyền quy định.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Tp.Hà Nội): chúng ta cũng đã thấy là sự cần thiết của dự thảo luật này và cách làm việc lẽ ra luật này theo tiến độ đã được thông qua năm ngoái. Nhưng vì đảm bảo chất lượng thì chúng ta đã kéo dài đến năm nay và đã đến lúc không nên chỉ vì một số những cái chúng ta nặng về câu chữ mà chúng ta lại đẩy sang lần sau thì tôi thấy điều đó rất không nên.
Đại biểu Nguyễn Đức Nhanh (Tp.Hà Nội): để từng bước xây dựng một Thủ đô hiện đại, văn minh như chúng ta mong muốn,  rất mong Quốc hội sớm thông qua dự án Luật Thủ đô.
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Tp.Hà Nội): mong muốn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII cũng là kỳ họp cuối cùng, chúng ta đã dự kiến thông qua từ kỳ họp thứ 7 mà không được xét đến, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu những ý kiến của các đại biểu Quốc hội cần chỉnh lý một số vấn đề thì chỉnh sửa để có thể kịp thời thông qua.
Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An): Đánh giá chung về dự án luật thấy cơ bản bảo đảm được ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Nếu được chỉnh lý, rà soát tiếp mà tốt thì có thể thông qua được trong kỳ họp này. Chúng ta làm Luật Thủ đô nói chung và bất cứ luật nào cũng vậy có tính thời điểm, tất nhiên quan hệ pháp luật phải ổn định nhưng nó có tính giai đoạn. Bây giờ có thể Hà Nội đang làm là đặc thù của nước ta, đây là những vấn đề các nơi khác chưa được thực hiện, sẽ đến lúc nào đó cơ chế này không còn đặc thù nữa, những vấn đề hiện nay quy định cho Hà Nội có khi cũng phải quy định để áp dụng rộng rãi.
Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Tp.Hà Nội): Đây là luật khó, khó nhất trong các luật là một loại hình pháp luật đặc thù, luật tổng hợp, động chạm đến rất nhiều những định chế pháp luật khác, từ đất đai, môi trường, quản lý dân cư, đặc biệt động chạm đến cả một hiến định, tức là những qui phạm của Hiến pháp nói về các quyền công dân. Cho nên tôi thấy đây là luật cần phải được bàn thảo một cách thật căn cơ và kỹ hơn để khi chúng ta thông qua thì không băn khoăn gì cả, mặc dầu tôi vẫn ủng hộ tinh thần thông qua tại kỳ họp lần này. Thứ hai, phải nhấn mạnh các qui phạm về hướng, về việc xây dựng những tiêu chí đặc biệt, hay là những qui phạm đặc biệt của Hà Nội. Thứ ba, vậy khi chúng ta áp dụng những gì đặc biệt nếu có thể làm được, thì liệu có mất đi tính thống nhất của hệ thống pháp luật chúng ta hiện hành hay không? Bởi vì hệ thống pháp luật hiện hành, luật pháp bao giờ cũng bảo đảm tính thống nhất trong cả nước
Cuối cùng, có thể nói chúng ta cần thông qua Luật Thủ đô, bởi vì Thủ đô rất cần được phát triển. Nếu phải thông qua kỳ họp lần này thì có lẽ nên có một số định chế nói chung hay có một số quy phạm bao trùm hơn để Hà Nội có điều kiện về mặt pháp lý hoặc có cơ sở pháp lý thực hiện. Khi chúng ta chưa cụ thể hóa những cơ sở pháp lý khác thì nên có một điều phủ toàn bộ các điều khác trong luật để Hà Nội có cơ sở pháp lý thực hiện. Chúng tôi muốn mọi chính sách hay mọi tiêu chí Hà Nội ban hành đều dứt khoát không được vi phạm các nguyên tắc của pháp luật hiện hành, chứ không người dân địa phương khác bảo Hà Nội có gì đó khác.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tập trung vào hai vấn đề chưa đạt được sự nhất trí cao giữa các đại biểu Quốc hội, đó là một số cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội và quản lý dân cư.
Nội dung thứ nhất là cơ chế đặc thù về tài chính, tán thành giao cho Thủ đô những cơ chế đặc thù về tài chính, tuy nhiên cần quy định cho thật cụ thể. Nếu quy định về cơ chế đặc thù tài chính ở Thủ đô thì nên nhìn vấn đề rộng ra cả các địa phương khác. Thứ hai, cơ chế đặc thù về đất đai, Hà Nội có một vốn đất  lớn, đặc biệt sau khi mở rộng, đó là điều mà các địa phương khác không có. Đất Thủ đô là đất vàng, nhưng điều chúng ta nhìn thấy rất rõ là ở Thủ đô qui hoạch còn lộn xộn. Thứ ba, cơ chế đặc biệt về trật tự, an ninh, rất mong luật đề ra những cơ chế đặc biệt để đảm bảo trật tự, an ninh ở Thủ đô do vị trí đặc thù của Thủ đô. Thứ tư, là vấn đề quản lý dân cư đặt ra ở đây là ai được nhập cư vào nội thành. Và đặc biệt ở trong luật này không tính đến những đô thị khác ở ngoài nội thành như Sơn Tây, Xuân Mai, cũng bắt đầu quá tải, nếu như không quy định thì sau này vẫn phải giải quyết việc của các đô thị đó . Những đô thị đó sau này lại là nội thành thì lúc đó lại phải tiếp tục giải quyết một bài toán đáng lẽ phải nhìn từ trước. Thứ năm, một số quy định ở trong luật này không đề cập tới nông thôn. Đại biểu Thuyết nhấn mạnh: ai cũng mong muốn Luật Thủ đô được thông qua tại kỳ họp này của Quốc hội khóa XII để tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển. Nếu luật làm chưa kỹ, không có tác dụng thì chưa nên thông qua luật.
Đại biểu Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương): Thông thường các luật Quốc hội đã thông qua thì ở phần đầu-các điều nói về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nhưng trong dự thảo luật này tôi thấy chưa đề cập đến đối tượng áp dụng của luật này là những đối tượng nào.
Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.Hồ Chí Minh), ủng hộ việc chúng ta có Luật Thủ đô để xứng đáng đưa Hà Nội tương xứng với Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 100 triệu dân trong tương lai. Tuy nhiên với dự thảo lần này tôi cho chưa đạt yêu cầu vì:
Trước tiên, Thủ đô Hà Nội có 2 nhóm đặc thù: Đặc thù thứ nhất là địa vị chính trị và pháp lý, đặc thù này không có nơi nào có được, chỉ ở Thủ đô mới có. Tuy nhiên để giải quyết đặc thù này đụng tới Hiến pháp, đụng tới thể chế tổ chức Nhà nước hiện nay chúng ta chưa làm được. Do đó trong suốt dự thảo này trừ Chương I có một số câu chung chung chưa đặt vấn đề như một số Thủ đô khác. Đặc thù thứ hai, Hà Nội với tư cách là đô thị đặc biệt có quy mô chứ không phải đô thị quy mô, Hà Nội có tất cả đặc điểm giống như Thành phố Hồ Chí Minh hoặc bất cứ đô thị nào khác. Chính luật này chủ yếu ở Chương II quy định những đặc thù do quy mô đô thị chứ không phải do Thủ đô, đó là điểm rất nổi bật.
Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau): Thủ đô là của cả nước và cũng là của các cơ quan Trung ương cũng như ngoại giao đặt ở đó, cho nên tôi thấy trách nhiệm không phải chỉ có Thủ đô mà trách nhiệm chung của Trung ương, trong đó trách nhiệm Trung ương khá lớn về vấn đề này. Cho nên, trong cách thể hiện luật sẽ như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk): Khoản 7 Điều 3 là "xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, hoạt động công khai, minh bạch, phù hợp với vị trí, vai trò của Thủ đô". Như vậy chỉ có Thủ đô với vị trí, vai trò của mình thì chính quyền mới hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch hay sao, còn các tỉnh khác, các thành phố khác thì ngược lại hay sao? Khoản 5 Điều 11 là "trong nội thành không được mở rộng diện tích sử dụng đất", đất đâu mà mở rộng nữa. Như vậy điều này hạn chế việc tăng tầng lên cao, người ta không mở rộng diện tích sử dụng đất, người ta sử dụng không gian cho rất nhiều nhà cao tầng ở trung tâm Thủ đô có được không? Cho nên câu này không rõ nghĩa. Bên cạnh đó còn "quy mô giường bệnh cho bệnh viện hiện có không được mở rộng". Người ta nói là sẽ không có tình trạng 2 người một giường thì có nghĩa là sẽ có 3 người một giường hoặc hơn nữa. Hiện nay bệnh viện hết sức căng thẳng, mà chỗ nào có dân thì phải có bệnh viện, nhất là Bệnh viện Tim, cấp cứu chậm 10 phút là chết mà lại đi tận Sóc Sơn thì không kịp. Cho nên tôi nghĩ, Khoản 3, Điều 12 cũng nói có lộ trình để đưa một loạt các trường đại học, học viện, bệnh viện, trường cao đẳng v.v... ra ngoại thành, liệu có khả thi hay không. Bởi vì có thể xây khu tập thể cho sinh viên nhưng có thể xây khu gia đình cho các giáo sư, các giáo viên chuyển ra Mê Linh, Sóc Sơn ở được không. Các giáo sư đi từ nội thành mấy chục km để đi dạy thì có đi được không, những điều đó tôi thấy không khả thi, trừ trường hợp là những trường mới xây dựng còn những trường lớn là rất khó. Đại học Quốc gia đã có dự kiến di chuyển từ lâu lắm rồi nhưng cũng không di chuyển được. Tôi không hiểu lộ trình này là lộ trình trong bao nhiêu năm và sẽ thực hiện như thế nào.
Có đồng chí bộ đội nói là phải đưa chuyện quốc phòng vào đây, tôi nghĩ không phải, chuyện quốc phòng, chuyện ngoại giao là chuyện của quốc gia chứ không phải đưa vào luật của từng địa phương. Ở đây đưa an ninh, trật tự, an toàn xã hội là đúng nhưng quốc phòng không nên đưa vào luật của từng địa phương, quốc phòng là chuyện đại sự quốc gia là một thể thống nhất của cả nước.
Đại biểu KSor Phước (KPă Bình)  - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Chung qui lại tôi thấy còn rất lúng túng về dự án luật này, vì muốn đặc thù nhưng đặc thù quá thì không khéo như tôi thường nói là biến Thủ đô Hà Nội thành khu tự trị trong một tổ quốc là không nên. Không có một quốc gia nào mà Thủ đô lại tự trị, đó một điều đặc biệt vô lý. Như vậy trong dự án luật chúng ta xem thử có vấn đề gì mới mà luật chưa quy định thì đưa thẳng vào đây, tức là ngoài việc áp dụng bình thường  theo luật hiện hành, ở đây chỉ nêu những vấn đề mới mà luật chưa quy định, những vấn đề đó thuộc thẩm quyền của Hà Nội hay thuộc thẩm quyền của Trung ương cho rõ ràng. Thẩm quyền của Hà Nội, tôi nghĩ rằng vẫn như các luật khác, kể cả Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Tôi đề nghị vấn đề nào mà luật đã ban hành và cả nước đã thực hiện thì cứ để như vậy, chỉ những vấn đề mới thúc đẩy Thủ đô Hà Nội thì bổ sung thêm. Nếu đưa vấn đề mới thì phải quy định rõ ai có thẩm quyền quyết định và ai tổ chức thực hiện, tôi đề nghị phải ghi rõ.
Ghi nhận các đóng góp sôi nổi, thẳng thắn của đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, từ nay đến cuối kỳ họp, ban soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp và báo cáo để Quốc hội xem xét thông qua.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất