Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Đây là hội nghị quan trọng đề cập tới những vấn đề lớn, hệ trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản, lâu dài, đó là: công tác cán bộ, chính sách tiền lương và bảo hiểm. Sau khi nghe quán triệt, các đồng chí đảng viên, cán bộ chủ chốt phải tiếp tục nghiên cứu tài liệu, tăng cường trao đổi, thảo luận, liên hệ thực tiễn với địa phương, đơn vị để nhận thức đầy đủ hơn nội dung các nghị quyết và triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt việc triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền, giới thiệu nội dung 3 nghị quyết quan trọng này tới cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương, đơn vị mình. Quá trình tổ chức học tập, tuyên truyền nghị quyết phải coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng.
Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Đó là lời khẳng định của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng tại hội nghị học tập và quán triệt nghị quyết lần này. Thay mặt Ban Bí thư, Đồng chí Phạm Minh Chính đã giới thiệu, quán triệt nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đề cập toàn diện và sâu sắc những mặt tích cực, cũng như những hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những yếu kém của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ trong thời gian qua, đồng thời đánh giá những thành tựu to lớn, những bất cập trong công tác cán bộ qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, khẳng định cơ sở lý luận và thực tiễn về yêu cầu đổi mới công tác cán bộ, Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã tập trung làm rõ các nội dung chủ đạo của Nghị quyết, và quán triệt các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:
Đến năm 2020: Thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy.
Đến năm 2025: Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Đến năm 2030: Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý. Đối với cán bộ cấp chiến lược: Thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương: Từ 20 - 25% dưới 40 tuổi; từ 50 - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương: Từ 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 20 - 25% cán bộ lãnh đạo cấp huyện dưới 40 tuổi. Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ cao đẳng, đại học. Đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an: Từ 20 - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia: Hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Số cán bộ khoa học đạt ít nhất 11 người trên 1 vạn dân. Đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước: Nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật; sản xuất kinh doanh hiệu quả; từ 70 - 80% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng quán triệt Nghị quyết tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng đã đề cập rất rõ, sâu sắc và toàn diện những nhiệm vụ mà Nghị quyết đã xác định nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đó là lời nhấn mạnh của đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phần giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW “Về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”. Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003… Nhờ đó, tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện, nhất là ở những vùng, lĩnh vực đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống người lao động. Trong khu vực doanh nghiệp, chính sách tiền lương từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động… Những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương còn chậm, chưa có nghiên cứu căn bản và toàn diện về chính sách tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Số đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước còn quá lớn…
Quang cảnh Hội nghị.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đã được tổng kết, đồng chí Bộ trưởng đã làm rõ thêm các quan điểm chỉ đạo về cải cách chính sách lương cho thời gian tới; đồng thời phân tích các cơ sở cho việc xác định những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết: Từ năm 2018 đến năm 2020 đối với khu vực công và khu vực doanh nghiệp: Tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng… Thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước theo các nội dung của Đề án cải cách chính sách tiền lương được phê duyệt.. Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đối với khu vực công (từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước. Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp). Đối với khu vực doanh nghiệp (từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030).
Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế. đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh đến một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 28-NQ/TW “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững. Đồng chí Bộ trưởng đã luận giải, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các mục tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết. Giai đoạn đến năm 2021 (phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 80%). Giai đoạn đến năm 2025 (phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%). Giai đoạn đến năm 2030 (phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 90%).
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kết luận hội nghị.
Đồng chí Bộ trưởng cũng đã giải thích rất rõ, có những viện dẫn khoa học và kinh nghiệm quốc tế xác đáng về việc thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Đó là: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận sự tham gia đông đủ của các cán bộ chủ chốt tại các đầu cầu trực tuyến. Đồng chí nhấn mạnh, việc học tập nghị quyết là nhiệm vụ thường xuyên, phải với tinh thần cầu thị, tự giác và quán triệt phải gắn với thực tiễn công tác cụ thể của từng cán bộ, đảng viên, các đồng chí cấp ủy viên và cán bộ chủ chốt trong toàn hệ thống chính trị.
Trần Thiết