Ngày 27-9, HĐND TPHCM khóa VIII tổ chức Kỳ họp thứ 11 về chuyên đề: Đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM. Các đại biểu nghe UBND TP báo cáo tờ trình Đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM; thảo luận và thông qua Nghị quyết về Đề án thí điểm chính quyền đô thị.
Đề án Chính quyền đô thị đã được TPHCM tổ chức 7 hội nghị lấy ý kiến và đã nhận được 1.150 ý kiến góp ý. Theo dự thảo đề án, chính quyền đô thị TPHCM được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương có hai cấp: chính quyền TPHCM và chính quyền cấp cơ sở (gồm bốn TP trực thuộc TPHCM được thành lập mới, các xã và thị trấn). Cụ thể: chính quyền TPHCM trực thuộc Trung ương, có HĐND và UBND TP. Đô thị hiện hữu (13 quận nội thành) thuộc chính quyền TPHCM và ở quận, phường chỉ có Ủy ban hành chính (thay vì UBND như hiện nay). Bốn thành phố được lập mới (tạm gọi là Đông, Tây, Nam, Bắc) là những đô thị mới, được tổ chức thành một cấp chính quyền cơ sở, có HĐND TP và UBND TP (thuộc TPHCM); dưới bốn TP trực thuộc có Ủy ban hành chính các phường. Ba thị trấn và 35 xã là chính quyền cơ sở (có HĐND và UBND). Riêng tại ba huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ sẽ lập cơ quan đại diện hành chính của chính quyền TPHCM (thay vì UBND huyện như hiện nay), chỉ thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước theo cơ chế ủy nhiệm (hoặc ủy quyền) của chính quyền TPHCM.
Đề án đưa ra đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND TPHCM tối thiểu là 150 đại biểu so với 95 đại biểu được bầu ở nhiệm kỳ hiện tại, (tăng thêm 55 đại biểu), đồng thời tăng số đại biểu chuyên trách tối thiểu bằng 1/3 tổng số đại biểu. Thường trực HĐND TPHCM gồm chủ tịch, các phó chủ tịch (hiện chỉ có 1) và các ủy viên là trưởng các ban của HĐND TP (chuyển ủy viên thường trực HĐND TP thành phó chủ tịch HĐND TP).
Theo đề xuất của đề án, cơ chế bầu chủ tịch UBND TP vẫn giữ như hiện tại. Theo đó, chủ tịch UBND TP do chủ tịch HĐND TP giới thiệu để HĐND TP bầu và được Thủ tướng phê chuẩn. Tuy nhiên, đề án đề xuất chủ tịch UBND TP không nhất thiết là đại biểu HĐND cùng cấp chính quyền (khác với hiện nay chủ tịch UBND là đại biểu HĐND).
Đa số các đại biểu đồng tình và tán thành việc xây dựng chính quyền đô thị TPHCM. Tuy nhiên khi có Nghị quyết của Quốc hội cho phép TPHCM thực hiện triển khai đề án cần phải thận trọng, chặt chẽ có bước đi hợp lý, cán bộ quản lý cần đáp ứng được yêu cầu khi đề án được vận hành; tránh xáo trộn không cần thiết đến tác động đời sống của người dân; bảo đảm cuộc sống người dân…
Phát biểu kết luận kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhất trí cơ bản nội dung thực hiện đề án chính quyền đô thị TPHCM và nhấn mạnh: Xây dựng mô hình chính quyền phù hợp với đô thị đặc biệt như TPHCM là cần thiết và rất cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của TP, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền TP, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, chính quyền đô thị phải giảm được tầng nấc trung gian, tinh gọn bộ máy, trách nhiệm rõ ràng. Chính quyền TP trực thuộc Trung ương phải có tính bao quát, xây dựng chủ trương, chính sách theo thẩm quyền được phân cấp, có thời gian để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, chính quyền cơ sở phải sát dân, gần dân, giải quyết công vụ chuyên nghiệp, phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư. Chính quyền đô thị là yêu cầu của thực tiễn nhằm phát triển TPHCm thành một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao lưu và hợp tác, hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức hút lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TP tiếp thu ý kiến đại biểu HĐND TP, hoàn chỉnh đề án với các thủ tục trình Chính phủ đúng quy định. Đồng chí cũng kêu gọi đồng bào cử tri TP ủng hộ và đồng thuận góp ý đề án, góp phần xây dựng chính quyền TP trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, thực sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Nhật Thụy