Chiều 1-6-2017, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo góp ý kiến đề cương Đề tài KX.04.04/16-20: “Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ ở nước ta hiện nay: thực trạng, vấn đề đặt ra và định hướng giải pháp”. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng: Đoàn Minh Huấn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản; Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Các đồng chí đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị Ban Tổ chức Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực 1, Viện Khoa học Thanh tra Chính phủ.
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội thảo
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung thảo luận làm rõ đối tượng, phạm vi, cấu trúc của đề tài nghiên cứu; định hướng nghiên cứu và các nhóm giải pháp. Trong đó, đa số các ý kiến cho rằng cần làm rõ những tiêu chí nhận diện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong giai đoạn hiện nay. Các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi cần chỉ rõ những nhóm giải pháp cấp thiết cần làm ngay và những nhóm giải pháp lâu dài.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và các nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng. Đồng chí đề nghị tổ biên tập Đề tài ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đã góp ý, qua đó chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương. Đồng chí yêu cầu Đề tài cần tập trung nghiên cứu vào đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, từ đó đề ra các nhóm giải pháp cụ thể cho từng đối tượng. Coi trọng tính thiết thực, hiệu quả của đề tài nghiên cứu, kết quả của đề tài phải đi vào thực tiễn cuộc sống, trở thành cẩm nang cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên học tập, làm theo trong chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bảo Yến