Các đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì và điều hành Hội nghị.
Dự Hội nghị, có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí; lãnh đạo các cơ quan báo chí; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.
Theo đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2020, công tác chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật được tăng cường. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cơ bản bảo đảm tiến độ.
Thực hiện Quy hoạch báo chí, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến ngày 31-12-2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 Báo, 612 Tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình. Cả nước có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 21.132 người được cấp thẻ nhà báo. Năm 2020, do sự cạnh tranh mạnh mẽ của truyền thông xã hội, cùng những khó khăn của kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh thu của nhiều cơ quan báo chí giảm mạnh so với trước.
Trong năm 2020 vừa qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội; tập trung thông tin các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; chú trọng nhiệm vụ, vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch... Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 được các cơ quan báo chí quan tâm, chú trọng, qua đó góp phần quan trọng vào thành công chung của công tác phòng, chống dịch, bệnh.
Đáng chú ý, năm 2020, công tác thông tin tuyên truyền tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đại hội Đảng các cấp, góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền thông tin đối ngoại trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, hợp tác để giải quyết những vấn đề chung trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống, làm việc ở nước ngoài bằng nhiều hình thức, loại hình, ngôn ngữ khác nhau; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, nâng cao đời sống tinh thần cho toàn dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; về phòng, chống thiên tai, bão lũ…
Công tác thông tin, tuyên truyền về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú. Số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài mở mới đã tăng lên đáng kể, nhiều bài viết, chương trình có hiệu ứng tốt trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận.
Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên báo chí; việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, tăng tính thuyết phục, nhất là với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực báo chí. Việc triển khai áp dụng 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bước đầu phát huy tác dụng; công tác kiểm tra, giải quyết, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp được tăng cường.
Kịp thời ban hành các đề án, kế hoạch, hướng dẫn tuyên truyền đối với các sự kiện chính trị, hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước; bám sát diễn biến dịch bệnh COVID-19, tình hình thiên tai bão lũ để có những định hướng, điều chỉnh kịp thời thông tin của các cơ quan báo chí..., qua đó, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động trong hoạt động và tác nghiệp, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm báo chí chất lượng tốt. Các cơ quan chức năng cũng có nhiều giải pháp trong việc đấu tranh xử lý thông tin xấu, độc trên môi trường mạng in-tơ-nét, đạt được kết quả bước đầu tích cực.
Năm 2020 cũng là năm đầu tiên tổ chức triển khai giao ban riêng với các tạp chí, qua đó, cung cấp đầy đủ thông tin và kịp thời định hướng trực tiếp thông tin cho nhiều cơ quan tạp chí; bước đầu áp dụng công nghệ để đo đếm, phân tích, tổng hợp, đánh giá, nhận biết các xu thế thông tin trên báo chí, từ đó đưa ra những chỉ đạo, định hướng và quản lý kịp thời, hiệu quả, thuyết phục.
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được chỉ đạo triển khai và thực hiện quyết liệt, cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Đã có 61/78 cơ quan, tổ chức, địa phương (phải thực hiện Quy hoạch) hoàn thành thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, xử lý hồ sơ của các trường hợp còn chưa hoàn thành quy hoạch, bảo đảm đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên, cộng tác viên được quan tâm; xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử. Năm 2020 đã xử phạt 18 cơ quan báo chí với tổng số tiền 427,7 triệu đồng; 13 trường hợp trang thông tin điện tử với tổng số tiền trên 600 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 2 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 2 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.
Việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ báo chí; hợp tác quốc tế và tăng cường thông tin đối ngoại trong lĩnh vực báo chí tiếp tục được quan tâm và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Công tác khen thưởng được thực hiện thường xuyên, nhất là đối với những cơ quan báo chí có thành tích trong tuyên truyền về phòng chống đại dịch COVID-19; ghi nhận, biểu dương và tôn vinh những người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân đối với thông tin; chú trọng đầu tư, đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng thông tin để mang đến cho người đọc, người xem những tác phẩm báo chí giá trị, có tác động xã hội lớn, đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền. Hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất, trao đổi chương trình được các cơ quan báo chí đẩy mạnh, tạo ra nhiều chương trình hay, hấp dẫn khán, thính giả, đồng thời, tạo nguồn thu quảng cáo để bù đắp chi phí, duy trì hoạt động, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, năm 2020, công tác báo chí vẫn bộc lộ những khuyết điểm, hạn chế: Trong một số trường hợp khi xảy ra các vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm, diễn biến nhanh, việc phản ứng của các cơ quan, đơn vị, các ngành có liên quan đến sự việc nhạy cảm còn lúng túng, chưa kịp thời, dẫn tới làm chậm sự lan tỏa của các thông tin dẫn dắt dư luận xã hội, tạo tâm lý bất an trong xã hội. Việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ mục đích, nhất là đối với các tạp chí điện tử trực thuộc hội đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả cụ thể nhưng đây vẫn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp thực tiễn liên quan công tác chỉ đạo, quản lý báo chí chưa kịp thời. Vai trò của hội nhà báo các cấp nhất là trong việc đưa ra những phán quyết về chuyên môn, nghiệp vụ và xử lý kỷ luật hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp chưa thực sự chủ động, trong một số trường hợp chưa có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh... Sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản trong quản lý báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời. Một số cơ quan chủ quản còn lúng túng trong chỉ đạo, quản lý cơ quan báo chí, chưa thực sự sâu sát hoặc bị động trong thực hiện quy hoạch báo chí, tiến độ triển khai chậm, còn nặng về sắp xếp mà chưa coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chưa làm tốt công tác tư tưởng dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp trong cơ quan báo chí. Thông tin trên báo chí chưa toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của xã hội; một số thông tin còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép, thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội vẫn diễn ra. Vẫn còn tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, làm phức tạp về nhận thức trong dư luận xã hội.
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (ảnh trên) nêu rõ: năm 2020 là năm đầy ắp những sự kiện trọng đại, nổi bật của Đảng, đất nước cùng những người làm công tác tư tưởng; là năm chứng kiến những sự kiện chưa có tiền lệ và những đổi thay lớn lao trong đời sống kinh tế, xã hội của cả thế giới và đất nước, năm của những khó khăn, thách thức lớn… nhưng cũng là năm của những nỗ lực, quyết tâm lớn lao, năm cộng hưởng mạnh mẽ và hiệu quả của những tấm lòng yêu nước đầy trách nhiệm, năm mà đất nước, con người Việt Nam được biết đến như là "hình mẫu" về cách thức kiểm soát và phòng, chống dịch COVID-19; được đánh giá là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nơi mà có người nước ngoài nói rằng được ở lại Việt Nam vào những ngày có dịch là sự “may mắn xa xỉ”. Trong thành công đó, có vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó báo chí là lực lượng tiên phong, đi đầu….
Phát huy tinh thần đó, đồng chí Võ Văn Thưởng mong rằng, năm 2021, công tác tuyên giáo của Đảng, trong đó có công tác báo chí tiếp tục phải giữ vững vai trò tiên phong trong ổn định tư tưởng, tâm trạng xã hội, phát huy vai trò “đi trước, mở đường”; chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục nhận thức, quán triệt thật sâu sắc và đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo chí với tư cách là một thành tố quan trọng trong công tác tuyên giáo của Đảng; là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là diễn đàn của Nhân dân.
Đại hội XIII của Đảng đang đến rất gần, do vậy, nhiệm vụ quan trọng và tập trung nhất của các cơ quan báo chí trong thời gian tới và trong cả năm 2021 là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Đại hội XIII của Đảng và việc triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí theo hướng tăng cường trách nhiệm; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí...
P.V