Sáng ngày 13-8-2013, tại Hội trường Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chỉ đạo Đề án 165 (Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 11 nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và dự kiến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và dự toán chi ngân sách cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài năm 2014. Đồng chí Nguyễn Văn Quynh, UVTƯ Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Ban Chỉ đạo Đề án 165 chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị còn có đại diện các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các Bộ Giáo dục – Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Kho bạc Nhà nước Việt Nam…
Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2013, trong 6 tháng đầu năm nay Ban Chỉ đạo Đề án 165 đã tập trung chỉ đạo các mặt công tác, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống quy định liên quan đến hoạt động của Đề án cho phù hợp với tình hình thực tế, triển khai đầy đủ các loại hình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm chất lượng. Kết quả về đào tạo, bồi dưỡng: Đề án đã cử 35 cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài (gồm 14 thạc sỹ, 21 tiến sỹ, tăng 3 cán bộ so với năm 2012), phần lớn trong độ tuổi từ 25 đến 30 (đối với thạc sỹ) và từ 28 đến 34 (đối với tiến sỹ), có 12 đồng chí trong quy hoạch cấp sở, vụ. Đã cử 218 học viên đi bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ ở nước ngoài (148 học viên học tiếng Anh, 25 học tiếng Pháp, 15 học tiếng Nhật, 15 học tiếng Lào và 15 học tiếng Căm-pu-chia). Đồng thời, Đề án đã tổ chức 5 đoàn cán bộ đi bồi dưỡng chuyên đề ngắn hạn tại Nhật Bản và Trung Quốc theo đúng kế hoạch, triển khai các bước tuyển sinh để tổ chức 6 đoàn cán bộ cấp vụ đi bồi dưỡng ngắn hạn tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Úc và Trung Quốc về hoạt động lãnh đạo dành cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban Chỉ đạo giao Văn phòng Đề án 165 chuẩn bị thủ tục để mở 3 chương trình liên kết (Học viện Hành chính, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) được đánh giá có chất lượng. Ngoài ra, Văn phòng Đề án 165 đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức 10 đoàn đi nước ngoài theo phân cấp (có 206 cán bộ tham gia), bảo đảm an toàn, hiệu quả tốt. Công tác thẩm định hồ sơ, hợp đồng bảo đảm thận trọng, đúng quy định, không để xảy ra sai sót đáng tiếc, việc thanh toán, quyết toán kinh phí các đoàn bồi dưỡng ngắn hạn được cải thiện đáng kể, ít xảy ra tình trạng chậm, muộn, việc thanh toán học phí và sinh hoạt phí cho học viên đã đi vào nền nếp…
Ban Chỉ đạo Đề án 165 đã triển khai tốt các hoạt động hợp tác quốc tế, thu được kết quả tốt đẹp: Quỹ TEMASEK của Xin-ga-po đã quyết định tiếp tục hỗ trợ tiền học phí để tổ chức 6 khóa bồi dưỡng cho 150 cán bộ trong năm 2013, các trường đại học ở Anh, Úc cam kết miễn, giảm học phí, hỗ trợ học viên…
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành thành viên cho rằng, việc thực hiện Đề án 165 nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng bằng ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2013 nói riêng đã đạt nhiều kết quả. Song, để Đề án phát huy hiệu quả hơn nữa cần cân nhắc xem xét kỹ cơ cấu đào tạo, nên đi sâu đào tạo kỹ năng, nhất là kỹ năng lãnh đạo, quản lý; coi trọng việc đào tạo theo chuyên ngành cán bộ đang công tác hoặc sắp tới được bố trí theo quy hoạch; sớm xây dựng và thực hiện quy chế, quy định về quản lý, sử dụng cán bộ trong và sau đào tạo…
Hội nghị nhất trí cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là:
1. Tiếp tục bổ sung, sửa đổi các quy định cho phù hợp thực tế triển khai Đề án, đồng thời xây dựng các quy chế, quy trình công tác, xử lý công việc để hoạt động của Đề án ngày càng chuyên nghiệp.
2. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và dự toán chi ngân sách của Đề án năm 2014 với tinh thần quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 25-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó xác định phương hướng cho năm 2014 là cơ bản giữ số lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ (ở nước ngoài và liên kết), giảm số đoàn đi bồi dưỡng theo chuyên đề (đối với các đơn vị không có hệ thống “dọc”, những đơn vị tổ chức không hiệu quả, giảm các chuyên đề do đã có kế hoạch hợp tác được nước ngoài hỗ trợ kinh phí; không tổ chức bồi dưỡng tiếng Anh đối với cán bộ ở các bộ, ngành Trung ương (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) và các thành phố trực thuộc Trung ương, giảm tối đa bồi dưỡng ngoại ngữ ở nước ngoài…
3. Tăng cường công tác quản lý cán bộ trong thời gian học tập ở nước ngoài và công tác đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ ở nước ngoài. Cân đối việc cử cán bộ đi đào tạo ở Anh, Úc với các nước Tây Âu.
4. Tăng cường nghiên cứu, xây dựng khung quy định tổ chức, quản lý đào tạo liên kết; liên hệ với các cơ sở đào tạo nước ngoài, trong nước để mở các lớp liên kết theo kế hoạch.
5. Bám sát kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề ngắn hạn được duyệt, tổ chức các đoàn đúng tiến độ, chú trọng bồi dưỡng về năng lực hoạch định chính sách, nhất là chính sách công…
Minh Tuấn