Hội thảo khoa học: Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam
Hội thảo khoa học: Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Văn Phuông; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thành Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cùng 200 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lý luận văn học, nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước tới dự.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh nêu rõ: Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), tư duy lý luận về văn học, nghệ thuật của Đảng đã có bước phát triển quan trọng. Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về gắn quá trình tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đã trở thành tư tưởng chỉ đạo của nhiều chương trình, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên so với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, thì thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; đặc biệt là chưa bảo đảm văn hóa là mục tiêu, động lực, tạo nên sức mạnh nội sinh để tác động có hiệu quả trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam. Hội thảo lần này đặt ra ba vấn đề chủ yếu: Lý luận về mối quan hệ hữu cơ giữa vài trò, sứ mệnh của việc xây dựng văn học, nghệ thuật với xây dựng, phát triển nhân cách, con người Việt Nam và những bài học kinh nghiệm trong việc xử lý mối quan hệ này; Những vấn đề đặt ra trong thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật Việt Nam thời gian qua về nhận thức, phản ánh, khám phá con người Việt Nam và những thành tựu, hạn chế thiếu sót. Vai trò, trách nhiệm của người sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay.

Thay mặt Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật đối với việc xây dựng nhân cách, con người Việt Nam tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh - nơi đang có gần 1/10 dân số cả nước đến sinh sống, học tập, làm việc; và là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, cổng giao thương rộng rãi với quan hệ bạn bè quốc tế.

Tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhạc sĩ trong nước đã đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc hiện nay trong sáng tác, hoạt động văn học, nghệ thuật để văn học, nghệ thuật góp phần cao cả trong xây dựng nhân cách, con người Việt Nam. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đem đến sự chú ý cao của giới văn học, nghệ thuật với tham luận: “Vấn đề giáo dục nhân cách của văn học, nghệ thuật”.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định vai trò to lớn của văn hóa tinh thần, mà lực lượng các thế hệ nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu, sáng tác về văn học, nghệ thuật qua nhiều thế hệ đã có công lao tạo dựng nên nền tảng, cốt cách của con người Việt Nam. Hiện nay trong xu thế hội nhập thế giới, nhiều loại hình tiêu cực đã và đang xen kẽ đưa vào văn học, nghệ thuật làm sao lãng  vai trò to lớn, tích cực của văn học, nghệ thuật đối với xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Chủ tịch nước mong muốn văn học, nghệ thuật vẫn luôn giữ được và phát huy tính chất cao cả của mình trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều tác phẩm sinh động, có uy tín, chất lượng cao đóng góp vào xây dựng nhân cách con người Việt Nam... Đảng, Nhà nước luôn mong muốn và tạo mọi điều kiện cho các văn nghệ sĩ sáng tạo không ngừng, tạo nên nhiều tác phẩm chân thực và sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam.

Sau gần hai ngày làm việc, trong Báo cáo tổng kết Hội thảo, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã đề ra 5 giải pháp chủ yếu. Đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam; Tăng cường công tác quản lý của ngành Giáo dục và Đào tạo, các ngành liên quan; Mở rộng sự phối hợp các ban, bộ, ngành, nhất là cần sự phối hợp với các bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam… cùng các tổ chức chính trị -  xã hội, các ngành liên quan; Đổi mới bổ sung cơ chế, chính sách, nhất là nghiên cứu, tư vấn, đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh chế độ nhuận bút đối với những tác phẩm hội chuyên ngành Trung ương và báo chí tương xứng với giá trị, phù hợp tình hình hiện nay, các hội chuyên ngành Trung ương phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng, hoàn thiện quy chế giải thưởng, đề cao trách nhiệm thẩm định tác phẩm, coi trọng chất lượng, tạo sự đồng thuận, sức lan tỏa cao các giải thưởng văn học, nghệ thuật hàng năm; Tiếp tục phối hợp các hội chuyên ngành Trung ương đề xuất chế độ phụ cấp thường xuyên với các văn nghệ sĩ đã có thành tích xuất sắc, những người hoàn cảnh khó khăn;  Đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để làm tốt vai trò gắn bó, đồng hành định hướng các hoạt động sáng tạo, nhạy bén và kịp thời phát hiện, phản bác những biểu hiện lạm dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài mưu toan phủ nhận truyền thống lịch sử, tinh hoa văn hóa dân tộc, xóa nhòa thành quả của cách mạng Việt Nam.     

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất