Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”
Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương, Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân, Bộ Tư pháp, Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương, Hội đồng khoa học Ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo ban tổ chức một số tỉnh uỷ, thành uỷ cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần “…có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, trong đó nhấn mạnh “Để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng… cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.

Kết luận 14 được ban hành đã đón nhận sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Với thông điệp chính trị thiết thực, sâu sắc, Kết luận 14 là cơ sở chính trị quan trọng cho việc cụ thể hóa cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, góp phần giải phóng sức sáng tạo của nhiều cán bộ có tâm, có tài nhưng chưa mạnh dạn đóng góp sức mình trong xây dựng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị; khắc phục tình trạng ích kỷ cá nhân, cơ hội, lợi ích nhóm, đùn đẩy trách nhiệm; không dám nghĩ, không dám làm, không dám sáng tạo, đổi mới và không dám chịu trách nhiệm khi gặp sai lầm, khuyết điểm...

Tuy nhiên, bởi nhiều nguyên nhân, sau hơn một năm ban hành Kết luận 14, việc thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề này vẫn chưa kịp thời và còn gặp một số khó khăn, trở ngại nhất định. Để những chủ trương quan trọng của Kết luận 14 đi vào cuộc sống, thực sự tạo động lực, niềm tin để cán bộ các cấp phá bỏ rào cản lối mòn trong nhận thức và hành động, lan tỏa mạnh mẽ, đẩy mạnh phong trào đổi mới, sáng tạo trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, cần thiết phải có những giải pháp thiết thực để cụ thể hóa các cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đã nêu trong Kết luận.

Do đó, Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” có ý nghĩa quan trọng, là diễn đàn để các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm tại địa phương, cơ quan, đơn vị; so sánh trước và sau khi thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Đây là những cơ sở khoa học quan trọng để đề xuất những giải pháp đưa chủ trương quan trọng của Đảng về khuyến khích và bảo vệ đội ngũ cán bộ vào cuộc sống.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Các ý kiến đều khẳng định, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là yêu cầu tất yếu đối với cán bộ trong công cuộc đổi mới. Từ phương thức phát triển công cuộc đổi mới, đặt ra yêu cầu cần bảo vệ và phát triển những người tiên phong, dũng cảm vì đổi mới, sáng tạo. Một số ý kiến đã phân tích động lực và trở lực của đổi mới, sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm triển khai một số mô hình, cách làm sáng tạo ở địa phương để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, các tham luận cũng đưa ra những giải pháp và đề xuất, kiến nghị để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương phát biểu kết luận tại Hội thảo.

GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương phát biểu kết luận tại Hội thảo.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, GS, TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương khẳng định: Chủ đề Hội thảo khoa học rất thiết thực trong việc góp phần thực hiện Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Cần xem đây là vấn đề có tính đột phá, bởi đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có kết luận chính thức bằng văn bản riêng đề cập rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung làm căn cứ, cơ sở để thực hiện nhất quán, thống nhất trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và xã hội.

Để những nội dung trong Kết luận 14 đi vào thực tiễn, có chất lượng, hiệu quả, cần tập trung 4 nhóm giải pháp: Trước hết, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để thay đổi nhận thức, chuyển đổi tâm lý của cán bộ, đảng viên, nhân dân về những nội dung của Kết luận 14. Bên cạnh việc hoàn thiện, đồng bộ các văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan đến việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, cần nghiên cứu để nâng tầm hơn nữa nội dung Kết luận, làm cơ sở, căn cứ pháp lý cao nhất để triển khai thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cán bộ; đánh giá đúng cán bộ, từ đó bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là người đứng đầu có vai trò quyết định để cán bộ có động lực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... Tiếp tục xây dựng được tiêu chí cụ thể về đổi mới, năng động, sáng tạo đối với từng chức vụ lãnh đạo, chức danh nghề nghiệp, từng vị trí cán bộ… nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất