Hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đồng chủ trì Hội thảo.

Các đồng chí lãnh đạo đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, Hội thảo khoa học quốc gia về “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức tại Đà Nẵng vào thời điểm toàn Thành phố đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận, quy định quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để khôi phục và phát triển kinh tế sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, qua đó 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đã được Đại hội XIII của Đảng xác định, nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngay sau khi có kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đánh giá, tổng kết nghiêm túc, toàn diện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X).

Qua tổng kết, Đảng bộ thành phố đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng. Đó là phải nắm chắc và thực hiện đầy đủ các phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; kết hợp toàn diện công tác xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lãnh đạo, chỉ đạo phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; mọi đường lối, chủ trương, chính sách đều hướng đến người dân, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. 

Chú trọng phát huy vai trò nêu gương của đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những thiếu sót, vi phạm ngay từ đầu. 

“Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo, gắn với đổi mới lề lối, phong cách làm việc; giữ vững các nguyên tắc sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Đây là yếu tố then chốt, quyết định đến những kết quả đạt được của Thành phố trong thời gian qua”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Quảng, việc Đà Nẵng được lựa chọn là địa phương tổ chức hội thảo là cơ hội để Đảng bộ thành phố được lắng nghe ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương về việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, những kết quả, kinh nghiệm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, Hội thảo sẽ cung cấp những luận cứ mang tính lý luận và thực tiễn, góp phần tham mưu, đề xuất với Trung ương tiếp tục hoàn thiện và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong tình hình mới. 

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương khẳng định, trong những năm qua, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với khả năng thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh của Đảng; đối với nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và phát huy trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tinh thần thượng tôn pháp luật, khắc phục buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay Nhà nước…

Dấu mốc quan trọng là tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa X), Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị có nhiều đổi mới quan trọng…

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương cho biết, Hội thảo có nhiệm vụ nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết bài học kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW.

Qua đó làm rõ những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình, nhiệm vụ mới; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 



Phát biểu chỉ đạo và tổng kết Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai (ảnh trên) nhấn mạnh, Hội thảo lần này đã tiếp nhận được rất nhiều ý kiến hay, phong phú.
"Chúng ta được thừa hưởng thành quả của một năm đổi mới khi có sự tham gia của các phương thức lãnh đạo của Đảng; các phương thức đổi mới đã đem lại kết quả trong nhiều lĩnh vực. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng cũng kịp thời ban hành nhiều chủ trương, đường lối, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, phát huy dân chủ, đổi mới phong cách lề lối làm việc; tăng cường công tác tuyên truyền không chỉ trong cán bộ đảng viên mà còn trong nhân dân, để đưa đường lối chủ trương của Đảng vào cuộc sống", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy chính trị, công tác kiểm tra giám sát trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả.
Do đó, cần tiếp tục làm cho phương thức lãnh đạo của Đảng có nhiều đổi mới, mang lại kết quả như mong muốn; qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Đánh giá cao 11 ý kiến của các đại biểu đưa ra, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, nhiều ý kiến hay, đề xuất cụ thể về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Ý kiến của các đại biểu sẽ được tập hợp thành một đề án, trình ra Trung ương để tiếp tục xem xét cho ý kiến về việc xây dựng và hoàn thiện đề án.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất