Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Đề án thí điểm tại 14 bộ, ban, ngành, đoàn thể và 22 địa phương; những kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế, vướng mắc; đồng thời, Hội nghị sẽ nghe báo cáo đánh giá và kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, đơn vị để từ đó rút ra những kết luận thỏa đáng và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị trong cả nước.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, việc thí điểm tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Qua gần 3 năm thực hiện việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố đã đạt được những kết quả nhất định, những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều thực sự là những người có đức, có tài, làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị do người đó lãnh đạo, quản lý, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đây là căn cứ thực tiễn rất quan trọng để khẳng định chủ trương nêu trên của Đảng là đúng đắn.

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Trương Hải Long cho biết, theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16-1-2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc triển khai thực hiện Đề án thì có 14 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Đối với các bộ, ngành, địa phương khác, nếu cấp ủy, chính quyền có chủ trương thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ lần đầu thông qua thi tuyển thì được khuyến khích thực hiện việc tuyển chọn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo Đề án.


Sau gần 3 năm thực hiện đã có 12/14 cơ quan Trung ương tổ chức thi tuyển đối với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, có 42 ứng viên trúng tuyển (cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng có 10 ứng viên). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có 17/22 địa phương tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, có 368 ứng viên trúng tuyển (cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên). 


Có được những kết quả bước đầu đó là do:  


Một là, việc thí điểm chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thông qua thi tuyển là chủ trương đúng đắn của Đảng cần tiếp tục được thực hiện thí điểm, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện ở các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong cả nước.


Hai là, việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển góp phần quan trọng vào việc tăng cường dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, để công tác cán bộ có chất lượng, hiệu quả hơn xứng đáng là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt - xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay; củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, trước hết đối với cấp ủy, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị. 


Ba là, cán bộ tham gia thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý có cơ hội thử thách, tự đánh giá, sát hạch bản thân mình, thấy được mặt mạnh, điểm yếu, hạn chế. Qua đó, có kế hoạch phát huy và tăng cường những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vươn lên đáp ứng yêu cầu của chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý mà cán bộ tham gia thi tuyển và thi tuyển đạt kết quả. 


Mặc dù vậy, qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thí điểm thực hiện Đề án, nổi lên những vướng mắc cần tháo gỡ để tiếp tục thực hiện Đề án đạt kết quả lớn hơn. 


Thứ nhất, quy định về thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý: không thực hiện thi tuyển đối với chức danh được xác định là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Vì vậy, xảy ra vướng mắc đối với những người là ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. 


Đối với trường hợp viên chức đăng ký thi tuyển vào vị trí việc làm công chức nếu trúng tuyển, trước khi bổ nhiệm phải được xét chuyển từ viên chức sang công chức và phải thông qua kiểm tra, sát hạch theo quy định. Nếu không đủ điều kiện xét chuyển từ viên chức sang công chức thì không thể bổ nhiệm được.


Hai là, về quy định khi tổ chức thi tuyển phải có từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn. Trong văn bản hướng dẫn việc tổ chức thi tuyển, chưa đưa hướng dẫn và phương án xử lý một số tình huống nảy sinh trong quá trình tổ chức thi tuyển liên quan đến nguyên tắc cạnh tranh trong thi tuyển. Ví dụ, đến ngày tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phần lớn ứng viên đã đăng ký thi tuyển xin rút không tham gia thi tuyển chỉ còn 1 ứng viên. 


Về đối tượng đăng ký tham dự thi tuyển: sự bất hợp lý giữa những người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý so với những người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi đăng ký tham dự thi tuyển ở những đơn vị có cơ cấu tổ chức khác nhau. Ví dụ như đối với vụ có cấp phòng thì phó phòng chỉ có thể đăng ký thi tuyển vào chức danh phó vụ trưởng; nhưng đối với đơn vị không có cấp phòng thì chuyên viên có thể đăng ký thi tuyển vào chức danh vụ trưởng.


Việc quy định người đăng ký tham gia thi tuyển nếu không thuộc đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn thì phải được tập thể lãnh đạo của đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử, điều này không khả thi, gây khó khăn cho những người ở cơ quan khác muốn đăng ký thi tuyển nhưng nếu không được tập thể lãnh đạo cơ quan tuyển chọn đề cử, thì không có điều kiện tham gia thi tuyển. Đây là quy định tưởng như “mở” cho những người ở cơ quan khác tham gia thi tuyển, nhưng trên thực tế thực tế lại là “đóng” lại việc tham gia thi tuyển của những người này.


Đồng thời, việc quy định bắt buộc dự thi đối với những người là công chức, viên chức trong quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý đủ điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo của cơ quan, đơn vị đó; nếu không đăng ký dự thi thì họ không được đăng ký dự thi vào các chức danh khác và hằng năm khi rà soát danh sách quy hoạch sẽ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Tuy nhiên, quy định này còn chưa chặt chẽ, dễ dẫn đến việc ứng viên chỉ tham dự phần thi viết để đối phó không bị đưa ra khỏi quy hoạch, nhưng không tiếp tục tham dự thi trình bày đề án.


Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc về thành lập và hoạt động của hội đồng thi tuyển; về hồ sơ cán bộ đối với các trường hợp thi tuyển...


Với những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương báo cáo, đề  nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng việc thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển tại các bộ, ngành, địa phương, trong đó, xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu khoảng 50% vị trí lãnh đạo, quản lý khi bổ nhiệm phải thực hiện thông qua thi tuyển và tiến hành tổng kết vào Quý IV-2022 (sau 5 năm triển khai Đề án). 


Cùng với đó, giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quy trình, thủ tục tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý theo hướng đơn giản hóa về thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác thi tuyển lãnh đạo, quản lý trong tháng 6-2020.


Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định, đây là một chủ trương lớn của Đảng trong công tác cán bộ, cần được nhân rộng trong thời gian tới. Thông qua việc thi tuyển đã tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng; có sự giám sát chặt chẽ; bảo đảm công bằng và có tính kế thừa. Chất lượng cán bộ được tuyển chọn là những người có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn tốt, góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý…


Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, theo Công văn số 2424/BNV-CCVC ngày 9-5-2017 của Bộ Nội vụ thì những trường hợp đã được quy hoạch mà không tham gia thi tuyển sẽ bị loại khỏi quy hoạch là chưa hợp lý, do đó, cần rà soát lại hướng dẫn này.


Về quy trình tổ chức thi tuyển còn dài, cần nghiên cứu để thực sự ngắn gọn mà hiệu quả; cân nhắc phần thi viết đối với các ứng viên vì sẽ làm mất thêm thời gian thi mà chưa chắc đánh giá đúng năng lực.


Về đối tượng tham gia thi tuyển, các đại biểu cho rằng, “vừa đóng lại vừa mở, vừa mở nhưng lại vừa đóng”. Do đó, cần có giải pháp để thu hút nhiều người tham gia thi nhằm lựa chọn được người tốt nhất vào vị trí lãnh đạo, quản lý.


Về việc bảo lưu kết quả thi đối với các ứng viên có điểm cao, các đại biểu đề xuất thời gian bảo lưu chỉ trong vòng 1 năm và chỉ bảo lưu đối với vị trí thi tuyển, không nên bảo lưu đối với vị trí tương đương.


Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quy hoạch, bổ nhiệm và thi tuyển vì có những người chuyên môn rất tốt nhưng khi trình bày đề án lại chưa tốt và ngược lại hoặc có thể người thi điểm cao nhưng khi được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý chưa chắc đã thực hiện tốt nhiệm vụ trên cương vị mới.


Không những vậy, cần phải có cơ chế để thu hút nhiều người có tài tham gia thi tuyển, để các ứng viên hiểu được việc thi tuyển là thực chất, cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng hợp thức những người đã được cấp có thẩm quyền ý định trước.


Sau khi bổ nhiệm, các cơ quan, đơn vị phải bám sát vào chương trình hành động của các ứng viên đã được triển khai thế nào hay chỉ như một lới hứa suông. Đồng thời, phải tiến hành sơ kết kết quả những ứng viên được bổ nhiệm qua thi và những người được bổ nhiệm bằng hình thức truyền thống để so sánh, để bảo đảm việc thi tuyển đạt được mục đích…


Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính phát biểu tại Hội nghị.


Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho rằng, báo cáo và 14 ý kiến của các đại biểu đều rất tâm huyết, trách nhiệm. Các ý kiến cơ bản thống nhất báo cáo tại Hội nghị, phân tích rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp thực hiện tốt trong thời gian tới.


Đồng chí Mai Văn Chính cũng ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu và đánh giá cao một số địa phương thực hiện tốt việc thí điểm thi tuyển như tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Lào Cai… Đối với cấp Trung ương, các cơ quan thực hiện tốt như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải…


Qua việc thí điểm thi tuyển, đã tuyển chọn được những người có năng lực đóng góp tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị nói riêng và đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước nói chung. Công tác tổ chức thi tuyển đã bảo đảm công bằng, khách quan, cạnh tranh lành mạnh.


Bên cạnh đó, công tác thi tuyển còn có những khó khăn, vướng mắc vì chưa có tiền lệ, do đó Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.  


Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đã phát biểu tại Hội nghị, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu, lựa chọn, tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.


Đối với một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện thí điểm thi tuyển, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị tiếp tục tiến hành theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 3135-CV/VPTW ngày 16-1-2017 của Văn phòng Trung ương Đảng.


Về phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu trong thời gian tới, nếu được Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép thì tiếp tục thực hiện đến năm 2022. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các công việc sau:


Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lựa chọn số lượng vị trí lãnh đạo, quản lý, loại hình cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý phải thực hiện tuyển chọn thông qua thi tuyển để tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương; hằng năm có báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương để theo dõi.


Thứ hai, trên cơ sở kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Đề án tiến hành rà soát, sửa chữa, bổ sung những nội dung cần thiết theo thẩm quyền của các cơ quan chỉ đạo thực hiện Đề án (Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ); đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về những vấn đề cần sửa chữa, bổ sung, tháo gỡ vượt quá thẩm quyền của các cơ quan chỉ đạo thực hiện Đề án.


Thứ ba, phát huy mạnh mẽ những kinh nghiệm thực hiện Đề án đã rút ra qua sơ kết 3 năm thực hiện Đề án; có giải pháp khắc phục tốt những hạn chế đã được chỉ ra.


Thứ tư, làm tốt việc tổng kết việc thực hiện Đề án vào quý IV-2022, rút ra những kết luận thỏa đáng và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị trong cả nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất