Chiều 17-6, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn”
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội và đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 khóa XIII; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Bắc cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
Khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa vào Chương trình làm việc nhiệm kỳ khóa XIII nhiệm vụ xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” trình Hội nghị Trung ương 6 thảo luận, cho ý kiến. Đây là một đề án rất quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói riêng, sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc nói chung.
“Với nhận thức đúng đắn rằng, Đảng là hạt nhân, là trung tâm của hệ thống chính trị Việt Nam, đồng thời là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chúng ta đã xác định đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Trong điều kiện đảng duy nhất cầm quyền, sứ mệnh này có ảnh hưởng to lớn, trực tiếp đến phương thức hoạt động của cả hệ thống chính trị, đến vai trò, vị thế và uy tín của Đảng”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. Cho rằng, mặc dù có nhiều sự chuyển biến tích cực và quan trọng, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhìn chung vẫn chậm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong điều kiện mới là một nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (ảnh trên) cho biết, với truyền thống 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Nội luôn ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò; trách nhiệm trước Đảng, trước dân; gương mẫu đưa Nghị quyết Trung ương 5 khóa X vào cuộc sống. Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Đảng bộ Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sớm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương trình bày đề dẫn Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, góp phần tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, nhằm xây dựng Đề án về vấn đề này trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII sắp tới. Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình, nhiệm vụ mới; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại Hội thảo, đã có 10 ý kiến phát biểu tham luận trực tiếp của các đại biểu. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu thực hiện tốt công tác cán bộ mặt trận, cần cử cán bộ là đảng viên ưu tú tham gia cơ quan MTTQ các cấp; quy định rõ tiêu chuẩn cán bộ mặt trận, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, cán bộ mặt trận, khắc phục tình trạng đưa cán bộ uy tín thấp về cơ quan MTTQ. Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, nét mới trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Vĩnh Phúc thời gian qua là mạnh dạn giao một số nhiệm vụ khó cho người đứng đầu cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ để đánh giá cán bộ, từ đó tạo thành phong trào thi đua sôi nổi; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, không có vùng cấm.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan (ảnh trên) đề xuất trong lựa chọn cán bộ cần chú ý đến cán bộ có tư duy kinh tế, có thể trọng dụng người ngoài Đảng nếu có tài năng. Khi xây dựng, ban hành nghị quyết cần dựa trên căn cứ khoa học, phân công cấp ủy viên có kiến thức, kinh nghiệm tham gia phản biện; cần bảo đảm nguồn lực thực hiện và cá thể hóa trách nhiệm để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh yêu cầu cần đổi mới cải cách hành chính trong Đảng; cần rà soát quy trình xây dựng các chủ trương, nghị quyết, bố trí nguồn lực, phân công người thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống nhanh hơn nữa; đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đó là phương tiện, công cụ để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, giúp chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng đến người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thì cho rằng, hiện nay việc ban hành, thực hiện nghị quyết còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực chưa bảo đảm, năng lực tổ chức thực hiện của một số cấp ủy còn yếu, chưa theo kịp thực tiễn. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà nêu đề xuất trong kiểm điểm của cấp ủy, cần xem đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng, bắt buộc, thường xuyên.
GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải xuất phát từ con người cán bộ; muốn vậy phải đánh giá chính xác, lựa chọn đúng cán bộ; phải quan tâm xây dựng cơ chế, môi trường để cán bộ yên tâm cống hiến, hết lòng hết sức vì nhiệm vụ.
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận tại Hội thảo.
Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao những ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu dự Hội thảo. Đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, xuyên suốt quá trình lịch sử, Đảng ta đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; qua đó đã khẳng định được hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo đối với hệ thống chính trị.
Tổng hợp các ý kiến tham luận tại Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã rút ra nhiều ý kiến hay, vấn đề cụ thể để đề xuất với Trung ương. Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo phải cụ thể hóa, tối ưu hóa để hiện thực hóa tốt nhất các chủ trương, đường lối của Đảng. Trong quá trình đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận tạo hiệu ứng mạnh mẽ để tổ chức thực hiện, nhất là trước những việc khó.
Trong quá trình lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với hoàn thiện quy trình, quy chế làm việc; phát huy vai trò của người đứng đầu cũng như tính tới việc cho phép người đứng đầu có thêm một số thẩm quyền. Để đổi mới phương thức lãnh đạo, quan trọng nhất là cán bộ phải có năng lực, đạo đức và bản lĩnh. Công tác đánh giá cán bộ cần được thực hiện một cách chính xác để lựa chọn đúng cán bộ; đồng thời phải tạo dựng khuôn khổ pháp lý, quy định để cán bộ không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm trong thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp có hiệu quả trình Ban Chấp hành Trung ương.