Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả sau bão Yagi
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội cây xanh đổ gãy la liệt.

Nhiều tuyến phố ở Hà Nội cây xanh đổ gãy la liệt.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng sớm ngày 8-9, nhiều tuyến phố vốn nổi tiếng là đẹp ở Hà Nội đã tan hoang sau bão, hai hàng cây bên đường đổ la liệt. Nhiều người dân sinh sống lâu năm ở đây cho biết, chưa từng thấy cảnh tượng như vậy.

Nhiều ô tô ở Hà Nội hư hỏng do cây đổ.

Nhiều ô tô ở Hà Nội hư hỏng do cây đổ.

Cây đổ đè lên ô tô ở quận Long Biên (Hà Nội)

Cây đổ đè lên ô tô ở quận Long Biên (Hà Nội)

Báo cáo từ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, tính đến 23 giờ ngày 7-9, trên địa bàn Hà Nội có 2.215 cây đổ và gãy cành, trong đó, có 1.617 cây đổ, 598 cây gãy cành. Cụ thể, địa bàn thành phố quản lý theo phân cấp có 1.603 cây đổ, 583 cây gãy cành; địa bàn quận quản lý (theo thống kê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội có 14 cây đổ, 15 cây gãy cành). 

Số cây đổ tập trung chủ yếu ở các quận, huyện: Long Biên, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì, đường Võ Chí Công - Võ Nguyên Giáp, Đại Lộ Thăng Long,  Đan Phượng, Phúc Thọ…

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của người dân. Cập nhật thiệt hại bước đầu đến 7 giờ ngày 8-9 có 5 người chết (trong đó Quảng Ninh 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1), đặc biệt, sáng 8-9, tại xóm Chẩm, xã Tân Minh huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ sạt lở đất vào 1 hộ gia đình làm 4 người chết, 1 người bị thương. Bão làm bị thương 186 người (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 13, Hải Dương 5, Hà Nội 10); 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Đồng thời, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gây đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gầy đổ, cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đồ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...

Về nông nghiệp hiện có 121.500 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại (tập trung tại Thái Bình 76.345 ha; Hải Phòng 6.750 ha; Hải Dương 11.200 ha; Hà Nội 6.218 ha; Nam Định 2.800 ha; Hưng Yên 11.923 ha; Hà Nam 7.418 ha; Bắc Ninh 8.977 ha....); 5.027 ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng 1.000 ha; Thái Bình 1.385 ha, Hưng Yên 1.818 ha....); trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, từ ngày 8- 9-9, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24 giờ có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương.

Hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và người dân nơi có bão số 3 đi qua đang tập trung cao nhất cho việc khắc phục hậu quả và tiếp tục ứng phó với hoàn lưu sau bão, tránh thiệt hại thấp nhất về người và tài sản.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau bão.

Các cấp huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" một cách linh hoạt, thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ với các tình huống.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố chủ động nắm sát tình hình địa bàn cơ sở theo sự phân công; triển khai nghiêm, hiệu quả, chặt chẽ các phương án phòng, chống bão, lũ; tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, những địa bàn xung yếu, những nơi có nguy cơ mất an toàn đối với người dân, như: có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhà cửa có nguy cơ sụt lún, đổ sập; chỉ đạo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tránh trú an toàn; kiên quyết di dời người dân ra khỏi chung cư nguy hiểm, nơi cư trú có nguy cơ mất an toàn, người dân thuyền chài, các tàu, thuyền, bè trên sông, hồ vào nơi tránh trú an toàn.

Đặc biệt, các cấp ủy Đảng chỉ đạo hệ thống chính trị nắm bắt sâu sát tình hình nhân dân; huy động sự vào cuộc của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhất là đoàn viên thanh niên, phụ nữ quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất