Sáng 20-1, tại Hà Nội, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Bầu trực tiếp bí thư - Thực trạng và giải pháp”. Đồng chí Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương và đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện một số cục, vụ, đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương, đại diện ban tổ chức các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương (ảnh trên) khẳng định, thành công của các đại hội đảng cơ sở thí điểm bầu trực tiếp bí thư tại đại hội từ Đại hội X của Đảng đến nay đã mang lại nhiều bài học quý báu, thiết thực, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương, hiện thực hóa nội dung phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân. Việc bầu trực tiếp bí thư tại đại hội đã mang đến luồng không khí mới, phát huy trách nhiệm của đảng viên khi trực tiếp cầm lá phiếu lựa chọn người xứng đáng làm bí thư ngay tại đại hội. Bầu trực tiếp bí thư tại đại hội cũng cho thấy không khí dân chủ, đoàn kết, loại bỏ được tâm lý gò bó, tiêu cực trong quá trình bầu cử. Tuy nhiên, từ thực tiễn thí điểm bầu trực tiếp bí thư tại đại hội thời gian qua cũng cho thấy nổi lên những tồn tại, hạn chế, như: việc bầu trực tiếp nhưng không có số dư đã làm giảm tính cạnh tranh, để lại tâm tư trong quá trình phấn đấu, rèn luyện của cán bộ; ở một số đại hội việc bầu trực tiếp bí thư đã xảy ra kết quả không mong muốn…
Thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài, đồng chí Trần Văn Thiết, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã khái quát kết quả nghiên cứu của đề tài “Bầu trực tiếp bí thư – Thực trạng và giải pháp”. Theo đó nhóm nghiên cứu đã chỉ ra bài học Tổng tuyển cử sau cách mạng và giá trị của đề cao dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động người tài đức tham gia xây dựng chính quyền kháng chiến, kiến quốc. Đồng thời khẳng định, bầu cử và các hoạt động bầu cử đã trở thành một định chế pháp lý quan trọng trong Đảng và trong toàn hệ thống chính trị... Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung nghiên cứu, đồng thời xây dựng báo cáo tư vấn về chủ trương đổi mới công tác bầu cử trong Đảng, hiện thực hóa chủ trương này từ quá trình thí điểm tiến tới thực hiện bầu trực tiếp bí thư cấp uỷ tại đại hội đảng bộ các cấp, Ban Chủ nhiệm đề tài mong muốn các địa biểu tập trung trao đổi, thảo luận 4 vấn đề. Thứ nhất, là bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm làm rõ tính cấp thiết của đề tài cũng như vấn đề đổi mới công tác bầu cử trong Đảng. Thứ hai, là trao đổi sâu về chuẩn bị công tác nhân sự bởi đây là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định kết quả bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Thứ ba, là trao đổi về những bất cập, tồn tại trong hệ thống các văn kiện liên quan và đề xuất các giải pháp bổ sung, sửa đổi. Thứ tư, là việc bầu trực tiếp bí thư tại đại hội có thể tạo nên bất cập đối với chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương và cần có chủ trương, giải pháp như thế nào để khắc phục vấn đề này. Thứ năm, là những vấn đề cần quan tâm trong tổ chức và thực hiện bầu trực tiếp bí thư tại đại hội đảng bộ các cấp.
Một số ý kiến phát biểu tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về bầu trực tiếp bí thư tại đại hội tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Các ý kiến đã đi sâu, đi sát vào thực trạng bầu trực tiếp bí thư tại đại hội, đồng thời đưa ra những giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương (ảnh trên) ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng chí cho biết, các ý kiến của các đại biểu cũng như bài tham luận gửi đến Hội thảo sẽ được Ban Chủ nhiệm tiếp thu một cách đầy đủ để hoàn thiện đề tài trong thời gian sớm nhất.
Ngô Khiêm