Hiến pháp kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân

Chiều 26-12, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và các vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên của Ủy ban, cùng các chuyên gia, nhà khoa học thành viên Ban biên tập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu lưu cho biết việc triển khai hoạt động sửa đổi Hiến pháp năm 1992 diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần làm việc dân chủ, trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc và khoa học, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy, ban hành các văn bản cần thiết phục vụ hoạt động của Ủy ban; tiến hành tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan để chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội thông qua.

Những công việc được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiến hành đã bám sát mục đích, yêu cầu, quan điểm cơ bản, định hướng lớn của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội.

Ngay từ khi thành lập (8/2011), xác định việc tổng kết thi hành Hiến pháp có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã chỉ đạo việc tổng kết phải đánh giá những kết quả đã đạt được, xác định những vấn đề không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, từ đó kiến nghị, đề xuất sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng tích cực nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của các nước trên thế giới để có những kiến nghị phù hợp cho việc sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam.

Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng thành công của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; khẳng định với tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, khoa học, trách nhiệm cao, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã hoàn thành trách nhiệm đặc biệt của mình mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Nhấn mạnh đến bối cảnh đặc biệt của tình hình trong nước và quốc tế thời gian tiến hành sửa đổi Hiến pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng các thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ban Biên tập, Tổ giúp việc đã làm việc hết mình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phương pháp làm việc khoa học, vừa tuân theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, vừa đảm bảo phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ của toàn dân với hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân; hơn 28 ngàn hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức để đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo, cũng có những quan điểm, ý kiến khác nhau, nhưng bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua với tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội tán thành, là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân.

Hiến pháp mới vừa đảm bảo kế thừa những tiến bộ trong bản Hiến pháp cũ, đồng thời sửa đổi toàn diện các chương, điều, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Hiến pháp vừa được Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII thông qua là sự kiện chính trị-pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đề cập đến ý nghĩa to lớn của việc triển khai thi hành Hiến pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn các thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục đôn đốc, đảm bảo việc triển khai thi hành Hiến pháp; bảo vệ Hiến pháp; hoàn thiện việc rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Trung ương Đảng; các thành viên của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thành viên Ban Biên tập, Tổ giúp việc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng gửi lời cảm ơn tới các cấp, các ngành, đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước và gửi lời cảm ơn đặc biệt tới đồng bào, cử tri trong và ngoài nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ cao, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của bản Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị các thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tùy theo cương vị công tác của mình, tiếp tục nỗ lực giám sát, triển khai, đưa Hiến pháp nhanh chóng phát huy hiệu quả trong cuộc sống.

Nguồn: TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất