TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao: Khung đánh giá năng lực cán bộ của các tổ chức quốc tế trên thế giới
Theo TS. Phạm Lan Dung, các tổ chức quốc tế đều sử dụng khung năng lực để phục vụ công tác lập kế hoạch, xây dựng vị trí việc làm, tuyển dụng và quản lý, đánh giá nhân sự.
TS. Phạm Lan Dung
Khung năng lực đánh giá công chức của các tổ chức quốc tế nhìn chung là tổng hợp tất cả các kỹ năng, thái độ, kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Khung năng lực này được xây dựng dựa trên các “giá trị cốt lõi” của tổ chức, các năng lực cốt lõi và các năng lực thực thi nhiệm vụ. Hiện nay, Liên hiệp quốc chia năng lực thành 2 nhóm: năng lực cốt lõi gồm giao tiếp, làm việc nhóm, lên kế hoạch và tổ chức, sáng tạo, định hướng khách hàng, ham muốn học hỏi và nhận biết kỹ thuật; năng lực quản lý gồm lãnh đạo, tầm nhìn, xây dựng lòng tin, quản lý công việc, đánh giá và ra quyết định.
TS. Phạm Lan Dung cũng đề xuất khung năng lực phải cụ thể hóa theo chuyên môn của từng ngành, từng lĩnh vực và xuất phát từ chính nhu cầu của các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ. Chiến lược đào tạo cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế không chỉ dừng lại ở việc đào tạo tại nước ngoài mà còn phải chú trọng đào tạo tại chỗ, kết hợp các khóa ngắn hạn, dài hạn, tập trung chiến lược đào tạo vào đội ngũ cán bộ trẻ. Mời chuyên gia giỏi các nước về đào tạo cán bộ. Đồng thời, xây dựng lồng ghép kết quả học tập các khóa học gắn với việc khen thưởng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ để tạo mục đích, mục tiêu học tập đối với mỗi cán bộ.
Đồng chí Hoàng Sỹ Cường, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, Ban Đối ngoại Trung ương: Mỗi cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế có thể được coi là đại diện cho văn hóa, con người Việt Nam.
Đồng chí Hoàng Sỹ Cường.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh, cán bộ muốn làm việc trong môi trường quốc tế, yêu cầu đầu tiên vẫn là phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực mình phụ trách.
Về mặt kiến thức, bên cạnh những yêu cầu chung, cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế cần phải được trang bị nền tảng kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc; đặc biệt, kiến thức sâu về chuyên môn, nghiệp vụ và thành thạo ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc. Đồng thời, điều quan trọng là mỗi cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế phải thấm nhuần và nắm vững, hiểu rõ lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc; có phông hiểu biết cơ bản về văn hóa nước ngoài.
Thái độ hay nói rộng ra là phẩm chất của cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế thể hiện các khía cạnh: phải có phẩm chất và tư tưởng chính trị vững vàng; phải có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; phải có phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại. Mỗi cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế có thể được coi là đại diện cho văn hóa, con người Việt Nam.
Ngoài việc đáp ứng khung năng lực chung nói trên, đồng chí Hoàng Sỹ Cường nhấn mạnh đối với mỗi nhóm cán bộ gồm cán bộ lãnh đạo quản lý cấp chiến lược và cán bộ cấp làm việc cần nhấn mạnh thêm những yêu cầu riêng.
Đối với cán bộ lãnh đạo quản lý cấp chiến lược cần có tầm nhìn chiến lược có tư duy hệ thống; có tầm nhìn chiến lược sẽ giúp người lãnh đạo có khả năng dẫn dắt, định hướng. Đồng thời có khả năng, kỹ năng lãnh đạo và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp dưới.
Đối với cán bộ cấp làm việc: Về kiến thức phải không ngừng trang bị nền tảng kiến thức trong cả lĩnh vực chuyên môn và các lĩnh vực khác, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Về kỹ năng phải có kỹ năng mềm, thích ứng linh hoạt, dự báo trước được các tình huống rủi ro. Về thái độ luôn chú ý giữ vững bản lĩnh, phẩm chất chính trị, coi đây là nền tảng.
PGS, TS. Hồ Thúy Ngọc, Trưởng Khoa Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương: Ngoại ngữ và tin học là công cụ
Xuất phát từ lo ngại vấn đề ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay khi làm việc trong môi trường quốc tế, PGS, TS. Hồ Thúy Ngọc cho rằng, ngoại ngữ chỉ là công cụ. Đội ngũ cán bộ trẻ có ngoại ngữ, có sự sáng tạo, nhiệt tình nhưng những cán bộ làm việc lâu năm thì có kinh nghiệm, thông tin, kỹ năng làm việc. Điều này tạo nên sự tổng hòa hợp lý.
PGS, TS. Hồ Thúy Ngọc.
Nếu không có ngoại ngữ, chúng ta có thể dùng phiên dịch, nó chỉ làm chậm quá trình chứ không dừng quá trình. Do đó, những vấn đề liên quan đến ngoại ngữ không phải là điểm khó mà chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm mới là điều chúng ta phải trau dồi.
Chúng ta phải có khung năng lực, tức một cơ chế để đánh giá cán bộ, công chức thiếu và yếu ở chỗ nào khi làm việc trong môi trường quốc tế. Sau đó, chúng ta mới có phương hướng đưa ra chương trình đào tạo, rồi tiếp tục dùng thang đo về năng lực tư duy Bloom để đánh giá chương trình đào tạo đó đạt được mục tiêu không. Sau 3-5 năm sẽ dùng khung năng lực để đánh giá lại.
Hiện nay, đã có Đề án thí điểm về kiểm định chất lượng đầu vào công chức của Bộ Nội vụ. Chính phủ cũng đã có dự thảo Nghị định về kiểm định chất lượng đầu vào, trong đó Phụ lục số 15 đã đưa ra khung năng lực đánh giá năng lực làm việc của công chức. Khung năng lực này đã đạt được mức phổ quát về năng lực cần có ở mức tối thiểu của công chức tại các ngành nghề khối nhà nước, tuy nhiên nếu đưa yếu tố môi trường quốc tế vào thì lại thiếu.
PGS, TS. Hồ Thúy Ngọc đề xuất, ngoài khung năng lực chung làm nền tảng, thì lõi bên trong cần đưa thêm các tiêu chí quốc tế. Bên cạnh đó, mỗi một lĩnh vực quản lý nhà nước phải xây dựng thêm thang đo nhỏ hơn về năng lực chuyên môn, kỹ năng toàn cầu hóa, ngôn ngữ, kinh nghiệm lễ tân ngoại giao… Các vấn đề liên quan đến chuyên môn và kỹ năng phải được ưu tiên đào tạo. Đào tạo ngoại ngữ là đào tạo dần dần, “mưa dầm thấm lâu”.
PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Yếu tố quan trọng là xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ cán bộ
PGS, TS. Phạm Minh Sơn đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
PGS, TS. Phạm Minh Sơn.
Đứng dưới góc độ là đơn vị đào tạo cán bộ cho Đảng, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là việc trang bị cho đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc và vận dụng hiệu quả quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động quốc tế.
Hiện nay, cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế rất đa dạng, nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau, do đó khi tiếp xúc các đối tượng nước ngoài, nếu bản lĩnh chính trị không vững vàng, nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng thì rất dễ bị dẫn dắt, sa ngã.
Ngoài ra, chúng ta cần chú trọng các quan điểm, đường lối của Đảng về hội nhập quốc tế cho đội ngũ cán bộ. Yêu cầu với người làm ngoại giao và đối ngoại phải nắm vững các vấn đề chuyên môn.
PGS, TS. Phạm Minh Sơn cũng nhấn mạnh, ngoại ngữ và tin học là công cụ và phương tiện nhưng vẫn phải chú trọng để giúp chúng ta đi xa, đi nhanh hơn. Có ngoại ngữ mới giúp cán bộ giao tiếp thuận tiện trong môi trường quốc tế.
Đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng: Mở rộng phạm vi hiểu về không gian làm việc trong môi trường quốc tế
Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Ngô Minh Tuấn.
Theo Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, chúng ta phải hiểu cán bộ có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế không bó hẹp là làm việc tại nước ngoài hay làm việc trong nước với đối tác nước ngoài mà cần mở rộng phạm vi và không gian ra ngay cả làm việc trong nước với đối tác trong nước nhưng có nội dung liên quan vấn đề hội nhập quốc tế và giao tiếp, giao dịch quốc tế.
Việc xây dựng Khung năng lực cán bộ là rất cần thiết nhưng phải chú ý đến yếu tố hiểu biết về thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, cần xây dựng kỹ năng mềm cho đội ngũ cán bộ, trong đó rất quan trọng rèn luyện khả năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm...
|