Giáo dục - Đào tạo cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 17-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và việc chuẩn bị Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế".

Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và các cán bộ chủ chốt các đơn vị cục, vụ, viện, hiệu trưởng các trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Báo cáo Tổng Bí thư về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nêu rõ: Ngay sau Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nghiêm túc các đợt học tập Nghị quyết, quán triệt chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”; xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Ban Cán sự Đảng chỉ đạo toàn ngành tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các lĩnh vực công tác, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục đã chủ động chuyển từ hướng phát triển quy mô sang nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội; coi việc nâng cao chất lượng và tuân thủ quy hoạch phát triển nhân lực là mục tiêu của phát triển giáo dục đào tạo. Đổi mới tư duy quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, ngành chủ trương thực hiện: tách bạch quản lý nhà nước với quản trị của các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, không làm thay nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống.

Cùng với tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc như dạy thêm học thêm tràn lan, tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bệnh thành tích và không trung thực trong giáo dục, toàn ngành đã tập trung thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; điều chỉnh, xử lý những bất hợp lý trong nội dung dạy học ở bậc phổ thông theo hướng tinh giản, tích hợp các môn học nhằm giảm tải cho học sinh, thí điểm áp dụng một số mô hình dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm; tạo điều kiện, hỗ trợ giúp trẻ em và học sinh đến trường, không để học sinh bỏ học do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở; lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương, khuyến khích học sinh phổ thông tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học; đổi mới công tác tổ chức thi, cách ra đề thi, nhất là các môn tự luận (văn, sử, địa...) theo hướng mở, chú ý phát huy tính sáng tạo, khả năng tổng hợp kiến thức của học sinh gắn với các vấn đề thời sự của đất nước.

Ý kiến phát biểu của đại diện các ban, bộ, ngành tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc những kết quả, thành tích mà ngành giáo dục cả nước đã đạt được, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và những công việc cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới, nhằm tạo bứt phá, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Nhiều ý kiến nhất trí cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục, nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng thực tế hơn, hiệu quả hơn. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hội nhập khu vực và thế giới, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục; quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, có cơ chế, chính sách thỏa đáng cho cán bộ, giáo viên với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; tăng cường kết nối giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Bên cạnh đó, ngành cần giải quyết kịp thời một số vấn đề nổi cộm, ngăn chặn, xử lý triệt để các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã điểm lại những định hướng, quyết sách lớn về phát triển giáo dục đào tạo đã được thực hiện mang lại kết quả bền vững thời gian qua, cho thấy cam kết của Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục. Nổi bật là việc lần đầu tiên Chính phủ đã phê duyệt và thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên, góp phần nâng tỷ lệ trường lớp học kiên cố từ 52% lên 72% sau 4 năm. Lần đầu tiên chúng ta triển khai xây ký túc xá cho sinh viên; thực hiện hỗ trợ tín dụng giúp 2,1 triệu sinh viên nghèo có cơ hội học lên cao. Nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng khó khăn cũng lần đầu được thực hiện như: Đề án phát triển hệ thống trường PT Dân tộc nội trú, hỗ trợ tiền ăn hàng tháng cho học sinh dân tộc; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi;... góp phần đảm bảo công bằng và tăng cơ hội học tập cho đối tượng khó khăn. Giáo dục mũi nhọn cũng được quan tâm với việc lần đầu tiên có một Đề án dành riêng cho phát triển hệ thống trường chuyên; bắt đầu triển khai đề án phát triển dạy và học ngoại ngữ, đưa giáo dục Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế; ... Chỉ thị 296/2010 xác định Đổi mới quản lý là khâu đột phá của giáo dục đại học cũng đã đi vào thực tế và được tiếp tục nhân ra các bậc học khác, cho thấy bước chuyển động đúng hướng của toàn ngành...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng, giúp Đảng, Nhà nước chăm lo sự nghiệp trồng người. Nhân dịp chuẩn bị bước vào năm học mới 2012-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần gửi tới các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành giáo dục và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời thăm hỏi thân ái, lời chức mừng tốt đẹp nhất.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương ngành giáo dục đã thực hiện tốt những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về giáo dục và đã đạt nhiều kết quả, thành tích quan trọng. Trong điều kiện nguồn lực thấp kém, còn nhiều khó khăn, nền giáo dục nước nhà đã phát triển cả về quy mô, mạng lưới, phong phú đa dạng về loại hình đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế... đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân, hơn 80 triệu dân, 22 triệu người đi học. Đặc biệt, chúng ta đã quan tâm đến các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc, các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục - đào tạo... Đây là thành tựu chung của cách mạng, của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp nỗ lực của những người làm công tác giáo dục đào tạo.

Thời gian gần đây, nhất là từ sau Đại hội XI đến nay, qui mô giáo dục, mạng lưới giáo dục tiếp tục có bước phát triển, đáp ứng tốt hơn yêu cầu học tập của nhân dân, chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo có tiến bộ, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, cải thiện dần về chất lượng. Công tác quản lý giáo dục có bước chuyển biến tích cực theo hướng tách quản lý nhà nước với quản trị của các cơ sở giáo dục. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục cũng được cải thiện. Hoạt động xã hội hóa và huy động các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ sự nghiệp giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là trong năm học đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, toàn ngành đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu và thu được những kết quả tốt đẹp. Các phong trào thi đua của ngành đã đi vào chiều sâu, với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong cả ba khối: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và dạy nghề. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, cao đẳng năm nay được tổ chức tốt; ít có dịp nào tất cả các đoàn học sinh Việt Nam tham gia thi học sinh giỏi quốc tế đều có giải và giành nhiều huy chương như vừa qua...

Cùng với việc quan tâm lãnh đạo, tổ chức quản lý giáo dục một cách trực tiếp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, làm nhiều việc có ý nghĩa quan trọng cho sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của ngành giáo dục nói riêng và đất nước nói chung. Đó là việc xây dựng một loạt các văn bản, chiến lược, đề án như Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020; Chiến lược phát triển dạy nghề 2011-2020; Chiến lược Phát triển giáo dục 2011-2020, đặc biệt là đã tham gia xây dựng Luật Giáo dục Đại học và đang tích cực chuẩn bị Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đồng thời, Bộ đã chăm lo củng cố, kiện toàn tổ chức nội bộ, xây dựng tập thể lãnh đạo đoàn kết, thống nhất.

Thời gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo của chúng ta còn thấp, chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức, giáo dục nghề nghiệp ở cấp đại học; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người và dạy nghề. Giáo dục đào tạo có nơi, có lúc còn bị thương mại hóa, chạy theo lợi ích cục bộ, chạy theo bằng cấp còn khá phổ biến. Cũng có nơi còn chạy theo thành tích ảo, chưa gắn chặt đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo về cơ bản vẫn đào tạo theo khả năng, chưa đào tạo theo nhu cầu xã hội. Năng lực nghề nghiệp của nhiều học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Khả năng tự học, tự nghiên cứu, tác phong công nghiệp, kỹ năng thực hành, khả năng giao tiếp, hợp tác trong công việc của người học còn hạn chế. Trình độ ngoại ngữ, hiểu biết về công nghệ hiện đại của nhiều học sinh, sinh viên còn có khoảng cách khá xa, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế. Chất lượng giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề còn chưa theo kịp trình độ phát triển khoa học công nghệ và sự phát triển của xã hội.

Công tác quản lý giáo dục mặc dù có chuyển biến tốt, nhưng còn nhiều vấn đề phải tiếp tục đổi mới, cải tiến. Công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước còn bất cập, chậm đưa ra những quyết sách đồng bộ và hợp lý ở tầm vĩ mô để tháo gỡ khó khăn cho giáo dục. Hệ thống pháp luật, chính sách phát triển giáo dục còn thiếu đồng bộ và chậm đổi mới. Quản lý hệ thống giáo dục còn phân tán, phân cấp quản lý chưa hợp lý. Chất lượng giáo dục còn yếu kém, kỷ cương trong quản lý giáo dục đào tạo có nơi, có lúc còn bị buông lỏng. Nhiều hiện tượng tiêu cực trong giáo dục đào tạo gây bức xúc xã hội chậm được khắc phục.

Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, thi, kiểm tra, đánh giá... chậm được đổi mới, có mặt còn xa rời thực tiễn, hiệu quả chưa cao, nội dung giáo dục dù đã cố gắng đổi mới, nhưng còn nặng về lý thuyết, chưa phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.... Chương trình giáo dục phổ thông còn nặng, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục và công tác nghiên cứu khoa học còn hạn chế...

Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất phong phú, đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các cấp, các ngành, đến toàn xã hội. Tổng Bí thư đề nghị, ngành giáo dục - đào tạo bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, các chiến lược Chính phủ đã phê duyệt, các văn bản pháp luật đã ban hành, đồng thời xuất phát từ thực tiễn, để xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ của ngành và kiên trì thực hiện.

Tổng Bí thư lưu ý, cần có tầm nhìn chiến lược, dài hạn. Chúng ta đã 3 lần tiến hành cải cách giáo dục, vì sao lúc này phải đặt vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo? Cần làm rõ nội hàm hàm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phải chăng là đổi mới từ tư duy, mô hình, hệ thống tổ chức giáo dục, cơ chế vận hành, cơ chế quản lý, loại hình giáo dục, rồi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất, nguồn lực, điều kiện bảo đảm thực hiện đổi mới... Trong thời kỳ đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, cần hình thành một triết lý về giáo dục, chú ý phát triển khoa học giáo dục Việt Nam, coi đây là nền tảng lý luận để tiến hành đổi mới giáo dục.

Tổng Bí thư đề nghị, trước mắt cần tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ trong một số lĩnh vực, quan tâm hơn nữa việc dạy đạo đức làm người, bỗi dưỡng rèn luyện nhân cách con người, như Bác Hồ từng dạy: học là để làm người, rồi mới làm cán bộ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý; phân cấp quản lý là đúng, nhưng không được buông lỏng kiểm tra, giám sát; đồng thời phải quan tâm giải quyết tốt những vấn đề bức xúc trong giáo dục - đào tạo.

Tổng Bí thư đề nghị ngành giáo dục - đào tạo hết sức quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là điều kiện để bảo đảm thực hiện tốt những việc chúng ta đã đề ra. Cùng với cơ chế, chính sách, luật pháp, cần có tổ chức chặt chẽ, con người - cán bộ trong sạch. Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kiên trì trong toàn ngành, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương.

Tổng Bí thư nhất trí cho rằng, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, là trách nhiệm chung, trước hết là nhà trường, gia đình và xã hội, các đoàn thể. Ai cũng phải giáo dục, tự mình giáo dục mình, rèn luyện mình, người đi giáo dục cũng phải được giáo dục... Tổng Bí thư mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất, đôn đốc, phối hợp... nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó - chăm lo sự nghiệp trồng người.

Nguồn: TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất